Đề xuất lùi thời hạn trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai
Ngày 25/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
Lý do được Chính phủ xin đưa việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình năm 2019 bởi hiện nội dung còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề: Đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn.
Bên cạnh đó, ngày 6/9/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI, trong đó Bộ Chính trị chưa đặt ra yêu cầu về sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ “chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới Luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai”. Do đó Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi luật, trình Chính phủ sau năm 2020.
Tuy nhiên, nhiều ĐB cũng đặt vấn đề vì sao phải lùi thời gian trình dự án Luật Đất đai sửa đổi, trong khi đây là vấn đề được xã hội rất quan tâm.
Giải trình, theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Phương Hoa, Bộ đã thực hiện sơ kết thực hiện Nghị quyết 19 thì thấy rằng Luật Đất đai mới triển khai thực hiện được 4 năm. Một số quy định của Luật đã được đổi mới rất nhiều so với Luật Đất đai năm 2003. Về tích tụ, tập trung đất đai, hiện nay theo quy định, hạn mức này là hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân, còn với doanh nghiệp là không có hạn mức. Chính phủ chỉ đạo Bộ thực hiện đề án nghiên cứu về tích tụ đất đai.
Cũng theo bà Hoa, Bộ xin lùi dự án luật và cũng xin trình một số đề án thí điểm tích tụ đất đai. Sau khi thí điểm, trên mô hình thành công sẽ có đề xuất cụ thể sửa đổi với Luật Đất đai. Đối với cấp phép xây dựng, do đất ở nông thôn, đô thị có cơ chế khác nhau từ trước đến nay, nên phải tách thành hai loại đất riêng. Việc cấp phép xây dựng thuộc thẩm quyền Bộ Xây dựng. Qua giám sát của Quốc hội cũng thấy có một số vấn đề trong Luật Đất đai cần sửa đổi, cũng như có vướng mắc giữa các luật, và trong luật có chỗ này chỗ kia chưa hợp lý. Do đó Bộ đề nghị Chính phủ lùi lại sang sau năm 2020 để có thể triển khai thí điểm một số nội dung.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ cân nhắc rút khỏi chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Cụ thể cần làm rõ một số vấn đề và cố gắng thực hiện theo hướng xin lùi thời gian trình, không nên theo hướng rút khỏi chương trình. Như vậy mới thực hiện đúng theo kết luận của Bộ Chính trị.