Hé lộ số tiền ‘khủng' Pakistan nợ Trung Quốc

Theo Người lao động 16/03/2019 18:38

Một tướng lĩnh cấp cao Mỹ cho biết Pakistan đang nợ Trung Quốc ít nhất 10 tỷ USD tiền xây cảng chiến lược Gwadar và các dự án khác.

Theo hãng tin PTI, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, hôm 14/3 nhấn mạnh trước Ủy ban Quân lực Thượng viện rằng "hoạt động kinh tế săn mồi" của Trung Quốc nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng của nước này ra toàn cầu.

"Chúng ta hãy xem xét một vài ví dụ. Sri Lanka đã trao cho Trung Quốc hợp đồng thuê đất 99 năm và 70% cổ phần tại cảng nước sâu của họ. Maldives cũng nợ Trung Quốc khoảng 1,5 tỷ USD, tương đương 30% GDP" – ông Dunford nói.

Ở châu Phi, Djibouti nợ Trung Quốc hơn 80% GDP và năm 2017, nước này phải cho Bắc Kinh xây căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Ở châu Mỹ Latinh, Ecuador đã đồng ý bán 80-90% lượng dầu thô có thể xuất khẩu cho Trung Quốc đến năm 2024 để đổi lấy các khoản vay trị giá 6,5 tỉ USD.

Sau khi cho Trung Quốc thuê đất miễn thuế trong 50 năm, Argentina đã bị cấm tiếp cận và giám sát một trạm theo dõi vệ tinh của Trung Quốc trên lãnh thổ mình.

Hé lộ số tiền ‘khủng' Pakistan nợ Trung Quốc

Pakistan đang nợ Trung Quốc ít nhất 10 tỷ USD tiền xây cảng chiến lược Gwadar và các dự án khác. (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, ông Dunford cho biết Pakistan đang nợ Trung Quốc ít nhất 10 tỷ USD tiền xây cảng chiến lược Gwadar và các dự án khác.

Cảng Gwadar nằm ở tỉnh Balochistan, được Trung Quốc xây dựng dựa trên Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). Đây được xem là một trong những mối liên kết các dự án "Vành đai và Con đường" (OBOR) và "Con đường tơ lụa trên biển" đầy tham vọng của Bắc Kinh.

Ông Dunford cảnh báo các quốc gia hợp tác kinh tế với Trung Quốc thông qua OBOR có thể phải trả giá nếu cam kết đầu tư không được thực hiện và biện pháp bảo vệ cũng như tiêu chuẩn quốc tế bị bỏ qua.

"Trung Quốc đang bành trướng bằng cách tăng cường hoạt động quân sự và cưỡng chế thông qua các nước láng giềng, ngày càng khiêu khích ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là biển Đông" – ông Dunford lưu ý.

Từ năm 2013-2018, Trung Quốc tăng cường hoạt động trên không và trên biển ở biển Đông gấp 12 lần, theo ông Dunford. Trong thời gian này, Bắc Kinh cũng đẩy mạnh triển khai các hệ thống vũ khí tấn công và phòng thủ ở biển Đông.

Theo Người lao động