Giữ rừng xanh nơi biên viễn
Những cánh rừng miền biên viễn được bà con các dân tộc chung tay giữ gìn bằng những luật tục khác nhau. Mỗi nơi một cách, nhưng đều hướng tới gìn giữ những cánh rừng mãi xanh qua nhiều thế hệ…
Bà con người Hà Nhì ở bản Tả Ló San, Điện Biên tham gia bảo vệ rừng.
Người Hà Nhì giữ rừng
Sau Tết Có Nhẹ Chà (Tết cổ truyền) của đồng bào Hà Nhì không lâu, người dân các bản Tả Ló San, xã Sen Thượng; Tá Miếu, Sín Thầu, xã Sín Thầu (cùng thuộc huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên), lại vào rừng làm những công việc quen thuộc. Họ đi phát cây bụi, chăm sóc cây lớn và tuần tra bảo vệ rừng. Với người Hà Nhì trên biên giới Mường Nhé, rừng được chăm sóc, bảo vệ như chính cuộc sống, tài sản của họ.
Tả Ló San - một trong những bản của người Hà Nhì ở xã Sen Thượng, nhiều năm nay nổi tiếng một vùng bởi kỳ tích giữ rừng. Cả bản chỉ có 21 mái nhà, nhưng chăm sóc, bảo vệ đến hơn 2.760 ha rừng. Cho nên, trên dặm dài biên cương Tổ quốc, những cánh rừng của bản Tả Ló San mang màu xanh ngút ngàn.
Theo Trưởng bản Tả Ló San Lỳ Khò Chừ, với người Hà Nhì ở đây, rừng không chỉ cho người Hà Nhì sản vật mà còn có ý nghĩa thiêng liêng trong đời sống tinh thần. Người Hà Nhì cho rằng, mỗi cánh rừng đều có một vị thần trị vì, là phúc thần của mỗi bản làng. Do vậy, đời sống của dân bản có mối liên hệ mật thiết tới sự tồn vong của khu rừng ấy. Ðối với người Hà Nhì, rừng là mái nhà lớn che chở cho con người, cho nên mọi hành vi xâm phạm rừng đều bị lên án và xử phạt thích đáng.
Ðể bảo vệ, chăm sóc rừng, dưới sự chủ trì của trưởng bản và người có uy tín, dân bản Tả Ló San đã họp bàn, thống nhất chia rừng thành từng khu, sau đó giao cho mỗi gia đình quản lý. Rừng thuộc sự quản lý của gia đình nào thì gia đình đó được tận dụng cây khô, củi mục; được hái nấm, chăn thả gia súc trong khu rừng của mình nhưng phải bảo đảm gia súc không làm gãy cây, phá rừng của các gia đình lân cận. Nhà nào vi phạm quy định của bản thì tùy theo mức độ sẽ bị phạt; nhẹ bị phạt bằng tiền, nặng thì bản không chia rừng để trông coi nữa.
Người Mạ giữ rừng Tà Đùng
Tập tục sinh hoạt của người Mạ sống dưới chân núi Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) gắn liền với rừng núi nên người dân xem việc bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của họ.
Đã bao đời nay, đồng bào Mạ vẫn hát kể cho nhau nghe những sử thi về núi Tà Đùng hùng vĩ, sự tích cái tên của từng con suối, ngọn đồi và truyền dạy con cháu rằng việc giữ rừng đại ngàn là bảo vệ sinh mệnh sống của dân làng. Già làng KCha kể lại: Thời xa xưa, có một cộng đồng người Châu Mạ lập làng, sinh sống phồn thịnh trên đỉnh núi Tà Đùng. Trong làng có nàng HBung xinh đẹp, tài giỏi, sống trong gia đình giàu sang nhưng rất siêng năng nên nhiều trai làng yêu mến, theo đuổi. Nàng HBung ưng chàng KJang khỏe mạnh, chăm chỉ. Để cưới vợ, chàng trai phải chuẩn bị tiền của làm hồi môn theo yêu cầu của nhà gái, KJang cần mẫn làm việc gom góp tiền của cưới nàng HBung.
Tuần tra bảo vệ rừng Tà Đùng.
Trong một chuyến rong chơi, chàng Jong Kjang là một người có vị thế bên dãy núi Nâm Nung đến Tà Đùng. Đêm nằm nghe âm thanh réo rắt, chàng choàng tỉnh dậy, lần theo tiếng nhạc và nhìn thấy một cô gái xinh đẹp đang dệt thổ cẩm, chiếc vòng Brlêm đeo bên thắt lưng đung đưa theo nhịp tạo thành bản nhạc. Say mê nhan sắc, chàng JongKjang ngỏ lời làm quen, nhưng bị người đẹp từ chối. Quyết tâm bắt được nàng về làm vợ, JongKjang phá hết những vòi nước 3 nhánh mà nàng HBung hay tắm. Nàng HBung hỏi chim và nhiều con vật khác trong khu rừng, chúng đều trả lời không biết. JongKjang bắt nàng về chung sống ở núi Nâm Nung, sinh được 3 người con trai.
Sống ở Nâm Nung, nàng HBung vẫn buồn bã nói với các con: “Đất mình đang ở là đất của người ta, nước mình đang uống là nước của người ta”, rồi chỉ về hướng núi Tà Đùng bảo: “Đất, nước kia mới là của mình”. Jong Kjang biết chuyện trách mắng, nàng HBung giận dỗi đưa con trở về núi Tà Ðùng. Sau đó, JongKjang mang quân đến phá làng, chặt cây, giết hại muông thú, đạp bằng ngọn núi Tà Ðùng. Chàng KJang khỏe mạnh đã dùng tay chống đỡ, ôm chặt ngọn núi. Ngày nay, trên đỉnh Tà Đùng vẫn còn 2 ngọn núi nhỏ được cho là dấu tích bàn tay KJang đỡ cho ngọn núi lớn không bị đổ. Dân làng đặt tên cho 2 ngọn núi nhỏ đó là Khéckhal.
Ngày nay, đồng bào tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Cả những ngày lễ tết, khi mọi người được nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình, cộng đồng người Mạ dưới chân núi Tà Đùng vẫn chia ca vào rừng túc trực, canh gác cả ngày lẫn đêm. Một trong những chủ hộ nhận khoán bảo vệ rừng Tà Đùng cho biết: Các hộ nhận khoán chia tổ, phân công lịch tuần tra rất rõ ràng, mỗi hộ tham gia tuần tra 3 - 4 lần/tháng. Mỗi chuyến đi ở lại rừng vài ngày nên phải chuẩn bị các loại dụng cụ, thuốc men phòng côn trùng cắn, hút máu.
Bà con ở đây quan niệm, giữ rừng chính là sự sống của làng và việc giữ rừng đã được già làng căn dặn.
Già làng KCha tâm sự: “Rừng là đấng thiêng, thần rừng canh giữ. Buôn làng bảo vệ rừng sẽ được che chở, ấm no. Nếu để mất rừng sẽ gặp đại họa, phải làm lễ xin thần rừng thứ tội”. Đối với người Mạ dưới chân núi Tà Đùng, rừng là sinh mệnh của cả làng. Theo già làng kể lại, năm nào rừng bị nhiều kẻ gian cưa gỗ, bắt thú là năm đó dân trong làng đau ốm liên miên, mùa màng thất bát. Người dân phải mang trâu vào gốc cây bị chặt làm lễ tạ tội với thần rừng.
Người Mạ luôn được già làng căn dặn phải bảo vệ rừng, sống hòa thuận với rừng để có sức khỏe, no ấm, hạnh phúc…