Áo dài không chỉ là biểu tượng mà còn là món quà lưu niệm của cố đô Huế

Phạm Hữu Thu 16/03/2019 18:22

Sáng ngày 16/3, Sở Khoa học & Công nghệ phối hợp Sở Du lịch; Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên - Huế và UBND thành phố Huế tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu Áo dài Huế” với sự tham gia của nhiều diễn giả, nhà nghiên cứu các cơ sở doanh nghiệp sản xuất kinh doanh áo dài ở thành phố Huế.

Áo dài không chỉ là biểu tượng mà còn là món quà lưu niệm của cố đô Huế

Quang cảnh hội thảo.

Với mong muốn đưa hình ảnh Áo dài Huế trở lại “Thuở vàng son”, góp phần nâng cao vị thế vẻ đẹp của phụ nữ Huế, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều cuộc vận động phụ nữ mặc áo dài truyền thống Việt Nam trong sinh hoạt, công sở, trường học.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra tại hội thảo, theo Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, bằng cách nào để Áo dài Huế thật sự trở thành sản phẩm nổi trội (từ chất lượng đến thẩm mỹ) và khi nào mới trở thành một sản phẩm du lịch nổi tiếng mà bất cứ ai, du khách từ quốc gia nào khi đến Huế sẽ cảm nhận được món quà giàu ý nghĩa này ?

Huế - chiếc nôi của áo dài Việt Nam

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa & Thông tin Thừa Thiên - Huế, từ năm 1744, dưới thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, áo dài đã ra đời và trở thành trang phục chính thức của cả đàn ông và nữ giới ở vùng đất Đàng Trong.

Trải bao thăng trầm thế cuộc, từ chiếc nôi ở xứ Huế, áo dài Việt Nam trở thành một biểu tượng về bản sắc văn hóa của trang phục Việt, vừa trang trọng, vừa mang tính độc sáng, không lẫn vào đâu khi sánh vai cùng các biểu tượng văn hóa trang phục đa dạng của toàn cầu. Với riêng xứ Huế, áo dài còn mang theo một quá khứ vàng son, một kiểu cách rất riêng của vùng đất kinh kỳ.

Về đặc trưng của Áo dài Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, Áo dài là tên gọi chung cho trang phục của đàn ông và đàn bà, dù kiểu cách áo dài phụ nữ thường thướt tha, duyên dáng, áo dài đàn ông lại trang nghiêm, chững chạc.

Khi người đàn ông mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý.

Áo dài nữ theo phong cách xưa có vạt áo dài, tay hẹp, thân không chít eo, không để lộ ngực, tà áo được cắt úp, thân may thong thả, tạo nên nét uyển chuyển, dịu dàng, mang nét nữ tính.

Cần xây dựng trung tâm lễ phục truyền thống

Sau khi trích các điển chế và lễ nghi của xứ Thần kinh và Thiền kinh, cơ sở để định hình nên chuẩn mực, cốt cách, phong tục tập quán đặc trưng, nghiêm cẩn, không giống với bất cứ vùng đất hay địa phương nào vẫn còn hiện hữu rõ nét trong trang phục, nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng, Giám đốc Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã đề xuất, Huế cần có một Trung tâm lễ phục đa chức năng nhằm xâu chuỗi, gắn kết nhu cầu khảo cứu, tham quan và mua sắm của du khách với tư cách là những sản phẩm chất lượng cao, ‘ thượng phẩm” chớ không phải “ thường phẩm”.

Từ đó, TS Trần Đình Hằng đề xuất thành lập Trung tâm lễ phục truyền thống Huế với sự đồng lòng tham gia của các nhà nghiên cứu, sưu tập, thiết kế, nghệ nhân may thêu … nhằm thổi hồn mang lại sức sống cho di sản văn hóa , đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại trong vai trò là một sản phẩm du lịch.

Nhà thiết kế Đặng Thị Minh Hạnh rất tự hào khi gắn bó với Huế từ Festival Huế đầu tiên-năm 2000 thông qua cá Lễ hội Áo dài và là người tiên phong đưa thổ cẩm Zèng A Lưới ra thế giới..

Đồng tình với đề xuất của TS Trần Đình Hằng, nhà thiết kế Minh Hạnh đề nghị không tầm thường Áo dài Huế; mới nhưng phải hợp thời và sản phẩm phải làm nhanh để kịp giao cho du khách.

Để phát triển, bà đề nghị Huế nên có Không gian Áo dài, muốn vậy Huế phải tập hợp những người tâm huyết, có trí tuệ, lòng kiên trì và trường vốn.

Hiện Bảo Lộc-Lâm Đồng là trung tâm tơ lụa của Việt Nam, nguyên liệu cho thổ cẩm cũng sản có, nghệ nhân thêu, họa sĩ Huế tài hoa, không gian Huế ( Di tích, chợ Đông Ba…) phù hợp cho Áo dài phô diến, nếu biết truyền thông thì Áo dài Huế có cơ hội phát triển..

Để góp phần xây dựng thương hiệu Áo dài Huế, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhận định khi thế giới ngày càng nhận thức cao vai trò của người Phụ nữ và vẻ đẹp của Phụ nữ trong xu hướng đa dạng hóa trang phục và thời trang, Áo dài Huế sẽ có cơ hội vươn ra môi trường văn hóa quốc tế, chinh phục bằng nét dịu dàng Á Đông lẫn sự sang trọng nhu nhuyễn.

* Ngoài nỗ lực vận động giới nữ thường xuyên sử dụng trang phục áo dài trong các sinh hoạt xã hội, Thừa Thiên - Huế cần đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Huế. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có thể tiên phong phát động khôi phục áo dài Nhật Bình Huế, áo dài ngũ thân của đàn ông Huế. Đồng thời, quy định trong các buổi tiếp tân long trọng của địa phương, mọi nhân viên làm nhiệm vụ tiếp tân đều mặc trang phục áo dài. Đối với nhân viên, cán bộ của Trung tâm Bảo tồrn Di tích Cố đô Huế khi làm nhiệm vụ tại Đại Nội và các lăng tẩm, cũng cần thiết mặc áo dài trang trọng. Hằng năm, Thừa Thiên Huế cần tổ chức ngày đại lễ tôn vinh áo dài tại lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát, lăng vua Minh Mạng để tri ân các vị có công khai sáng trang phục áo dài Việt Nam” Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề xuất.

Phạm Hữu Thu