Trẻ em ở Bắc Ninh vẫn ùn ùn lên Hà Nội khám vì lo sợ nhiễm sán lợn
Sáng 16/3 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, lượng trẻ từ Bắc Ninh đến khám do lo ngại nhiễm sán lợn vẫn tăng vọt. Đến hơn 9 giờ sáng, trong tổng số 385 bệnh nhân đến khám thì có tới 239 trẻ khám chuyên khoa nhi, nhiều trẻ đến để xét nghiệm tìm sán.
Sáng 16/3, lượng trẻ được gia đình đưa đến BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương xét nghiệm tìm sán lợn vẫn rất đông.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trấn an các bậc cha mẹ không nên quá hoang mang, lo lắng. Bởi nhiễm sán lợn không phải cấp tính như sởi hay sốt xuất huyết. Vì thế, nếu nghi ngại con nhiễm sán, sắp xếp được thời gian hợp lý gia đình cho trẻ đi khám.
Tại Bệnh viện nhiệt đới các ca sán lợn ở trẻ em, người lớn cũng gặp khá phổ biến. Thường bệnh nhân đến viện khám vì các rối loạn tiêu hóa và được phát hiện sán lợn. Nếu kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính phản ánh tình trạng các cháu đã từng nhiễm sán.
Trẻ em được đưa đến khám đa phần là lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học. Các cháu đến khám trong tình trạng sức khỏe ổn định, một số ít hay có dấu hiệu bệnh lý tiêu hóa.
“Việc điều trị sán lợn cũng rất đơn giản theo phác đồ của Bộ Y tế. Nếu để điều trị sán thông thường, thuốc chỉ điều trị một ngày là hết sán. Tuy nhiên, để diệt được trứng có những thuốc điều trị 2 tuần là hết sạch, hoàn toàn chữa khỏi, không để lại hậu quả nghiêm trọng”, GS Kính cho biết.
Tuy nhiên, do nhiễm sán thường không có dấu hiệu điển hình, không sốt, để nhiễm sán dài ngày hậu quả suy giảm thể lực, rối loạn tiêu hoá, lâu năm trở nên gầy mòn. Vì thế, nếu nghi ngờ con nhiễm sán có thể sắp xếp thời gian để đi kiểm tra và điều trị, không nên quá lo lắng.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, để đáp ứng lượng khám đông, xử lý nhanh chóng, bệnh viện đã tăng lên từ 2 bàn khám ban đầu sau tăng lên 3 bàn khám và xét nghiệm. Số lượng trẻ lớn lại tập trung chủ yếu vào đầu giờ sáng nên phải đưa lên hội trường để tạo thuận lợi cho việc khám và xét nghiệm cho trẻ.
Một phụ huynh đưa con đến khám cho biết, anh đưa con đi khám sau thông tin học sinh trường Mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh) ăn phải món thịt lợn nổi đầy hạch trắng tại trường. Kết quả xét nghiệm nhiều trẻ nhiễm sán lợn, con anh thể gầy gầy, hay đau bụng vặt, ăn uống không hấp thu nên anh muốn đến kiểm tra cho con.
GS Kính cho biết, các kí sinh trùng đường ruột nói chung, trong đó có sán lợn lây qua đường tiêu hoá, ăn vào đường miệng và lây ra ngoài qua đường hậu môn. Mọi người có thể nhiễm sán từ thịt lợn, các loại kí sinh trùng đường ruột bám ở các loại rau thuỷ sinh ăn sống như rau ngổ, cải xoong, rau cần…
Vì thế, để phòng bệnh, việc quan trọng nhất là ăn chín uống sôi. Rau được nấu chín, thịt được nấu chín ở nhiệt độ 100 độ C chỉ 2 phút là ấu trùng sán bị tiêu diệt.
Cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh tiếp xúc với môi trường đất, cần rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý tốt nguồn phân, không dùng phân tươi để tưới rau… Tuyệt đối không ăn thịt lợn gạo, tiết canh, nem chua, thịt lợn tái... Cần điều trị người bệnh khi có biểu hiện nhiễm sán.