Phối hợp sâu sắc, hợp lòng dân
Để công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, sâu sắc và hiệu quả, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị hai bên cần nâng cao việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội. Trong hoạt động giám sát cần phải đảm bảo tính thiết thực hơn nữa. Hình thức tiếp xúc cử tri cũng cần phải đổi mới phong phú hơn và việc giải quyết đơn thư tố cáo cần được quan tâm nhiều hơn...
[ẢNH] Hội nghị liên tịch thường niên giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam
Quang cảnh hội nghị.
Ngày 14/3, tại Hội nghị liên tịch thường niên phối hợp công tác giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam rất nhiều ý kiến thẳng thắn được đại diện hai bên nêu lên để làm rõ hơn công tác phối hợp đang ngày càng sâu sắc, hiệu quả, hợp lòng dân. Ở đó nhấn mạnh đến vai trò, tiếng nói của Mặt trận trong công tác tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, xây dựng luật và giám sát những vấn đề nóng liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân của Quốc hội, từ đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự Hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Tiếp xúc cử tri nơi cư trú vẫn ít
Sau tổng kết 15 năm Quy chế phối hợp công tác và 1 năm ký Quy chế phối hợp (sửa đổi), nội dung phối hợp giữa hai cơ quan có trọng tâm và ngày càng đi vào thực chất, thiết thực hơn. Nội dung phối hợp đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai bên và quy định của quy chế phối hợp.
Đánh giá nỗ lực của hai bên cơ quan trong quá trình này, ông Đỗ Duy Thường, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, việc tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú vẫn ít, trên dưới 80 cuộc/ một năm. Từ đó, ông Thường làm một phép tính, một năm, trên 63 tỉnh thành thì mỗi một đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú trên dưới một cuộc. Chỉ trên dưới một cuộc tiếp xúc thì không thể nào lắng nghe được hết ý kiến của nhân dân, vì cũng bởi chỉ qua nhưng cuộc tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, đại biểu Quốc hội mới nghe được nhiều lời nói thẳng nói thật của dân.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam kiến nghị nên có phân loại ý kiến đóng góp của nhân dân. Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam đề xuất cần phân ra 3 loại ý kiến.
Thứ nhất là ý kiến đóng góp mang tính sáng kiến xây dựng pháp luật của nhân dân và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên có phản hồi về việc Đảng, Nhà nước đã tiếp thu như thế nào về những sáng kiến này.
Thứ hai là ý kiến được gửi đến Chính phủ về những vấn đề giải quyết trong điều hành của Chính phủ.
Loại ý kiến thứ ba - cũng là phần việc mà ông Kim cho rằng lâu nay chúng ta đã không làm được bao nhiêu - là trả lời trực diện những ý kiến của nhân dân “đất của tôi như thế nào, ruộng vườn của tôi ra sao”. Trả lời tốt những ý kiến này sẽ góp phần thực hiện tốt hơn việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Người dân sẽ rất vui mừng khi nhận được câu trả lời vì “đây đều là những quyền lợi sát sườn”.
Để tránh những vấp váp bất cập trong quá trình phối hợp như các ý kiến trên, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cũng khẳng định rằng, hai bên cần phải phối hợp chặt chẽ hơn, sâu sát hơn vì nếu có phối hợp tốt thì nhiều việc sẽ hợp với lòng dân hơn.
Được biết, Nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo xây dựng từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa ban hành do cần thời gian sơ kết, đánh giá thực tiễn. Về nội dung này Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có 3 văn bản đề nghị và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành một số kế hoạch cũng như công văn để trả lời những kiến nghị trên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn điều hành hội nghị.
Các ý kiến trả lời đều được công khai
Nêu bật những hoạt động phối hợp đang ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất trong các lĩnh vực như xây dựng pháp luật, giám sát, phản biện xã hội và tổ chức tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, quá trình này không tránh khỏi những hạn chế, bất cập.
Và để khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị hai bên tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong việc tham gia xây dựng pháp luật và phản biện xã hội, nhất là tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân.
“Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cần chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng tham các hoạt động giám sát, từ đó đóng góp những ý kiến xác đáng, chất lượng, hiệu quả vào các hoạt động giám sát này. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp chỉ đạo hướng dẫn MTTQ các cấp và các đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri”, ông Phùng Quốc Hiển khẳng định.
Trao đổi về việc giám sát trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại tất cả các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, trước và sau của mỗi kỳ họp đều được Ban Dân nguyện tập hợp và thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi tới tất cả các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Sau khi chuyển theo quy định của pháp luật sau 60 ngày tất cả các cơ quan nhận được ý kiến đó đều phải có văn bản trả lời gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội nơi cử tri có kiến nghị.
Bà Hải cũng khẳng định, thời gian gần đây các bộ, ngành nghiêm túc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân. Các ý kiến trả lời đều được công khai để cử tri cả nước có thể theo dõi. Đối với những vấn đề chưa được giải quyết và chưa trả lời ngay đều được các Bộ ngành nêu lý do và đề ra lộ trình giải quyết.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị.
Mặt trận cử thành viên tham gia đoàn giám sát của Quốc hội
Nhìn lại công tác phối hợp trong một năm qua, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, rất nhiều việc ngày càng đi vào thực chất, điều này đã được minh chứng qua những cuộc giám sát, xây dựng luật, tiếp xúc cử tri… cũng như đồng hành trong hành trình đến với người nghèo, thông qua các cuộc vận động, phong trào, ngày hội đại đoàn kết để về với nhân dân, lắng nghe nhân dân.
Đánh giá hoạt động của Quốc hội đã có sự đổi mới tại mỗi kỳ họp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nêu bật việc chủ động trong phối hợp, tổng hợp báo cáo ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân để chất lượng báo cáo ngày càng được nâng lên và được cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ.
Thông qua Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân mà Mặt trận trình bày tại phiên khai mạc mỗi kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Quốc hội, Chính phủ đã ghi nhận và trả lời kịp những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao đổi với các đại biểu tại hội nghị.
Đặc biệt từ sau Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, vai trò giám sát của Mặt trận theo Quyết định 217, 218-QĐ/TW ngày càng được nâng lên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực cử thành viên tham gia đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ đó tổng hợp ý kiến của MTTQ Việt Nam liên quan đến lĩnh vực giám sát và tham gia ý kiến trong việc hoàn thiện báo cáo giám sát trình Quốc hội xem xét.
Để công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, sâu sắc và hiệu quả, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị hai bên cần nâng cao việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trước Quốc hội. Trong hoạt động giám sát cần phải đảm bảo tính thiết thực hơn nữa. Hình thức tiếp xúc cử tri cũng cần phải đổi mới phong phú hơn và việc giải quyết đơn thư tố cáo cần được quan tâm nhiều hơn để tránh hiện tượng khiếu kiện đông người đang diễn ra tại các thành phố lớn.
“Đề nghị Quốc hội tiếp tục lắng nghe những kiến nghị của Mặt trận về việc sửa đổi các vấn đề liên quan đến Luật Thi đua - Khen thưởng sao cho phù hợp với các danh hiệu, nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào và tránh sự dàn trải”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Năm 2019 là năm tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn Chủ tịch Quốc hội và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạo điều kiện để Đại hội thành công tốt đẹp, tạo tiền đề để Mặt trận các cấp tập hợp, củng cố vững chắc hơn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị.
Tiếp thu thỏa đáng các ý kiến góp ý của Đoàn Chủ tịch
Trân trọng các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đúng ngày này (14/3) một năm về trước, Quy chế phối hợp (sửa đổi) đã được hai bên ký kết, cho thấy công tác phối hợp ngày càng đi vào thực chất đúng như đánh giá của Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Đặc biệt nêu bật công tác trao đổi thông tin giữa hai bên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tháng nào Quốc hội cũng nhận được báo cáo từ Mặt trận, qua đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nắm sát hơn công việc cũng từ đó thấy được nhiều vấn đề Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần phối hợp tốt hơn với Mặt trận.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trước mỗi kỳ họp Quốc hội có hai báo cáo quan trọng đó là Báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước của Chủ tịch Mặt trận tại phiên khai mạc và Báo cáo của Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội trước phiên chất vấn đều được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm, theo dõi.
Nhắc lại câu chuyện tiếp xúc cử tri ở Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiều cử tri bày tỏ với bà rằng họ rất quan tâm đến báo cáo kiến nghị cử tri của Mặt trận để xem những vấn đề kiến nghị của họ có được đưa vào báo cáo hay không.
Điều này cho thấy, trên thực tế những vấn đề giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân có thể còn chậm hoặc chưa được giải quyết nhưng hầu hết các ý kiến đều được tập hợp và trả lời. Đây cũng là trách nhiệm đặt ra cho sự nỗ lực của hai bên trong thời gian tới.
Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành kế hoạch cả nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đồng thời là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, đòi hỏi hai cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Trong đó có những nhiệm vụ quan trọng như tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ trong xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…
Đặc biệt để phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong việc tham gia xây dựng pháp luật và phản biện xã hội, nhất là tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các cơ quan của Quốc hội cũng cần nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu thỏa đáng các ý kiến góp ý và phản biện của Đoàn Chủ tịch.
Trong năm 2019, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với các đại biểu tại hội nghị.
Đây là những vấn đề nóng, bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng tham gia các hoạt động giám sát, đóng góp ý kiến xác đáng, chất lượng, hiệu quả vào các hoạt động giám sát này.
Để góp phần đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, đối tượng tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với cơ quan hữu quan nghiên cứu, tổng kết đánh giá và đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 525 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và nội dung về tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân tại Nghị quyết số 753 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Và để giải quyết hiệu quả hơn những nhiệm vụ trên, theo người đứng đầu Quốc hội, công tác trao đổi thông tin giữa hai bên cơ quan cũng cần phải được trao đổi thường xuyên hơn nữa.
“Nếu như hằng tháng Mặt trận đều gửi cho Quốc hội báo cáo thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cần phải gửi báo cáo hằng tháng phúc đáp cho Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.