Cơ hội tăng tốc cho doanh nghiệp bán lẻ nội

Minh Phương 21/03/2019 07:30

2018-2020 chính là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm bộc lộ rõ nhất sức cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ Việt khi đối mặt với hàng loạt các đại gia bán lẻ nước ngoài. Nhận định trên được đưa ra tại Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 20/3 tại Hà Nội.

Cơ hội tăng tốc cho doanh nghiệp bán lẻ nội

Hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp trong nước đang từng bước nâng sức cạnh tranh.

Nhiều thách thức

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất, đó là lý do ngày càng có nhiều sự góp mặt của các “đại gia” ngành bán lẻ trên thế giới vào lĩnh vực này. Đơn cử, Big C với hệ thống 35 siêu thị ở nhiều tỉnh, thành. MM Mega Market có chuỗi 19 trung tâm bán lẻ, Lotte Mart có 13 siêu thị và đại siêu thị. Thương hiệu Aeon của Nhật Bản đến sau cũng đã có 4 siêu thị và đang tiếp tục mở rộng ở Việt Nam. Không chỉ phủ rộng ở phân khúc siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại, các “đại gia” bán lẻ nước ngoài còn phát triển mạnh mô hình cửa hàng tiện lợi. Chỉ riêng ở khu vực TPHCM, thống kê của cơ quan quản lý cho thấy, có đến 1.000 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini của các thương hiệu Family Mart, Bs mart, Circle K, Ministop, Shop&Go đang dần thay thế loại hình tiệm tạp hóa truyền thống.

Rõ ràng, những diễn biến trên thị trường bán lẻ thời gian qua đã và đang đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp (DN) ngành bán lẻ nước nhà. Mặc dù được đánh giá là thị trường tiềm năng lớn, song giới chuyên gia thừa nhận, nội lực của chúng ta vẫn còn hạn chế so với tiềm năng.

Tại Diễn đàn, các diễn giả nêu nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập khác như thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi…Thói quen của người tiêu dùng cũng là thách thức lớn đối với các DN bán lẻ. Bên cạnh đó, các DN bán lẻ trong nước còn gặp phải nhiều vướng mắc từ chính sách và thực thi chính sách của Nhà nước.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhận định, xu hướng của ngành bán lẻ sẽ ngày càng hiện đại hóa, bắt kịp thời kỳ của cách mạng công nghiệp 4.0. Chính bởi vậy, yêu cầu các DN bán lẻ trong nước phải bắt kịp xu hướng này. Bà Nga đặc biệt nhấn mạnh đến xu thế phát triển các cửa hàng tiện lợi. Theo đó, trong thời gian gần đây, Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini…Đây là xu hướng tất yếu, phù hợp với nhu cầu của phần lớn người dân đang sống ở các đô thị, thành phố lớn. Tại Nhật Bản, cứ 500 mét lại có một cửa hàng tiện lợi. Hiện các DN Việt Nam cũng đang mở rộng quy mô, mở rộng phân khúc này tại các thị trường ngách.

Đứng ở góc độ DN, ông Nguyễn Tiến Vượng – Phó Tổng Giám đốc thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong danh sách các thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới, nếu DN không chủ động hội nhập, có chiến lược bài bản, lâu dài, nguy cơ bị mất vị thế ngay trên sân nhà là điều khó tránh. Do đó, ông Vượng cho rằng, DN bán lẻ Việt cần đầu tư cho chuỗi bán lẻ, tăng cường tính liên kết, kết nối từ sản xuất đến phân phối để hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường. “Trong bối cảnh hội nhập ngày nay, nếu DN không liên kết, đơn thương độc mã là sẽ khó trụ vững” – đại diện Hapro nhấn mạnh.

Cơ hội để bán lẻ nội tăng tốc

Nhận định về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội cho rằng, giai đoạn 2018-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các DN Việt và các DN nước ngoài giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống.

Cơ hội tăng tốc cho doanh nghiệp bán lẻ nội - 1

Quang cảnh diễn đàn.

“Giai đoạn tới là giai đoạn của bán hàng đa kênh cả trực tiếp và bán hàng online, mô hình bán lẻ kiểu liên doanh và bách hóa tổng hợp đã có lúc không còn phù hợp, thay vào đó là mô hình shopping mall, vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp…” - ông Phú nêu quan điểm.

Cũng tại diễn đàn, bà Đặng Thuý Hà – Giám đốc khu vực Miền Bắc Nielsen Việt Nam, đưa ra các khuynh hướng bán lẻ trên thế giới như robotmart, robot tự động, dịch vụ giao hàng online hoả tốc, trung tâm công nghệ cao hợp nhất, nhãn hiệu riêng... Theo bà Hà, tại Việt Nam cũng đã xuất hiện các xu hướng người tiêu dùng yêu thích sự tiện lợi, quan tâm đến sức khoẻ, ưa chuộng sản phẩm cao cấp, người tiêu dùng kết nối, thế hệ người tiêu dùng tương lai. Chính bởi vậy, xu hướng bán lẻ hiện tại tại Việt Nam đó là, bán lẻ đa kênh, cửa hàng nhỏ lẻ là tương lai, nhu cầu tiện lợi, cuộc cách mạng sức khoẻ, đổi mới cải tiến.

Bà Hà cũng đưa ra các gợi ý cho DN bán lẻ như nghiên cứu xây dựng mô hình bán hàng đa kênh và cung cấp khách hàng sự trải nghiệm liền mạch; đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ là cơ hội cho nhãn hiệu riêng hoặc sản phẩm phân phối độc quyền; khai thác các giải pháp công nghệ, dịch vụ cải tiến, dịch vụ tiện ích đáp ứng nhu cầu tiện lợi của khách hàng; cần hiểu biết sâu sắc về người mua hàng; đảm bảo yếu tố mới lạ về sản phẩm và dịch vụ nhằm kích thích mua sắm và sự trung thành của khách hàng.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Minh Phương