Nhà thơ Đinh Hoàng Anh: Bản chất phụ nữ là yêu thương
Là tác giả của 9 tập thơ và 2 tập truyện ngắn, nhà thơ Đinh Hoàng Anh chậm rãi đi trên con đường văn chương, dùng ngôn ngữ để ngợi ca sự an bình, tình yêu thương trong Sống.
PV: “Người nữ đi qua một triệu kiếp cây cỏ, Đau xót nở thành thịt da” (Hành trình nhân loại). Tôi đọc câu thơ này của chị, tự hỏi, hoài thai kiếp người nữ đã là tự nhận những đau xót rồi?
Nhà thơ Đinh Hoàng Anh: Có lẽ là đúng như vậy, ít ra thì đó là điều tôi cảm nhận. Không phải vì những sự bất công với phụ nữ vẫn diễn ra hàng ngàn năm nay, mà bởi vì mọi điều được sinh thành trên thế gian này đều phải được trả giá bằng sự đau đớn mất mát nào đó. Nỗi đau mà tôi đề cập tới ở đây là nỗi đau sinh thành. Để một mầm cây nhú lên, lớp vỏ phải tách ra, lá vàng phải rụng đi. Nhịp điệu của tự nhiên là như vậy, trong sinh có diệt trong diệt có sinh. Trong đau đớn xé rách thịt da đó mới nhận ra được mầm sống của tình yêu mãnh liệt và thuần khiết. Và nỗi đau có vẻ đẹp khôn sánh của nó, nước mắt có sự tráng lệ của nó, thông qua nó ta nhận ra giá trị của cuộc sống.
Thơ của chị chính là sự bày tỏ từ trái tim chị?
- Thơ nhạc họa hay mọi hình thức nghệ thuật đều là bày tỏ của trái tim nghệ sĩ. Nhưng riêng với tôi, thơ còn là quá trình bóc vỏ. Tôi đi vào thơ để hiểu bản thân mình, để bóc dần đi những lớp vỏ của bản ngã mình, thơ là con thuyền đưa tôi đi những chặng để tìm kiếm Chân tâm của chính tôi.
Thơ của chị đầy tràn hình ảnh của người nữ và những thiên tính nữ. Mà người phụ nữ gắn bó nhiều nhất với chị có phải là Mẹ?
- Mẹ tôi là người nghiên cứu khoa học, không phải kiểu người mẹ truyền thống, lo việc nội trợ, nấu ăn, khâu vá. Mẹ là một kỹ sư chuyên ngành cơ khí chính xác, thuộc lứa lưu học sinh đầu tiên tu nghiệp ở Tiệp Khắc về. Năm nay mẹ đã 82 nhưng có đời sống rất tích cực, ngày nào cũng bơi, tập thiền, tập khí công, tập piano và hát. Mẹ còn nghiên cứu Diện chẩn và chữa được một số bệnh đơn giản. Điều tôi thích nhất ở mẹ là tính kỷ luật, ý chí, nghị lực và sự chân thành. Mẹ không khéo nói, luôn thẳng thắn, yêu ghét phân minh và vì thế mẹ trẻ rất lâu. Tôi thường hay đùa với mẹ rằng tôi còn từng trải hơn mẹ nhiều, mẹ mới chính là cô bé.
Có phải đến ngày chị cũng làm vợ, làm mẹ, khi đó, chị hiểu thêm về những ý nghĩa của cuộc đời phụ nữ?
- Thực lòng khi còn trẻ tôi chẳng thích gì vai trò người phụ nữ, tôi cũng thấy việc làm vợ rất nhàm chán. Ngày ấy tôi thích trở thành nhà khoa học, nhà thơ, nhạc sĩ... tóm lại là người phụ nữ tự do, có sự nghiệp, không bị ràng buộc vào đời sống gia đình mà theo tôi là rất đơn điệu và đầy rẫy phiền hà. Mặt khác tôi lại có ước mơ về tình yêu mãnh liệt và tôi cũng yêu trẻ. Cho nên khi làm vợ, làm mẹ, tôi cũng gắn bó tha thiết với gia đình. Nhưng cũng rất nhiều tập tục truyền thống của gia đình Việt Nam hiện nay tôi cho rằng rườm rà và trói buộc phụ nữ quá, nên tôi bỏ qua khá nhiều thứ, chỉ giữ lại những nét cơ bản, đó là sự yêu thương, gắn bó và quan tâm lẫn nhau. Sức người có hạn, nên phụ nữ cũng cần giản tiện bớt những truyền thống rườm rà không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Người phụ nữ ngày nay có phải gánh nhiều trọng trách hơn xưa không?
- Tất nhiên trọng trách thì hơn xưa rồi, nhưng sự tự do, sự độc lập, sự bình đẳng cũng hơn xưa chứ?
Theo chị, điều gì quan trọng nhất với một người phụ nữ?
- Lòng trắc ẩn và sự nhẫn nại.
Qua cuộc sống và thơ ca của chị, có thể thấy trong bản thân chị có ham muốn đảm nhận tốt cả hai vai trò trách nhiệm với xã hội và giữ gìn bếp lửa gia đình?
- Tại sao không? Gia đình là nơi ta quay về mỗi ngày, sống với bản thân ta, với những người ta yêu thương. Nếu tổ ấm của ta không ổn thì làm sao ta có sự bình an để làm tốt vai trò xã hội. Nhưng việc "giữ gìn bếp lửa gia đình" theo cách của tôi không hẳn như trong các sách báo vẫn viết đâu nhé. Tôi cho rằng quan trọng hơn cả không phải nấu bữa ăn (tôi hầu như không nấu ăn), mua sắm, đi thăm họ hàng, mời khách... Đối với tôi quan trọng hơn cả là sự thấu hiểu, cảm thông giữa vợ chồng con cái, là sự tôn trọng cá tính của từng người và cách quan tâm tế nhị để mỗi người vẫn được tự do nhưng vẫn sống chung hòa hợp với nhau.
Câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” thì sao?
- Có nhiều phụ nữ xây cả nhà và tổ ấm luôn. Ngày nay phụ nữ rất giỏi giang trong nhiều lĩnh vực, kể cả việc kiếm tiền, tổ chức gia đình, nghiên cứu khoa học, lãnh đạo xã hội... Nhưng đúng là tổ ấm thuộc về vai trò của phụ nữ thật. Đó là bản năng người mẹ mà.
Chữ “An” viết theo kiểu Hán Nôm là chữ “Nhà” bao quanh chữ “Nữ”. Chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi nghĩ đó là sự hiểu biết rất sâu sắc thâm thúy của người xưa. Vì năng lượng từ người nữ là dòng nước nguồn nuôi dưỡng sự bình an của cả gia đình. Bản năng sinh tồn, khả năng yêu thương, sự tận hiến, sự nhẫn nại... rất nhiều phẩm chất được trao cho phụ nữ từ lúc chào đời vì họ phải đảm đương trách nhiệm sinh thành ra con người. Cho nên nếu trong gia đình người phụ nữ không được bình an, không có sự hiểu biết thì ngôi nhà sẽ trở nên lạnh lẽo, bất ổn ngay.
Trái tim - tình yêu thương từ tim của người phụ nữ, sẽ mang lại sự ấm áp và hạnh phúc với người thân?
- Đúng như thế đấy. Bản chất của phụ nữ là yêu thương, chỉ khác nhau là họ thể hiện sự yêu thương ấy như thế nào thôi. Đối với tôi yêu thương không chỉ là chăm sóc, yêu thương trước tiên là hiểu và chấp nhận người mình yêu theo đúng bản chất thật của người ấy, chồng hay con cũng vậy. Đôi khi người ta yêu không chỉ cần sự hiện diện của ta mà còn cần cả sự vắng mặt của ta nữa, để cho mỗi người có một khoảng không tự đo, được là chính bản thân mình. Tôi không thích chút nào câu "Hai người là một", bởi điều đó là bất khả. Tôi cũng không cố gắng làm những điều mọi người mặc định cho là phụ nữ nên làm. Tôi sống và yêu thương theo cách tôi có thể, vì như thế tôi mới được thả lỏng, được chân thật, được thăng hoa, và sáng tạo trong việc bày tỏ tình yêu. Tôi cũng không đặt mục đích cuộc đời lên chồng con, không có bất cứ kế hoạch hay giấc mơ nào về những người thân thiết. Chúng tôi luôn là những người bạn, chân thật với nhau, không có gì bí mật hay giấu giếm, nhưng mỗi người tự có mục đích của đời mình và giúp đỡ nhau hết mực trong khả năng mình có. Thực ra tôi cũng không thích từ "hy sinh", bởi trong đó đã ẩn chứa chút cam chịu và bất mãn. Tôi chưa bao giờ hy sinh cái gì, vì khi cho ai, giúp ai, chăm sóc ai tôi đều tận hưởng niềm vui sâu sắc. Tôi đã "được" gấp nhiều lần người tôi trao tặng, bởi yêu thương chính là sự nở hoa lộng lẫy của tâm hồn con người, so với nó chút vất vả hay gian lao nào có ý nghĩa gì đâu.
Cũng từ tình yêu thương, là chỗ dựa vững chắc cho chồng, nên giữa chị và chồng luôn có sự đồng cảm khăng khít?
- Tôi nghĩ chắc là như vậy. Tôi và chồng tôi là những người bạn thân thiết, là những người tri kỷ. Chúng tôi luôn luôn tận hưởng cuộc sống bên nhau, cho dù đó là gian khổ hay nhàn hạ, thành công hay thất bại, buồn hay vui, ốm hay khỏe. Tận hưởng, chứ không phải vật lộn, vì trong mọi nhịp của cuộc sống đều có sự hân hoan. Giống như một bản giao hưởng vậy, nếu chỉ có một kiểu giai điệu sẽ rất nhàm chán. Tôi nghĩ sự chung sống của hai vợ chồng giống như khúc hòa tấu của hai nhạc công ấy. Cần có sự thống nhất chung, cần có sự hiểu biết lẫn nhau để khúc nhạc vang lên được hài hòa nhịp nhàng. Nhưng cũng cần mỗi người phải chơi giỏi nhạc cụ mà mình tự chọn. Và khi thì người này chơi bè chính, còn người kia nâng đỡ, khi thì ngược lại. Nếu một người phải luôn chơi bè phụ cũng rất đơn điệu và mệt mỏi.
Cho đến nay tôi nghĩ hai chúng tôi vẫn hòa tấu khá tốt bản nhạc của đời mình. Gặp được người để hòa tấu là mỗi nhân duyên lớn lao, là ân huệ của trời đất. Trân trọng điều đó chính là bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với Tạo hóa.
Xin cảm ơn chị.