Bảo vệ đôi mắt trước nguy cơ mù lòa
Số liệu thống kê mới nhất của BV Mắt trung ương cho thấy, cả nước có 380.800 người bị mù cả hai mắt, trong đó có tới 24.800 người bị mù do bệnh Glôcôm (chiếm 65%, đứng thứ hai sau bệnh đục thể thuỷ tinh: 66,1 %). Ước tính nước ta hiện có khoảng 650.000 người mắc bệnh Glôcôm.
Người dân nên đi khám mắt định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Đa số người mắc không biết mình bị bệnh
Bệnh Glôcôm thường biểu hiện dạng cấp thiên đầu thống (đau nhức, nhìn mờ, mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng); hoặc mãn tính như căng tức thoáng nhẹ, vùng nhìn thu hẹp dần, nhiều trường hợp lại không có bất kì một triệu chứng nào. Hậu quả cuối cùng của Glôcôm là dẫn đến mù lòa vĩnh viễn và không có khả năng để hồi phục.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2010 thế giới có khoảng 60,5 triệu người mắc Glôcôm, dự tính đến năm 2020 sẽ có 79,5 triệu người mắc và đến năm 2030 sẽ có 110 triệu người bị bệnh này. Hiện, bệnh Glôcôm đã trở thành nguyên nhân quan trọng thứ hai gây mù lòa trên toàn thế giới.
Đáng chú ý, đa số người mắc bệnh Glôcôm đều không biết mình bị bệnh, thậm chí, nhiều người bệnh đến khám trong tình trạng bệnh đã trở nặng. Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân đến điều trị nhưng lại không tuân thủ theo hướng dẫn và chỉ định của thầy thuốc dẫn đến hiệu quả điều trị không cao. Thực tế cho thấy, khi nhắc đến bệnh Glôcôm, nhiều người dân không biết và không quan tâm đây là bệnh gì, có những triệu chứng như thế nào, đặc biệt là không nghĩ rằng bệnh có thể gây mù lòa vĩnh viễn, cướp đi ánh sáng của đôi mắt.
Theo BS Vũ Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn BV Mắt Hà Nội 2, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh Glôcôm, đặc biệt là các trường hợp như người hơn 40 tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh Glôcôm, người có nhãn áp cao, bị tật khúc xạ, viễn thị, cận thị, có tiền sử mắt bị chấn thương, dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, béo phì hoặc bị tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn hệ thống…
Cần khám mắt định kỳ
Mặc dù Glôcôm là một căn bệnh nguy hiểm, diễn biến âm thầm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mù lòa vĩnh viễn, tuy nhiên tỷ lệ phát hiện bệnh Glôcôm ở nước ta hiện nay còn thấp. Ngay cả với các nước phát triển như Anh, Mỹ, tỷ lệ này cũng chỉ khoảng 50%. Như vậy, còn có 1/2 số bệnh nhân mắc Glôcôm chưa được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo các bác sĩ, bệnh lý Glôcôm được chia thành hai thể, nguyên phát và thứ phát. Ở thể nguyên phát, Glôcôm được chia làm hai dạng gồm góc đóng và góc mở. Bệnh nhân dạng góc mở có biểu hiện âm thầm, không đau nhức nên thường phát hiện muộn, có nguy cơ gây mù loà cao. Còn ở dạng góc đóng, bệnh nhân thường có các biểu hiện dữ dội như nhức mắt, nhức đầu, nhìn mờ, nôn ói,… khiến bệnh nhân lấp tức phải nhập viện, song nguy cơ mù lòa thấp hơn so với dạng góc mở.
Những người mắc Glôcôm thứ phát thường là do biến chứng của những bệnh mắt khác như: Chấn thương, viêm màng bồ đào, tiểu đường, cao huyết áp, cận thị nặng, bệnh nhân sau phẫu thuật nội nhãn Phaco, bong võng mạc, các nguyên nhân khác,… Ngoài ra, bệnh Glôcôm hiện nay còn được phát hiện ở cả trên các bệnh nhi với đối tượng là nhóm trẻ sơ sinh và việc điều trị bệnh là gần như không có kết quả.
Theo BS Phạm Thu Hà- Khoa Glôcôm (BV Mắt trung ương), hiện nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh Glôcôm vẫn còn có nhiều điểm chưa rõ ràng nên không thể không phòng bệnh. Chúng ta có thể phòng tránh mù lòa do Glôcôm bằng cách phát hiện sớm, diều trị kịp thời bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật và phải được theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.
Bệnh nhân khi mắc bệnh Glôcôm nhất thiết phải tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, được các bác sĩ nhãn khoa tư vấn, theo dõi thường xuyên theo một quy trình chặt chẽ nhằm kiểm soát diễn biến bệnh, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác. Ngoài ra, bệnh Glôcôm còn có yếu tố di truyền, cho nên các bác sĩ khuyên người bệnh và những người ruột thịt của bệnh nhân cần có kiến thức để phát hiện bệnh Glôcôm sớm và đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để điều trị kịp thời.
Phát động Tuần lễ Glôcôm thế giới Chiều 14/3, BV Mắt trung ương - Bộ Y tế tổ chức Lễ mít tinh phát động và hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm thế giới (10/3 - 16/3) với chủ đề “Hãy đến khám mắt để phát hiện bệnh Glôcôm”. Tại buổi lễ mít tinh, PGS.TS Cung Hồng Sơn- Phó Giám đốc BV Mắt trung ương cho biết, theo các nghiên cứu mang tính dự báo trong khu vực và trên thế giới, số lượng bệnh nhân Glôcôm sẽ tăng lên đáng kể vào những năm tới. Đáng nói là hầu hết người dân tham gia khám sàng lọc (94%) còn lơ mơ hoặc không nghe, biết gì về bệnh Glôcôm. Hưởng ứng “Tuần lễ Glôcôm thế giới”, BV Mắt trung ương cũng tổ chức khám, tư vấn thuốc miễn phí, đo nhãn áp miễn phí cho tất cả những bệnh nhân nghi ngờ bị Glôcôm vào các ngày tại phòng C.502 và E.504, tại bệnh viện . Đức Trân |