Đừng để doanh nghiệp ‘một cổ nhiều tròng’
Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang tháo gỡ khó khăn để tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển đóng góp cho đất nước. Vừa qua, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước đang xin ý kiến đã đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán đối với doanh nghiệp, và “người nộp thuế”. Vậy việc này có nên chăng?
Lý do được Kiểm toán Nhà nước đề nghị mở rộng do phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị kiểm toán hiện chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đảm bảo sự tương thích giữa luật này với các luật khác có liên quan. Do đó trong lần sửa đổi này, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần quy định làm rõ đơn vị được kiểm toán hoặc đơn vị có liên quan để bao quát hết các tổ chức có hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đề xuất đối tượng nằm trong diện kiểm toán sẽ bao gồm cả người nộp thuế, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản và những tổ chức khác có hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Trước vấn đề trên, nhiều ý kiến đã đặt vấn đề về tính khả thi trong việc kiểm toán bao quát đối tượng là người nộp thuế, từ cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tập thể, hợp tác xã, trong quốc doanh, ngoài Nhà nước. Bởi phạm trù tài sản công là rất rộng và quy định đối tượng kiểm toán là “người nộp thuế” lại là quá rộng.
Ngay Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, đa số ý kiến của Ủy ban này đề nghị giữ như quy định của luật hiện hành vì theo quy định của Luật quản lý thuế, khái niệm “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Do đó, quy định như dự thảo luật sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ các tổ chức mà còn cả hộ gia đình và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế đều thuộc diện đơn vị được kiểm toán, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế, không bảo đảm thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 18- NQ/TW.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, người nộp thuế chỉ góp phần tạo lập, không tham gia vào quy trình quản lý, sử dụng tài chính công nên chỉ có vai trò phối hợp cung cấp thông tin trong quá trình kiểm toán. Việc bổ sung đối tượng được kiểm toán chưa thực sự thuyết phục vì các khó khăn, vướng mắc này chủ yếu phát sinh từ thực tiễn hoạt động, do công tác tuyên truyền, phối họp của các cơ quan liên quan, không xuất phát từ bất cập của luật hiện hành.
Thông lệ quốc tế nhiều quốc gia không quy định đây là đối tượng được kiểm toán mà chỉ quy định là tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, việc không chỉ rõ đối tượng được kiểm toán và quy định theo hướng “tổ chức khác” là chưa bảo đảm tính cụ thể của luật, và việc giao Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể mục tiêu, nội dung và phương pháp kiểm toán đối với các đối tượng quy định tại khoản này có thể dẫn đến thiếu minh bạch, cụ thể, chưa bảo đảm công bằng giữa các đối tượng được kiểm toán.
Trước vấn đề trên, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhìn nhận, việc quản lý tài chính của chúng ta hiện nay đang yếu, việc tăng cường chức năng của các cơ quan chuyên môn để kiểm soát, kiểm tra, kiểm toán là khâu cần tăng cường đẩy mạnh và làm thường xuyên. Tuy nhiên cần làm có đối tượng, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng cần thiết và cấp bách, còn chưa có dấu hiệu “mất an toàn” đối với nền kinh tế hoặc chưa ảnh hưởng lớn thì cần xem xét. Bởi thực tế lực lượng kiểm toán còn nhỏ và yếu nên việc mở rộng đối tượng kiểm toán phải xem xét rất cụ thể, phân tích những mặt được, chưa được, và trong điều kiện hiện tại khi mở rộng có đảm bảo tính khả thi hay không? nếu làm tràn lan sẽ mang tính hình thức, có khi lại “hợp pháp hóa” cho tiêu cực.
“Hiện nay doanh nghiệp đang còn gặp phải nhiều khó khăn về thủ tục hành chính cho nên vấn đề năng lực hạch toán, kinh doanh điều kiện để họ thực hiện còn yếu. Cho nên việc mở rộng đối tượng kiểm toán cần làm sau, làm trọng điểm và làm từng bước chứ không thể làm tràn lan ồ ạt được, tức là phải phụ thuộc vào khả năng, hoàn cảnh của đất nước và thực tại của doanh nghiệp, tránh nói nhiều làm ít, hô to đánh khẽ sẽ gây tiền lệ xấu, tạo sức ì không có lợi cho tình hình tài chính của nước ta”, ông Kiêm nói đồng thời cho rằng, một doanh nghiệp phải chịu quá nhiều áp lực từ kiểm toán thanh tra thì sẽ khó có thể làm ăn được bởi thanh tra, kiểm toán đang là những thủ tục khá nặng nề và chịu sự quản lý của nhiều cơ quan.
Cùng chung quan điểm, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm, quyền kiểm toán đối với các khu vực công, những đơn vị sự nghiệp có sử dụng nguồn lực, tài chính công, một số doanh nghiệp mà Nhà nước có đầu tư tài sản. Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân được quyền kiểm toán đối các doanh nghiệp tư nhân lớn quan trọng, tác động liên quan đến nền kinh tế quốc dân như các ngân hàng thương mại cổ phần để đảm bảo tính công khai minh bạch, rõ ràng, và an toàn hệ thống tài chính ngân hàng và nền kinh tế.
“Tuy nhiên nếu kiểm toán rộng rãi đến các doanh nghiệp và người nộp thuế thì cần phải xem xét vì kiểm toán rộng rãi với tất cả người nộp thuế là không đơn giản và đòi hỏi lực lượng kiểm toán viên rất đông và mạnh. Bên cạnh đó, trong cơ cấu kiểm toán hiện nay còn có các doanh nghiệp kiểm toán độc lập, và kiểm toán quốc tế. Nếu họ vừa kiểm toán rồi mà Kiểm toán Nhà nước lại vào kiểm toán thì không cần thiết, chưa kể kiểm toán Nhà nước làm gì có đủ nguồn lực để làm. Như thế sẽ phức tạp và không cần thiết do đó cần cân nhắc một cách hợp lý”, ông Thịnh bày tỏ.
* Mới đây, làm việc với một số bộ, ngành, cơ quan liên quan để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm “bứt phá” 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, không được để chậm trễ, không để tình trạng “ngâm lâu”, giữ một số quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Phải cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất hơn nữa, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.