Tháng Ba không chỉ có hoa bưởi
Tháng Ba, với người dân Việt Nam không chỉ là tháng hoa bưởi, hoa gạo, hoa xoan bung nở mà còn nhắc nhớ tới một sự kiện bi hùng. Ngày 14/3/1988, 64 người con của dân tộc đã anh dũng hi sinh trong cuộc chiến giữ đảo Gạc Ma. Tháng Ba, do vậy còn là tháng lòng người rưng rưng hướng về biển đảo, tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống giữa trùng khơi...
“Em tình nguyện nhập ngũ...”
Như nhiều làng quê khác ở Nam Định, qua mấy năm xây dựng nông thôn mới, làng Đồng Quỹ, xã Nam Tiến (Nam Trực) khang trang hơn hẳn. Cổng làng khá to, đẹp, nằm ngay sát tỉnh lộ. Bước vào ngôi nhà nằm sát con đường giữa làng, chúng tôi nhận ra di ảnh Liệt sỹ Nguyễn Văn Kiên (SN 1968, Chiến sĩ đơn vị E83, tàu HQ 604 - 1 trong 64 chiến sỹ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma -Trường Sa) được đặt trang trọng trên ban thờ.
Lục tìm trong tủ những gì được gọi là kỷ vật của Liệt sỹ nhưng vợ chồng ông bà Nguyễn Thế Cương, Đỗ Thị Phượng (anh trai, chị dâu của Liệt sỹ) cũng chỉ tìm được mấy lá thư anh Kiên viết, gửi về từ 30 năm trước, vào thời điểm trước khi anh lên tàu ra Trường Sa. Không có nhiều kỷ vật, nhưng những gì về Liệt sỹ lại khá đậm nét trong ký ức của người chị dâu.
Bà Phượng hồi tưởng: “Tôi về làm dâu nhà chú Kiên tháng 10/1985. Nhà tôi với nhà chồng ở cùng xóm nên tôi biết rõ gia cảnh. Cả thảy có 5 anh em, 4 trai, 1 gái, chú Kiên là út. Bố mất sớm. Nghèo lắm! Nhà tranh, vách đất, cái phích uống nước cũng không có! Riêng chú Kiên thì hiền và chịu khó lắm. Ngày ngày đi chăn vịt giúp mẹ. Rảnh rỗi lại lại vác cào đi đánh dậm, kiếm thêm con con cá, con tôm cho cả nhà. Từ khi tôi về làm dâu thì chú ấy phụ tôi làm hàng xay, hàng xáo bằng việc giã gạo...”.
Vẫn lời người chị dâu: “Tôi về làm dâu được mấy tháng, một hôm, vào cuối năm chú Kiên rụt rè bảo tôi: Hôm nay đi chợ, em nhờ chị mua cho em đôi quần đùi với đôi áo lót. Tôi ngạc nhiên, hỏi lại sao phải mua nhiều thế? Chú ấy bảo mai em đi khám nghĩa vụ quân sự mà quần áo của em cũ quá rồi. Tôi càng ngạc nhiên bảo có thấy xã gọi chú đâu, mà chú mới 17 tuổi. Rồi U có đồng ý không? Chú ấy bảo kệ, em tình nguyện nhập ngũ, đằng đâu cũng một lần đi...”.
Bà Đỗ Thị Phượng, chị dâu Liệt sỹ Nguyễn Văn Kiên chia sẻ ký ức về Liệt sỹ. Ảnh: Duy Hưng.
Hôm ấy đi chợ, người chị dâu tìm mua cho anh Kiên đôi quần đùi với đôi áo lót, còn mua thêm cho em chiếc khăn mặt. “Hôm sau đi khám nghĩa vụ quân sự, chú ấy lại mượn thêm cái quần cưới của anh Cương. Khi trúng tuyển, được đơn vị phát quân phục, chú ấy gửi trả lại anh cái quần. Qua Tết năm 1986, vào tháng 2, chú ấy nhập ngũ, vào bộ đội hải quân. Giá như nhà có điều kiện thì khi chú ấy nhập ngũ cũng làm mấy mâm cơm để liên hoan tiễn chú ấy. Nhưng khi đó có đâu, thành thử chú ấy đi là cứ đi vậy thôi...” – bà Phượng ngậm ngùi.
“Gia đình biết tin anh Kiên hy sinh trong hoàn cảnh nào?” - tôi hỏi. Vẫn lời bà Phượng: “Biết từ bố đẻ tôi. Sáng ấy cụ nghe đài, thấy nói rõ tên tuổi, quê quán chú Kiên. Ông lên nhà để báo nhưng không có ai ở nhà, U tôi ra đồng, chồng tôi làm bảo vệ ngoài xã, tôi thì đi chợ. Ngày ấy đã có điện thoại đâu để mà gọi. Không có ai ở nhà nên cụ ra đầu làng nói toáng lên là cu Kiên hy sinh rồi. Cả làng xôn xao. Đến trưa cả nhà mới có mặt đông đủ. Nghe ông nói lại ai cũng thẫn thờ, hy vọng ông nghe nhầm. Nưng ít lâu sau thì gia định nhận được giấy báo chú Kiên hy sinh thật. Hy sinh ngày 14/3/1988, ngoài Trường Sa, đến giờ vẫn chưa tìm thấy thi thể...”.
“Mẹ thường luộc khoai tây để thắp hương cho bố”
Hôm ấy, tại buổi gặp mặt thân nhân Liệt sĩ và Cựu chiến binh tiêu biểu trực tiếp chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa, do Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Bình tổ chức, ai cũng xúc động khi nghe cô giáo Nguyễn Thị Minh Hà (giáo viên Trường THPT Vũ Tiên, Vũ Thư, Thái Bình) chia sẻ ký ức về cha mình là Thượng úy Nguyễn Minh Tân, sinh năm 1956, nguyên cán bộ Trung đoàn Công binh 83, Quân chủng Hải quân - 1 trong 64 cán bộ, chiến sỹ hải quân đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.
Cô giáo Hà chia sẻ: “Tôi không được ở gần bố nhiều vì bố luôn công tác xa nhà. Chỉ có một lần tôi được bố đưa ra đơn vị ngoài Hải Phòng, được ở cùng bố gần 1 tháng trước khi bố vào Đà Nẵng công tác. Trong lá thư cuối, bố bảo đã mua cho tôi một đôi dép và chiếc áo. Bố còn hứa sau chuyến đi này bố về, sẽ mua cặp sách cho tôi đi học”.
Vẫn lời cô giáo Hà: “Biết bố thích ăn khoai tây luộc nên vụ đông năm đó, mẹ tôi đã trồng nhiều khoai tây. Khi thu hoạch, mẹ cất những củ to nhất để dành, chờ bố về. Rồi cả nhà nhận được thư bố gửi về nói phải đi Trường Sa đột xuất, không về được. Qua Tết, nghe đài, cả nhà biết chiến sự nổ ra ở ngoài Trường Sa, nhiều người đã hy sinh. Không tin bố đã hy sinh, mẹ tìm ra đơn vị bố để hỏi. Biết bố đã hy sinh, mẹ đau đớn lắm, khóc rất nhiều. Đến giờ, mẹ thường luộc khoai tây để thắp hương cho bố trên ban thờ. Khi bố mất, tôi còn nhỏ, không cảm nhận hết được sự mất mát. Sau này, nghe lời mẹ, chỉ biết vượt qua khó khăn để học hành, thành người sao cho xứng với sự hy sinh của bố”.
Bố mẹ Liệt sỹ Phạm Gia Thiều chia sẻ ký ức về con trai. Ảnh: Duy Hưng
Muôn sự tri ân không có tên
Chung một nỗi đau mất người thân; chung niềm tự hào chồng, con, anh, em mình đã hy sinh để bảo vệ sự vẹn toàn biển đảo của Tổ quốc nhưng những người thân của những Liệt sỹ Gạc Ma cũng có chung niềm an ủi. Đó là luôn được đón nhận sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ không chỉ từ phía Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở địa phương mà còn từ nhiều cá nhân, tổ chức trên cả nước. Rất nhiều trong số đó họ không biết tên.
Ông Nguyễn Thế Cương, anh trai Liệt sỹ Nguyễn Văn Kiên chia sẻ: “Mấy năm qua, có rất nhiều đoàn về thăm hỏi, động viên, có cơ quan báo chí còn tặng tiền. Một phần kinh phí xây dựng ngôi nhà gia đình tôi đang ở cũng do một doanh nghiệp ngành dầu khí ủng hộ”. Tương tự, ông Nguyễn Văn Trình (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định, em trai Liệt sỹ Nguyễn Xuân Thuỷ, SN 1967, chiến sĩ tàu HQ604) cũng chia sẻ rất nhiều cá nhân, tổ chức đã về thăm hỏi, động viên. “Tôi không nhớ hết tên. Mới đây có người ở mãi miền Trung ra, chỉ bảo đã từng công tác ở ngoài Trường Sa, gửi tặng gia đình chúng tôi 8 triệu đồng” – ông Trình cho biết.
Đến thăm ông Phạm Văn Mỹ ở xã Trung Đông-huyện Trực Ninh-Nam Định, là bố đẻ của Liệt sỹ Phạm Gia Thiều (Thượng uý, Thuyền phó tàu HQ 604) chúng tôi cảm nhận ông bà chưa nguôi ngoai nỗi đau mất đi người con trai duy nhất. Niềm an ủi của ông bà lúc tuổi già là vẫn được đón nhận sự quan tâm, động viên từ hội những người bạn học cùng Liệt sỹ Thiều tại Đại học Hàng hải Hải Phòng trước khi anh nhập ngũ.
Ông cho hay, ngôi nhà vợ chồng ông đang ở được những người bạn của con trai ông quyên góp xây dựng. Với những người thân của Liệt sĩ Nguyễn Minh Tân (Thượng uý, E83 công binh, tàu HQ 604), niềm an ủi lớn nhất là một phần hài cốt của ông giờ đã được yên nghỉ tại quê nhà, xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà (Thái Bình)...