Hướng tới Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2019-2024: Lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân
5 năm qua, MTTQ các cấp của quận Bình Thạnh, TP HCM đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động để đạt được những thành quả đáng trân trọng. Nhân dịp Đại hội MTTQ quận lần thứ XI (nhiệm kỳ 2019 – 2014), PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh về những kết quả này.
Bà Nguyễn Thu Hương
PV:Được đánh giá là địa phương có nhiều đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động phong trào. Vậy bà có thể cho biết, những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua mà Ủy ban MTTQ quận Bình Thạnh đã đạt được?
Bà Nguyễn Thu Hương: Chúng tôi xác định, MTTQ là đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân, Mặt trận có vai trò tập hợp vận động nhân dân thi đua yêu nước, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nhờ mục tiêu đó, trong nhiệm kỳ qua, MTTQ quận Bình Thạnh đã đạt được nhiều thành tích tốt. Nổi bật trong các hoạt động là MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên vận động các nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, kết quả trong 5 năm qua, Quỹ Vì người nghèo quận, đã vận động được 32,5 tỷ đồng, đạt 215% mục tiêu đề ra. Từ nguồn quỹ trên, chúng tôi đã thực hiện hỗ trợ nhiều chương trình hiệu quả cho người nghèo, qua đó đã tác động tích cực đến các hộ nghèo để họ tự tin và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Tính đến 31/12/2018, xét theo chuẩn của thành phố (mức thu nhập từ 21 đến 28 triệu đồng/người/năm), toàn quận đã giảm 604 hộ nghèo và giảm 1.373 hộ cận nghèo. Hiện nay quận chỉ còn 2 hộ nghèo.
Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được chúng tôi xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Mặt trận từ quận đến cơ sở, với phương châm lấy sức dân xây dựng cuộc sống cho dân, bám sát địa bàn dân cư và hộ gia đình được triển khai thực hiện. Hệ thống Mặt trận chủ động xây dựng kế hoạch, phát động thực hiện mô hình “Mỗi tập thể một công trình thiết thực, mỗi cá nhân một việc làm tốt”, thường xuyên cập nhật chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, các quy định để tuyên truyền, thực hiện trong nhân dân; gắn cuộc vận động với thực hiện các phong trào “Vì thành phố văn minh - sạch đẹp - an toàn”, phong trào “3 không - 3 có”, chương trình “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, chương trình “Chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Trong khi đó, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ngày càng được sự quan tâm, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Hệ thống Mặt trận đã tổ chức nhiều hoạt động với các hình thức phong phú, đa dạng như phát động tháng cao điểm “Tết Việt dùng hàng Việt”, tổ chức bán hàng bình ổn giá, trợ giá, tổ chức Hội thi “Người tiêu dùng thông minh”, “Tôi yêu hàng Việt”, Hội nghị tập huấn “Hàng gian - hàng giả - hàng nhái: Phân biệt, ngăn chặn và các hình thức xử phạt”, tổ chức Ngày hội “Người Việt yêu hàng Việt”, mô hình “Tiểu thương - Đại sứ hàng Việt”,…được nhân dân tích cực hưởng ứng, ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, qua đó góp phần giới thiệu, tuyên truyền, cổ động có hiệu quả, tạo sự liên kết, gắn bó hơn giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng hàng Việt.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, chắc cũng còn không ít khó khăn, thưa bà?
- Điều chúng tôi vẫn còn trăn trở đó là công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi thực hiện chưa sâu rộng trong nhân dân, chủ yếu tập trung ở lực lượng nòng cốt là đoàn viên, hội viên. Hoạt động của Mặt trận chủ yếu dựa vào đội ngũ cán bộ chuyên trách, ở một số lĩnh vực tại cơ sở chưa thu hút đông đảo người có uy tín, các cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng dân cư tham gia.
Việc theo dõi thực hiện khắc phục hạn chế của các đối tượng được giám sát do Mặt trận kiến nghị sau giám sát nhiều nơi làm chưa tốt. Hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận còn ít và hiệu quả cũng chưa cao. Công tác vận động nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và góp ý với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa đạt chất lượng cao.
Chúng tôi xác định nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, cụ thể là trong công tác chỉ đạo của Ủy ban MTTQ quận có lúc còn dàn trải; công tác tham mưu, đề xuất của Ủy ban MTTQ với cấp ủy Đảng, công tác phối hợp với chính quyền ở một số cơ sở trong một số hoạt động có lúc chưa chủ động, chưa thường xuyên, hiệu quả thấp. Nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức Mặt trận có lúc còn chưa theo kịp tình hình mới; chưa có sự phối hợp đồng bộ trong công tác tuyên truyền, vận động, chưa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, có nơi còn dàn trải, mang tính hình thức, phong trào.
Phương hướng hoạt động của MTTQ quận trong thời gian tới sẽ như thế nào nhằm khắc phục những khó khăn, đồng thời phát huy hơn nữa thành quả đã đạt được?
- Trước tình hình mới, yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra là MTTQ là tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường vận động nhằm tạo sự đồng thuận, thúc đẩy sáng tạo, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; góp phần xây dựng quận Bình Thạnh ngày càng phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn bà!