Phát triển mô hình nuôi bò sữa ở Bến Tre
Mô hình chăn nuôi bò sữa chỉ mới phát triển tại Bến Tre thời gian gần đây nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Mô hình nuôi bò sữa đang rất phát triển ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đức.
Dự án phát triển đàn bò sữa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015 - 2019 được triển khai từ tháng 2-2015, với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 98,2 tỷ đồng, trong đó Tổ chức Heifer (tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu hoạt động xóa đói, giảm nghèo) hỗ trợ 18 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 18 tỷ đồng, vốn đối ứng của các hộ dân tham gia khoảng 62 tỷ đồng. Hộ nông dân tham gia dự án sẽ được hỗ trợ con giống theo hình thức chuyển giao (trả lại cho dự án một con bê cái bằng trọng lượng ban đầu); được hỗ trợ 5 triệu đồng (không lãi suất) để làm chuồng; được vay vốn với lãi suất thấp để đầu tư con giống ban đầu (từ 3 đến 5 con).
Đồng thời Dự án cũng tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách trồng cỏ tạo nguồn thức ăn; chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc; đưa công nghệ máy băm cỏ, máy vắt sữa vào sử dụng...
Sau một thời gian dài triển khai dự án đến nay số hộ nông dân tham gia cũng như tổng đàn gia súc ngày càng tăng. Đã có 1.310 hộ dân ở 16 xã của huyện Ba Tri và 3 xã của huyện Giồng Trôm tham gia Dự án, với tổng số 2.432 con bò nền (bò tại địa phương được lai với bò sữa), 1.796 con bò sữa, trong đó 359 con bò đang cho sữa. Trong đó xã An Bình Tây có số hộ tham gia dự án nhiều nhất với 202 hộ và có 646 con bò. Quy mô chăn nuôi theo hộ gia đình từ 3-5 con, nhiều hộ gia đình mở rộng chăn nuôi gia trại, trang trại từ 20-30 con.
Hiện tại, mô hình nuôi bò sữa đạt hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với nuôi bò thịt vì giá cả ổn định. Lợi thế của bò sữa là ngày nào cũng cho thu nhập. Bò cho sữa liên tục trong 10 tháng. Quá trình sau 4 tháng cho sữa, bò cũng được phối giống bình thường; sau 10 tháng khai thác, thì 2 tháng sau là bò sinh và tiếp tục lấy sữa. Trung bình 1 con bò sữa cho từ 13-15kg sữa/ngày với giá bán từ 12-14 ngàn đồng/kg. Nếu một gia đình nuôi 5 con bò sữa thì tính ra mỗi tháng trừ đi các khoản chi phí còn thu lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng. Hiệu quả này cao hơn nhiều lần so với chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản. Theo chia sẻ của bà con nông dân thì nuôi bò sữa không hề khó, về cơ bản giống như nuôi bò thịt nhưng cần chăm sóc kỹ và cho ăn đúng giờ, đủ chất.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Thanh Tùng thì Dự án được triển khai tại huyện trong mấy năm qua đã mang lại hiệu quả bước đầu rất tốt. Đây là mô hình triển vọng của địa phương nhằm giúp nông dân làm giàu và góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Từ hiệu quả ban đầu, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn làm gia trại. Điển hình như gia đình chị Phạm Thị Tỷ (xã An Phú Trung) đã đầu tư 1 tỷ đồng để xây dựng trang trại rộng 1 ha vừa là khu chăn nuôi, trồng cỏ. Hay như hộ anh Huỳnh Nam Trung ở xã Mỹ Hòa xây dựng trang trại chăn nuôi tới 60 con bò sữa…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre - Trưởng Ban quản lý Dự án Đoàn Văn Đảnh, dự kiến dự án sẽ kết thúc vào cuối năm 2019, nhưng do hiệu quả kinh tế mang lại rất tốt nên nên Ban quản lý Dự án sẽ trình UBND tỉnh xin được kéo dài đến năm 2021. Đồng thời, mở rộng sang các địa phương khác của các huyện: Bình Đại, Giồng Trôm và Thạnh Phú để góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân.