Cấm xe máy, khó khả thi

Lục Bình 14/03/2019 08:00

Để từng bước giải bài toán ùn tắc giao thông đô thị, Hà Nội sẽ sớm thực hiện Đề án hạn chế phương tiện cá nhân đến năm 2030 đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua.

Và để cụ thể hóa chủ trương này, tới đây Hà Nội sẽ thí điểm cấm xe máy trên hai tuyến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi- Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã thông tin như vậy. Câu hỏi người dân đặt ra lúc này là, cấm xe máy thì đi bằng gì?

Cấm xe máy, khó khả thi

Xe máy hiện vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu của người Hà Nội.

Cấm xe máy, dân hoặc là phải chuyển sang mua ô tô hoặc là đi phương tiện công cộng. Nếu cấm xe máy để chống ùn tắc mà người dân đủ điều kiện chuyển sang mua ô tô thì lợi bất cập hại với đa phần người không đủ điều kiện mua ô tô buộc phải đi phương tiện công cộng, như lời ông Giám đốc Sở GTVT Hà Nội.

Cái sự bắt buộc người dân phải từ bỏ xe máy ở hai tuyến phố này được lý giải rằng đây là các tuyến đường “có mạng lưới xe buýt dày đặc, có buýt nhanh BRT, còn có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sắp khai thác”. Và cơ sở cho việc cấm là niềm tin: “Với sự phát triển, chuẩn bị cho lộ trình hơn 10 năm, đến thời điểm trên (2030), hệ thống phương tiện giao thông công cộng của thành phố chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân”!

Tất nhiên, nếu phương tiện vận tải công cộng tốt thế, rẻ thế, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân đương nhiên người ta sẽ tự động lựa chọn loại hình vận tải tối ưu vừa rẻ, vừa an toàn này. Nhưng hãy thử nhìn lại tốc độ phát triển giao thông công cộng của Hà Nội 10 năm qua ra sao.

Theo tính toán, mạng lưới xe buýt Hà Nội sau 10 năm đã có 112 tuyến, tăng 51 tuyến sau 10 năm; nhưng đường dành riêng cho xe buýt chỉ được 16,07 km. Sau 10 năm mở rộng Thủ đô, chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng trưởng 0,28% đất đô thị/năm chỉ đạt 8,96% năm 2017. Sau hơn 10 năm, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên “sắp đi vào hoạt động” với tốc độ bình quân chỉ 35km/h.

Thế nhưng, cũng chỉ trong 10 năm ấy tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân đạt kỷ lục 12 - 15% mỗi năm. Nếu 2008, Hà Nội có 2,2 triệu phương tiện cá nhân thì tới 2017, con số này đã là 6 triệu, tăng gấp gần 3 lần với 540 ngàn ôtô và 5,4 triệu xe máy. 27.000 phương tiện đăng ký mới mỗi tháng là một con số khủng khiếp. Nhưng sự khủng khiếp hay những kỷ lục ấy hoàn toàn logic với tốc độ tăng dân số 3%/năm và những con số ấy cũng nói lên một điều, phương tiện cá nhân tăng là để phục vụ nhu cầu đi lại chính đáng của người dân.

Đi lại là nhu cầu chính đáng của người dân nhưng phương tiện công cộng là xe buýt, hiện chỉ đáp ứng khoảng 13,5% nhu cầu đi lại. Với hệ số đi lại 2,3 chuyến đi/người/ngày, nếu muốn đáp ứng nhu cầu đi lại của dân thì tổng số chuyến đi ở Hà Nội sẽ tăng chóng mặt, từ khoảng 20 triệu chuyến đi/ngày năm 2018 lên 30 triệu chuyến đi năm 2030. Liệu hệ thống xe buýt mới đáp ứng được 13,5% nhu cầu đi lại có thay thế nổi 5,4 triệu xe máy? Và 2 tuyến đường sắt đô thị, giả sử xong đúng hạn, có đáp ứng được hệ số đi lại dự báo lên tới 30 triệu chuyến mỗi ngày?

Như vậy, khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân đương nhiên người ta sẽ vẫn phải dùng phương tiện cá nhân để đi. Cấm đi xe máy hay ôtô khi chưa có phương tiện thay thế là coi thường dân. Ngay cả khi có phương tiện, nhưng không thuận lợi, không an toàn, không vệ sinh, thì cũng không tôn trọng dân. Thế nên, đừng vội vàng bàn đến chuyện cấm xe máy khi phương tiện công cộng còn thiếu trầm trọng như vậy.

Và ngay cả việc thí điểm cấm xe máy ở một số tuyến phố được cho là đủ điều kiện cũng không nên làm. Bởi khi xe máy vẫn là phương tiện cơ động nhất, giải quyết tối ưu nhất nhu cầu thiết yếu của người dân thì người ta vẫn lựa chọn chiếc xe máy. Cấm xe máy ở đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương có thể sẽ giúp thông thoáng hai tuyến đường này nhưng còn những tuyến phố khác thì sao, có tránh được ùn tắc nghiêm trọng không khi cung đường của người dân đi có nằm hoàn toàn trên 2 tuyến đó đâu? Nếu cấm 2 tuyến đường đồng nghĩa với việc vô hình trung cấm hàng trăm tuyến đường khác trong khi các tuyến khác chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải công cộng của người dân, sẽ tạo ra luồng giao thông không liên thông, ùn tắc kéo dài. Cấm xe máy chỉ một số tuyến phố là lợi bất cập hại.

Tóm lại, muốn cấm xe máy chính quyền phải trả lời được câu hỏi người dân đi bằng gì? Cần thúc đẩy để giao thông công cộng tốt lên, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời không nhồi nhét cao ốc trong nội đô, gia tăng áp lực giao thông cho thành phố và kết hợp xây dựng thành phố vệ tinh mới là giải pháp lâu dài giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, chứ không phải đưa ra những chính sách mà không quan tâm đến đối tượng chịu tác động như vậy.

Trở lại với việc Hà Nội dự định thí điểm cấm xe máy ở hai tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương, xem ra khó khả thi.

Lục Bình