Nghệ sĩ mà
Không có gì chia rẽ giới văn nghệ sĩ dễ và nhanh như khi có một nghi án đạo văn hay một cuộc kiện tụng về bản quyền. Ấy là cảm giác khi dạo quanh một vòng facebook những ngày vừa qua.
Ở đây không bàn chuyện có đúng là một nhà thơ đạo câu chữ của một tác giả khác không – chuyện ấy phán xét đúng sai xong còn dài lắm, mà chỉ thấy thế này: Sau khi có nghi vấn một bài thơ nào đó giống một số câu chữ ở bài khác, một số người có ý kiến rằng thế là đạo thơ. Ví dụ thế. Thì ngay lập tức người ta sẽ chia làm 2 phe: Người bảo thế đúng là đạo (có người còn dùng chữ ăn cắp), người khác bảo ngôn từ có sẵn trên đời, đã dùng thì phải giống nhau…
Nhưng điều đặc biệt là sau vài lượt tranh luận, người ta lập tức quên cả nội dung tranh luận mà quay sang lôi chuyện cá nhân nhau ra, chuyện này có lẽ dễ hơn tranh luận. Đặc biệt hơn nữa là 2 phe tranh luận thường mang tính quen biết, nghĩa là ai “chơi” với ai thì bênh người ấy.
Cũng tương tự như thế, công cuộc phán xét về bản quyền tác giả cũng vậy. Toà chưa ra phán xét cuối cùng, 2 bên đã đầy rẫy những lời khẳng định chắc như đinh đóng cột. Và một “kịch bản” đương nhiên xảy ra: Phe bênh bên này lời qua tiếng lại với bên kia, có khi quên cả “quyền sở hữu trí tuệ”.
Xưa nay, giải thích về những “mắc mớ” trong các cuộc tranh chấp liên quan đến giới văn hoá văn nghệ, người ta hay có một từ bào chữa hết sức ưu ái: Nghệ sĩ mà! Có nghĩa là tính nghệ sĩ luôn là lý do được dùng để thể tất cho mọi sơ xuất.
Nhưng với những gì đang diễn ra, với ngày càng có nhiều hơn những cuộc tranh chấp phải được phân định tại toà án thì không còn chỗ cho mọi giao ước theo kiểu cảm tính nữa rồi. Và như thế việc chia thành các phe tranh luận, cãi cọ trên facebook, tới mức “bỏ bóng đá người” cũng không còn thích hợp nữa.
Nhưng chờ đến lúc đó còn phải có thời gian. Cho nên bây giờ lại đành vẫn phải nói: Nghệ sĩ mà, họ có tự “chia rẽ” nhau vì những chuyện tranh luận chả đi đến đâu trên mạng thì cũng không khó hiểu!