Kinh nghiệm của Trà Vinh rất quan trọng để tổng kết các nghị quyết về KT tập thể
Làm việc với tỉnh Trà Vinh sáng 25/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng các kết quả và bài học kinh nghiệm của tỉnh có ý nghĩa quan trọng để tổng kết, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tập thể và sắp xếp, đổi mới hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP.
Tại Trà Vinh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng trao Bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ cho huyện Tiểu Cần và thị xã Duyên Hải đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Như vậy, hiện nay cả nước có 66 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ này và tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Trên toàn tỉnh Trà Vinh đã có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 45,9% tổng số xã trên địa bàn, cao hơn mức trung bình của toàn vùng Tây Nam Bộ và gần bằng với tỉ lệ chung của cả nước (48,3%). Tỉnh không có xã dưới 5 tiêu chí.
Ngoài ra, Trà Vinh cũng triển khai mô hình xã văn hoá nông thôn mới với 29 xã đạt chuẩn này, tạo nền tảng bền vững về văn hoá, môi trường cho xây dựng nông thôn mới.
Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, các bộ, ngành và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá Trà Vinh là địa phương kịp thời cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kinh tế tập thể. Vào giữa năm 2016, tỉnh đã hoàn tất chuyển đổi 100% số HTX sang mô hình mới, trong khi hiện nay nhiều địa phương vẫn chưa chuyển đổi xong.
Ông Đồng Văn Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết toàn tỉnh hiện đang có 151 HTX với hơn 27.000 thành viên, tổng vốn điều lệ là gần 157 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các HTX nông nghiệp, thuỷ sản. Trà Vinh cũng có 1.934 tổ hợp tác với gần 40.000 thành viên, tập trung ở lĩnh vực trồng trọt cây ăn quả. Kinh tế hợp tác đã góp phần giải quyết hàng nghìn việc làm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và giảm nghèo ở địa phương.
Thu nhập, lợi nhuận của người lao động ngày càng tăng, trình độ cán bộ quản lý được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến mới, tiêu biểu như HTX nông nghiệp Rạch Lọp doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng/năm, HTX thủy nông Định An đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm; Quỹ Tín dụng nông dân Nhị Trường với tổng nguồn vốn là 110 tỷ, tổng số dư nợ cho vay là 90.037 triệu đồng,...
Tuy nhiên, HTX hoạt động trong chuỗi giá trị vẫn thấp, chỉ chiếm 3% tổng số HTX, hơn nữa liên kết theo chuỗi giá trị vẫn còn chưa sâu, chưa gắn chặt với nhu cầu của thị trường. Do vậy, Trà Vinh đề nghị Liên minh HTX Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ 6 HTX của tỉnh để tập trung phát triển theo chuỗi.
Ảnh: VGP.
Ông Đồng Văn Lâm khẳng định Trà Vinh sẽ tiếp tục phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng mà nòng cốt là HTX, tập trung nâng cao năng lực quản lý, điều hành HTX, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, quản trị của thị trường.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao Trà Vinh đang đẩy mạnh đưa hơn 100 trí thức trẻ về quản lý HTX nông nghiệp để khai thác hiệu quả kinh tế tập thể trong thời gian tới. Hiện nay, Trà Vinh có 42% số HTX hoạt động hiệu quả (toàn vùng là 41%). Ngoài ra, ông Nam đề nghị Trà Vinh làm rõ hơn yếu tố nòng cốt của HTX trong kinh tế nông nghiệp và tiến trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp để có cơ chế chính sách cụ thể hơn đối với loại hình này.
Trong đổi mới hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, ông Lâm cho biết nhìn chung đã thực hiện được vai trò quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên, kết hợp hài hòa sản xuất phát triển lâm nghiệp, thuỷ sản góp phần bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương. Tuy nhiên, đất đai của các công ty nông, lâm trường vẫn bị chiếm dụng vì công tác quản lý chưa chặt chẽ.
Bên cạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, Bí thư tỉnh Trà Vinh Trần Trí Dũng mong muốn có sự hỗ trợ của Trung ương trong triển khai cầu Đại Ngãi, Nhà máy chế biến hoa quả, 3 dự án du lịch của Tập đoàn FLC và các dự án điện gió thì kinh tế-xã hội của Trà Vinh sẽ khởi sắc từ năm 2020.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Bằng công nhận của Thủ tướng Chính phủ đối với huyện Tiểu Cần và thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VGP.
Khẳng định vị thế của Trà Vinh trong vùng Tây Nam Bộ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng các kết quả và bài học kinh nghiệm của Trà Vinh có ý nghĩa quan trọng đối việc tổng kết, đánh giá các Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị về kinh tế tập thể và sắp xếp công ty nông lâm trường, góp phần xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong 10 năm tới.
Theo đó, Trà Vinh đã phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng quản lý tổng hợp tài nguyên nước vì mục tiêu của cả Đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh việc thay đổi quản trị, điều hành của HTX, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Trà Vinh tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng 15.000 HTX hoạt động hiệu quả, Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gắn với xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành sản xuất nông nghiệp.
Phó Thủ tướng đánh giá cao các kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Trà Vinh trong năm qua, cao hơn nhiều so với các chỉ tiêu chung mà cả nước đã đạt được; bày tỏ tin tưởng vào khát vọng và các quyết sách của địa phương để vươn lên.
“Là địa phương có đông đồng bào dân tộc và đồng bào theo đạo, Trà Vinh có vị trí quan trọng về an ninh, chính trị, tôn giáo ở trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Phó Thủ tướng đánh giá và giao các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với tỉnh Trà Vinh để triển khai giải ngân các nguồn vốn đầu tư công cho các công trình hạ tầng cơ sở quan trọng trên địa bàn, khơi thông các tiềm năng kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống người dân địa phương.