Có nên nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tiêu dùng?

T.Hằng 22/03/2019 07:00

Tín dụng đen đang diễn biến phức tạp, để giải quyết vấn nạn này, giới chuyên gia cho rằng nên phát triển tín dụng tiêu dùng. Thế nhưng, phát triển tín dụng tiêu dùng đồng nghĩa với việc “chơi dao hai lưỡi”.

Tính đến thời điểm hiện tại, cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính đang được các chuyên gia đánh giá là phương án thay thế tối ưu giúp xóa bỏ vấn nạn tín dụng đen. Dù chỉ mới nở rộ trong thời gian gần đây, song không thể phủ nhận rằng hình thức cho vay tiêu dùng đã và đang giải quyết nhu cầu về vốn cho một bộ phận lớn người dân. Có nên nới room thay đổi hạn mức cho tín dụng tiêu dùng để thể hiện được vai trò đẩy lùi tín dụng đen? Đó là vấn đề cần được đưa ra bàn thảo kỹ tại Điều 3 Thông tư 43/2016 của Ngân hàng Nhà nước.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không đồng ý có “room” nào cho tín dụng tiêu dùng, cả vi mô lẫn vĩ mô. Hiện nay, tín dụng tiêu dùng có tỷ lệ khoảng 20% trên tổng dư nợ nhưng có thể còn cao hơn nhiều. Theo ông Hiếu, đưa ra một “room” vĩ mô là không hợp lý vì so với các nước khác, tín dụng tiêu dùng của nước ta còn thấp và đang phát triển. Phải để cho các ngân hàng, công ty tài chính được tự do lựa chọn mức tăng phù hợp, được chọn phân khúc phù hợp với túi tiền, khách hàng của họ. Còn “room” vi mô, đưa ra một hạn mức 100 triệu đồng hay 200 triệu đồng cũng không có nền tảng nào để khẳng định mức đó là hợp lý.

Ông Nguyễn Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước từng phân tích rằng, bên cạnh những mặt được, tín dụng tiêu dùng nếu phát triển quá nhanh cũng sẽ có mặt hại. Đó là rủi ro vĩ mô, hệ thống như lãi suất tăng, cú sốc về thu nhập hay cú sốc về của cải. Những rủi ro này thường ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả lãi và gốc của người đi vay. Lãi suất cho vay tiêu dùng thường là lãi suất cao và thả nổi. Tiếp đến là rủi ro vay mượn quá mức. Rủi ro tiếp theo là rủi ro bong bóng.

Giới chuyên gia cho rằng cần tăng cường công tác thông tin truyền thông về tín dụng tiêu dùng trên toàn quốc, nhất là tại các địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen để người dân nắm bắt đầy đủ các chính sách tín dụng ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng tiêu dùng và chủ động tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, hoặc đề nghị ngân hàng thực hiện các biện pháp cơ cấu lại nợ khi gặp khó khăn không trả được nợ đúng hạn.

T.Hằng