Người Việt cơ bản vẫn chưa có văn hóa xếp hàng
Đó là quan điểm được đưa ra tại buổi talkshow “Xếp hàng qua góc nhìn văn hóa” do “Tôi Xếp Hàng” thực hiện vào chiều 22/3 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội).
Các diễn giả cùng chia sẻ trong buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Thảo.
Tại buổi tọa đàm, đội ngũ diễn giả ưu tú và giàu kinh nghiệm là các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đời sống xã hội đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ, giải đáp những góc nhìn thực tế và sâu sắc nhất về văn hóa xếp hàng tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những giải pháp, những thông điệp tích cực về hành vi ứng xử nơi công cộng, góp phần xây dựng một cộng đồng người Việt văn minh, hiện đại hơn.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PSG. TS Ngô Văn Giá – nguyên Trưởng khoa Viết văn, Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội) cho biết: “Ở Việt Nam, về cơ bản chúng ta vẫn chưa có văn hóa xếp hàng. Chúng ta vẫn lệ thuộc vào rất nhiều thứ, vào mục tiêu, mục đích phía trước, vào sự ích kỉ của bản thân,…”.
Theo PGS Ngô Văn Giá, văn hóa xếp hàng của người Việt đã bị dư luận lên án lâu nay. Sự chen lấn diễn ra trên khắp nẻo đường, con phố đã trở thành thói quen xấu khó bỏ. Hàng ngày ra đường ta có thể dễ dàng thấy được những hình ảnh chen lấn ở các bến xe, bến tàu, chen lấn khi xếp hàng thực hiện các thủ tục hành chính, khám chữa bệnh ở bệnh viện,…
Chia sẻ về thực trạng này, PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh – giảng viên cao cấp Đại học Ngoại thương Hà Nội trăn trở: “Ai trong chúng ta cũng đều đi qua thời bao cấp, đều đã quen với việc phải xếp hàng. Từ việc mua lương thực thực phẩm đến việc nhập hộ khẩu vào các thành phố đều phải xếp hàng tuần tự. Vậy tại sao bây giờ người Việt chúng ta lại không còn xếp hàng nữa?”.
Nhiều bạn khán giả chia sẻ những thắc mắc, đưa ra những câu hỏi cho diễn giả. Ảnh: Thanh Thảo.
PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh đặt câu hỏi, phải chăng vì cuộc sống hiện đại hối hả, mọi người đều chạy đua lẫn nhau nên dần hình thành thói quen “vượt lên chính mình” mọi lúc mọi nơi và quên mất văn hóa xếp hàng là gì, thậm chí nhận thấy nó là điều xa lạ? Xét cho cùng, cội nguồn đó là sự thiếu ý thức của cá nhân, tâm lý muốn hơn người khác của đa số mọi người trong cuộc sống hiện nay.
Để tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện văn hóa xếp hàng của người dân, PSG. TS Ngô Văn Gía cho rằng, xếp hàng giống như một giá trị sống cần được tôn vinh và theo đuổi, vì vậy, chúng ta cần có sự chỉnh đốn dần dần bằng ý chí, lòng kiên nhẫn của mỗi cá nhân và các tổ chức. Cụ thể là cần phải có những hoạt động mang tính định hướng, phải có những nhóm đi tiên phong để tạo ra dư luận tốt, từ đó, dư luận tốt sẽ tạo được ra những hành vi tốt để xây dựng một cộng đồng đẹp hơn, văn minh hơn.