Không quay lưng với thịt lợn
“Này, cho tôi hỏi, trường của con chị có thông báo sẽ điều chỉnh bữa ăn trưa của các con cho đến khi dịch tả lợn châu Phi chấm dứt không?”- chị P, phụ huynh học sinh một trường THCS tại Hà Nội hỏi bạn.
Đầu dây bên kia trả lời: “Nghĩa là sao? Có phải là nhà trường sẽ không mua thịt lợn để chế biến đồ ăn cho học sinh trong thời gian có dịch? Tôi không thấy trường con tôi thông báo gì cả. Mà dịch ở lợn thôi, có lây sang người đâu, vả lại, nhà trường cũng chủ yếu mua thịt tại các siêu thị nên cũng không đáng lo về vấn đề này”.
Chia sẻ của hai vị phụ huynh học sinh cho thấy, tâm lý quay lưng với thịt lợn vẫn đang diễn ra trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Không chỉ người dân mà nhiều cơ quan, đơn vị trường học, doanh nghiệp cũng có tâm lý hạn chế ăn thịt lợn, thậm chí dừng hẳn trong giai đoạn có dịch. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là một tư duy sai lầm. Theo khuyến cáo của giới chuyên gia, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, người dân chỉ cần sử dụng các sản phẩm nấu chín là an toàn.
Tại cuộc họp với các tỉnh thành về giải pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi diễn ra mới nhất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đưa ra khuyến cáo, người dân không nên quá hoang mang và quay lưng với thịt lợn. Tất cả các trang trại lớn nuôi hàng ngàn con lợn theo quy trình an toàn sinh học hoàn toàn không có lợn bệnh, do đó lượng thịt lợn cung cấp ra thị trường vẫn không thiếu và cũng đảm bảo độ an toàn. Bên cạnh đó, tất cả các lợn bệnh đều đã bị tiêu hủy, và dịch tả lợn cũng không thể lây sang người. Nếu người dân quay lưng với thịt lợn, sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống bà con nông dân cũng như toàn nền kinh tế.