Bảo đảm nguồn cung thịt lợn an toàn
Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 20 tỉnh, thành trên cả nước. 35.000 con lợn nhiễm bệnh đã được tiêu hủy. Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ Công thương, số lượng lợn dịch bị tiêu hủy hoàn toàn không ảnh hưởng đến nguồn cung. Người dân cẩn trọng nhưng không nên quay lưng với thịt lợn.
Thịt lợn an toàn, rõ nguồn gốc vẫn được người dân lựa chọn.
Các trang trại, doanh nghiệp lớn vẫn an toàn
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, kéo dài từ miền Bắc đến miền Trung. Tổng số lợn bị tiêu hủy đã lên tới trên 35.000 con. Như vậy, tính từ thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi đầu tháng 2, dịch đã xuất hiện tại 295 xã,63 huyện thuộc 20 tỉnh, thành phố.
Mặc dù dịch đang có xu hướng lan rộng nhưng với sự nỗ lực vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN)… tất cả các nơi phát dịch đều được khử trùng ngay. Cơ quan quản lý đã thành lập các trạm kiểm soát tại những điểm nóng nhất nhằm ngăn chặn khả năng vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch, tránh lây lan sang các vùng khác.
Đáng chú ý, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, tất cả các trường hợp phát hiện lợn bệnh đều nằm ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Điều này cho thấy, các trang trại lợn lớn với việc tổ chức chăn nuôi khép kín đảm bảo quy trình an toàn sinh học thì sẽ không bị dịch tả lợn châu Phi xâm nhập.
Chia sẻ về vấn đề này, nhiều DN chăn nuôi lớn cũng khẳng định, chăn nuôi khép kín và ứng dụng công nghệ cao với quy trình kiểm soát an toàn sinh học chặt chẽ là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tại các hệ thống trang trại. Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi Hòa Mỹ, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) là một ví dụ. Hiện HTX này đang nuôi hơn 20.000 con lợn.
Đại diện HTX cho biết, để phòng chống dịch bệnh, HTX đã thực hiện khá đồng bộ các khâu phòng chống dịch ngay từ ban đầu, như tiêm phòng tăng sức đề kháng cho đàn lợn, rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng…Đây là các giải pháp giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Theo lãnh đạo HTX Hòa Mỹ, ngay khi có tin dịch xâm nhập vào trong nước, HTX đã thực hiện chế độ cấm trại, yêu cầu công nhân làm việc “4 tại chỗ” tại trang trại, hạn chế tối đa việc di chuyển ra khỏi vùng chăn nuôi để phòng chống cao nhất tình trạng lây nhiễm dịch. Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng thường xuyên phun thuốc sát trùng khu vực chuồng nuôi 3 lần/ngày, phun khu vực xung quanh, bên ngoài trang trại 2 lần/ngày.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, việc thực hiện các biện pháp an toàn được các DN làm một cách thường xuyên, quy củ và chặt chẽ, là yếu tố quan trọng giúp các DN, trang trại lớn ngăn chặn được dịch tả lợn châu Phi. Đó cũng là lý do vì sao dịch bệnh hoàn toàn không xuất hiện ở những trang trại lớn.
Nguồn cung thịt lợn vẫn đủ và đảm bảo an toàn. Ảnh: Quang Vinh.
Không lo khan hiếm nguồn cung
Mặc dù đến nay, số lượng lợn bị tiêu hủy lên tới 35.000 con, tuy nhiên theo khẳng định của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), số lượng này không ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong nước. Các trang trại lợn lớn với quy trình chăn nuôi sạch vẫn đủ nguồn thịt lợn cung ứng cho thị trường.
Vì thế, Bộ Công thương khẳng định, đến thời điểm hiện tại, nguồn cung thịt lợn trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất, chế biến.
Vẫn theo Bộ Công thương, ngay sau khi có thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, Bộ đã có văn bản yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình, diễn biến cung - cầu, thị trường đối với mặt hàng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT, DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt lợn trên địa bàn chủ động triển khai phương án hoặc đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường địa phương và các đơn vị chức năng để tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông, nhất là đối với thịt lợn nhập khẩu.
Bộ cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra do lãnh đạo Bộ dẫn đầu tới các địa phương đôn đốc và đánh giá việc triển khai, phối hợp thực hiện biện pháp phòng, chống và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù tình hình dịch bệnh đang hoành hành song, thực tế dịch bệnh hoàn toàn không lây lan sang người khi người tiêu dùng sử dụng thức ăn chín, bởi vậy Bộ cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên hoang mang, lo ngại khi sử dụng thịt lợn, chỉ nên cẩn trọng trong việc lựa chọn nguồn hàng bằng cách đến các địa điểm bán thực phẩm sạch, an toàn, những quầy hàng bán thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch đầy đủ theo quy định.
“Trong trường hợp dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan tại Việt Nam có khả năng ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo các DN thương mại nhập khẩu nguồn hàng từ các nước không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn như Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ...”- lãnh đạo Bộ Công thương nhấn mạnh.
Tính đến nay, tổng trọng lượng lợn bị bệnh và tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 0,08% so với tổng nguồn cung trong năm. Đến thời điểm hiện nay nguồn cung trong nước vẫn được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và các hoạt động sản xuất, chế biến. Trong điều kiện dịch bệnh, nguồn cung thịt cho thị trường có thể được bổ sung bằng các sản phẩm thay thế như thịt gà, bò, cá...
* Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 302/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Bộ trưởng Bộ NNPTNT là Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc. Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; tổ chức thực hiện và đôn đốc kiểm tra các Bộ, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch này. * Đi đầu cả nước về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thịt lợn, TP HCM đang thực hiện Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Theo đó, người tiêu dùng chỉ cần cài phần mềm có tên Te-food trong hệ thống app store trên điện thoại để sử dụng. Phần mềm này được cung cấp miễn phí và có thể truy xuất nguồn gốc từ quầy bán lẻ đến nơi giết mổ, trang trại chăn nuôi. Sau khi công bố, Đề án nhận được sự tham gia của 15 DN, cơ sở chăn nuôi với 1.000 trang trại, có khả năng cung cấp 10% lượng tiêu thụ thịt cho thị trường thành phố. Mới đây Sở Công thương TP HCM công bố thành lập sàn giao dịch thịt lợn. Sàn giao dịch sẽ kết nối các chủ thể với nhau, gồm cơ sở chăn nuôi, giết mổ, có sự tham gia của các cơ quan kiểm định độc lập đánh giá chất lượng lợn hơi đầu vào, thịt lợn mảnh; thương lái không còn chi phối thị trường, mà đơn vị thu mua, cung ứng, giao nhận sẽ giữ quyết định. Thanh GIang |