Vượt khó từ cây bưởi da xanh
Nhờ cải tạo vườn tạp sang trồng bưởi da xanh đặc sản mà vượt qua khó khăn, làm giàu là trường hợp bà Nguyễn Thị An Thuận, cư ngụ tại Đạo Thạnh - một xã ven thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang.
Thương lái thu mua bưởi da xanh ở Tiền Giang.
Gia đình bà Nguyễn Thị An Thuận có 4.000m2 đất trước đây là vườn tạp, trong vườn trồng mỗi thứ một ít, mùa nào thức nấy nhưng thu nhập không cao. Để khai thác hiệu quả khu vườn, bà tập trung cải tạo, chuyển đổi sang trồng chuyên canh bưởi da xanh, một loại cây ăn quả đặc sản đang được thị trường ưa chuộng.
Ban đầu, bà chỉ trồng khoảng 50 gốc bưởi da xanh vào năm 2009. Thấy cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, sum suê, mau cho trái và mang lại thu nhập khá, mấy năm sau, bà Nguyễn Thị An Thuận chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn sang trồng chuyên canh bưởi da xanh. Trên thửa đất 4.000 m2 bà trồng được tổng cộng 300 gốc bưởi da xanh. Ngoài ra, bà còn tận dụng diện tích ao mương vườn thả nuôi thêm 400 con cá tai tượng để cải thiện cho bữa ăn hàng ngày.
Bưởi da xanh dễ trồng, thích nghi thổ nhưỡng vùng ven thành phố Mỹ Tho, chỉ sau vài năm đã cho trái. Năng suất bình quân đạt từ 10 đến 15 tấn quả/ ha/ năm, tùy theo độ tuổi lớn của cây. Đối với khu vườn trên, bà Thuận cho biết, trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch được 5 tấn quả. Bán với giá khoảng 45.000 đồng/kg, thu được khoảng 225 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi ròng gần 200 triệu đồng, tương đương mức lợi nhuận lên đến 400 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao tại địa phương.
Nhờ vào vườn bưởi da xanh chuyên canh, gia đình bà Nguyễn Thị An Thuận từ chỗ nghèo khó, quanh năm vất vả đã dựng nên cơ nghiệp vững vàng, trở nên giàu có.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi da xanh thành công, vườn bưởi đạt năng suất, sản lượng cao, bà Nguyễn Thị An Thuận cho biết: Nhà vườn nên chọn giống tốt, trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, bón nhiều phân hữu cơ hoại mục, hạn chế dùng phân vô cơ nhằm kéo dài tuổi thọ và tạo sức sung mãn cho vườn cây.
Về mặt kỹ thuật, chú ý lên liếp cao và có rãnh tiêu thoát nước tốt chống úng cho cây. Khi bưởi còn nhỏ có thể trồng xen một số cây trồng khác như đu đủ, vừa che mát cho bưởi vừa lấy ngắn nuôi dài. Bưởi da xanh có đặc điểm cho trái quanh năm, trái rất sai nên cũng cần thiết phải tỉa thưa trái, tỉa bỏ những cành vô hiệu nhằm hạn chế sâu bệnh…Gần đây, bà Nguyễn Thị An Thuận còn học tập và áp dụng qui trình canh tác VietGAP cho khu vườn nhằm nâng chất lượng bưởi tham gia thị trường, đảm bảo an toàn và truy xuất được nguồn gốc.
Ông Nguyễn Hoàng Đảm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Mỹ Tho đánh giá cao mô hình của bà Nguyễn Thị An Thuận và cho biết, mô hình đang có sức lan tỏa mạnh không chỉ ở xã Đạo Thạnh mà còn cả các xã ven khác đồng thời là hướng đi đúng mà nông dân cần áp dụng trong tiến trình hội nhập, nâng chất lượng nông sản hàng hóa đáp ứng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của nền nông nghiệp nói chung.
Ước tính, thành phố Mỹ Tho đã hình thành vành đai bưởi da xanh có diện tích lên đến hàng ngàn ha, giúp cho nhiều nông dân làm giàu. Riêng tại xã Đạo Thạnh, đã hình thành được Tổ trồng bưởi da xanh VietGAP qui tụ 26 hộ nông hộ với diện tích vài chục ha trong đó bà Nguyễn Thị An Thuận là một thành viên tích cực.