Dịch tả lợn Châu phi có chiều hướng lan rộng: Chốt chặt các trạm Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An
Chiều ngày 14/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức họp với các địa phương và cơ quan chức năng, tìm cách khống chế dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 17 tỉnh, thành phố.
Quang cảnh cuộc họp.
Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 17 tỉnh, thành phố trên cả nước, bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và mới đây nhất là Nghệ An. Trong đó, dịch đã lan ra 52 huyện, 221 xã, tổng đàn tiêu hủy gần 23 ngàn con lợn.
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương đã thông tin đến Bộ Nông nghiệp tình hình dịch bệnh phát sinh tại các địa phương cũng như nêu lên những kiến nghị trong khâu chống, dập dịch. Nhiều địa phương cho biết, không rõ nguyên nhân gây ra bệnh vì có những địa phương như Bắc K ạn, phát hiện lợn bị bệnh tại một điểm cách xa đường quốc lộ, hoàn toàn không có giao thương, vận chuyển buôn bán lợn.
Còn đại diện tỉnh Thanh Hóa nêu lên đề xuất, cần xem lại giá hỗ trợ hiện nay, bởi nếu hỗ trợ theo giá thị trường thì người dân bị lỗ nặng vì khi dịch xảy ra, giá thịt lợn đã xuống rất thấp.
Về mức hỗ trợ, đại diện Cục Thú y đưa ra đề xuất hỗ trợ với lợn nái, lợn giống ở mức 1,5 đến 2 lần so với lợn khác. "Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Tài chính để sử dụng vốn dự trữ để hỗ trợ cho người dân, đồng thời sử dụng các phương tiện, vật tư cần thiết để chống dịch". Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông nêu rõ, nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương trong thời gian tới là rất cao.
Nguyên nhân xuất hiện bệnh: Một số hộ chăn nuôi chưa nhận thức đầy đủ sự nguy hiểm của dịch. Còn hiện tượng vì tham lợi mà vẫn giết mổ, vận chuyển lợn trái phép, không tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh. Nguyên nhân khác là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nằm lẫn ở khu dân cư, khó kiểm soát.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh lãnh đạo 17 tỉnh, thành phố, các cơ quan chức năng tỉnh đã về dự đầy đủ. Điều này cho thấy ý thức trách nhiệm với tình hình dịch tả lợn Châu phi hiện nay.Từ 1/2, thời điểm dịch phát sinh đến nay đã là một tháng rưỡi. Bộ trưởng cho biết cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt. Từ khâu giám sát, phát hiện, khoanh vùng, xử lý, ngăn chặn cho tới các công tác khác, đã được thực hiện tốt theo Chỉ thị 04 của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng, dịch tả lợn Châu phi thời gian tới tiếp tục có chiều hướng lan rộng, bởi vậy chúng ta phải quyết liệt làm tốt các giải pháp để không thể lan rộng ra các tỉnh phía Nam. Theo Bộ trưởng, thời tiết đang diễn biến phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch phát triển, nên các biện pháp phải hết sức khẩn trương.
Chúng ta phải dập dịch ngay từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, bởi tất cả các trường hợp mẫu bệnh dương tính đều được lấy ra từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tất cả các trang trại lớn đều vẫn trong “vòng an toàn” – Bộ trưởng cho biết và nhấn mạnh, cần phải tập trung 3 giải pháp trong thời gian tới: Một là, cần huy động mọi nguồn lực tập trung phân tích, hướng dẫn tuyên truyền để công tác phòng ngừa được thực hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Thứ hai tập trung tốt các biện pháp trong đề án dập dịch đã được ban hành.
Theo đó, những hộ gia đình nào có biểu hiện lợn ốm là phải báo ngay cho cơ quan thú y để thực hiện công tác lấy mẫu, giám định, nếu có kết quả dương tính sẽ tiến hành tiêu hủy ngay. Thứ ba, quản lý thật chặt để làm sao không để lây truyền từ vùng có dịch sang vùng khác. “Chốt chặt tại các trạm Thanh Hóa Hà Tĩnh, Nghệ An, vì đây là các điểm được coi là ‘trọng yếu”, nếu làm không tốt tốt mà lan truyền sang các tỉnh phía Nam sẽ rất phức tạp” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.