Không chỉ là trăng ở Saint Petersburg
Phải thú thực là cái tên nhà văn Bùi Việt Sỹ thì tôi nghe cũng đã lâu – nhất là gần đây, khi dư luận báo chí và mạng xã hội cứ sôi ầm lên với chi tiết “nhịp đôi đơn giản”, tả cảnh quan hệ tình dục khá mạnh bạo trần trụi, trong một cuốn tiểu thuyết lịch sử được giải của ông – nhưng chưa đọc ông bao giờ. Cho đến khi được Bùi Việt Sỹ tặng tác phẩm vừa in, tiểu thuyết “Trăng không in bóng” (NXB Lao Động, 2018, sách thuộc chương trình được đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng), tôi mới… chợt giậ
Thì ra là một văn nghiệp khá dày dặn với ngót mười đầu tác phẩm, cả tiểu thuyết lẫn tập truyện ngắn, và cũng giành được không ít giải thưởng văn chương. Tôi đã đọc “Trăng không in bóng” của Bùi Việt Sỹ từ và bằng dư âm của cái “chợt giật mình” ấy.
“Văn bản bao giờ cũng là liên văn bản” (Roland Barthes). Và nhan đề của một tác phẩm bao giờ cũng có thể gợi ra những nghĩa khác. Trăng không in bóng là đêm trắng ở thành phố Saint Petersburg, là cái nền cảnh không gian để hai nhân vật của tiểu thuyết, một Việt một Nga, gặp nhau và yêu nhau. Mà ngay cả việc hai nhân vật, cô học viên người Việt tên Nguyễn Thị Lài và vị giáo sư người Nga tên Ivan Ivanovic, kết thành một mối tình dị chủng nồng thắm xuyên thời gian cũng không phải là điều quan trọng ở tiểu thuyết này. Điều quan trọng thực sự là tác giả đã để họ “kể cho nhau nghe” những câu chuyện của mình, những câu chuyện chiến tranh, những câu chuyện mà ở đó họ vừa là chứng nhân vừa chính là người tham gia kiến tạo sự kiện. “Trăng không in bóng”, do vậy, không chủ yếu là cuốn tiểu thuyết về mối quan hệ hữu nghị quốc tế thắm tình anh em Nga – Việt, mà chính là một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh, một sự hồi cố, diễn giải chiến tranh và diễn giải những tấn kịch con người từ quan điểm của ngày hôm nay, thời hòa bình.
Trong tiểu thuyết này có hai cuộc chiến tranh: cuộc chiến mà người phương Tây vẫn quen gọi là “Chiến tranh Việt Nam” – có thể tính từ sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1965 đến thắng lợi hoàn toàn của quân đội miền Bắc năm 1975 – do Lài kể, và cuộc chiến gần 900 ngày đêm tại thành phố Leningrad (tức Saint Petersburg), trong phạm vi của chiến tranh thế giới lần thứ hai, do Ivan kể. Hai cuộc chiến tranh ấy được Bùi Việt Sỹ tái dựng, là để thấy, về bản chất, chúng chính là những hình đồng dạng. Chúng soi vào nhau, trùng lên nhau, khắc sâu thêm một lần nữa niềm tin xác quyết rằng đã chiến tranh ắt phải như thế: bất chấp những nỗ lực định tính “chính nghĩa” hay “phi nghĩa” từ phía bên này hay phía bên kia, dù ở đâu, chiến tranh cũng chỉ là bóng tối và cái chết, là tàn phá hủy hoại tất cả, bằng sạch, sự sống và những gì tốt đẹp có trong tự nhiên, trong xã hội loài người. Và trên hết, bi thảm nhất, chiến tranh hủy hoại chính con người, từ hình hài thể xác cho đến đời sống tinh thần. Tại Leningrad của Ivan, bộ mặt thần chết của chiến tranh được tác giả dựng lại bằng hình ảnh một thành phố Nga bị quân Đức bao vây, đang vỡ nát và tê dại trong cái lạnh khủng khiếp 20 độ âm, đang ngập ngụa những xác người chết đói và chết rét, đang thoi thóp những con chuột-người dũi đất tìm bất cứ thứ gì có thể ăn được. Vấn đề “tấn kịch con người” của cuộc chiến tranh trên đất Nga được tác giả thực sự đặt ra chính là ở cái nửa bên dưới, “thế giới ngầm” này, qua số phận của Tachiana, người yêu của Ivan. Tachiana bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh một cách bất tự giác, trở thành công nhân nhà máy quân khí. Cô bị lọt thỏm trong thế giới đàn ông/ thế giới chiến binh, bị lạm dụng, bị cưỡng bức tình dục, rồi bị phũ phàng đẩy ra mặt trận, nơi chỉ có sự chào đón của tử thần, như một đòn trừng phạt vì tội bất tuân. Bi kịch như của Tachiana chỉ là một trong nhiều.
Cái “phiên bản Nga” của bi kịch phụ nữ trong chiến tranh ấy, theo dòng mạch tiểu thuyết, được nối tiếp, mở rộng và tô đậm hơn, bằng “phiên bản Việt Nam” qua tự sự chiến tranh của Lài. Thật ra, đây mới là dòng tự sự chủ lưu của tác phẩm. Vì lẽ đơn giản: Bùi Việt Sỹ là một nhà văn Việt Nam. Tất cả dồn tụ vào số phận cuộc đời của Lài. Người đọc có thể thấy ở nhân vật này sự xếp chồng, hoặc đan chéo, của nhiều diễn ngôn nghệ thuật: diễn ngôn về giới (nữ) và diễn ngôn về thân phận con người (Việt Nam) trong chiến tranh. Ngay cái tên cha mẹ đặt cho Lài đã là một chỉ dấu, một sự tự xác nhận: “Tên tôi là tên một loài chó. Loài chó ở vùng núi cằn cỗi, khắc khổ. Chó lài to ngang với chó béc-giê của châu Âu. Nhưng không ăn thịt. Không phải là không biết ăn… Mà chỉ ăn khoai, ăn sắn. Đẻ một lứa bốn năm con. Nuôi rất khéo. Và trung thành với chủ hết lòng” (tr 25). Con chó lài mà nhà Lài nuôi trung thành với chủ thế nào - trung thành đến tận lúc nó chết vì bom và bị biến thành món luộc món chả cho đội dân công hỏa tuyến – thì Lài trung thành với những mô hình ứng xử mà xã hội Việt Nam áp đặt cho người phụ nữ thế ấy. Có thể nói, đời Lài là một chuỗi vận động hoàn toàn nằm trong những khung khổ đã được ấn định sẵn cho người phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ nông thôn, một “trích dẫn không ngoặc kép” (Roland Barthes) cho những định chế xã hội về nữ giới trong chiến tranh. Lài lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ hai bên gia đình, một cuộc hôn nhân được cân nhắc lợi hại mang đậm đặc trưng tính cách của người tiểu nông thời chiến. (Lời bà mẹ chồng khi xin dâu: “Gia đình tôi muốn cháu Lài nhà ta về làm bạn với anh Trọng. Như vậy là nhà ta cũng có con rể là bộ đội… thì việc đi nước ngoài của cậu em cũng không ai nói ra, nói vào được… Cháu nó đã là bí thư đoàn trường thì kỳ này sẽ làm bí thư xã đoàn thay cho cậu bí thư cùng nhập ngũ kỳ này”. Tr 16).
Chiến tranh lan rộng, Lài đi dân công hỏa tuyến, hăm hở xốc vác với những công việc phá bom, san đường, cứu xe đạn pháo, không ngại hiểm nguy, không chút sờn lòng trước cái chết, nổi tiếng là đại đội trưởng thép của tuyến lửa miền Trung, thậm chí còn được cử đi báo cáo thành tích và suýt được phong anh hùng. Lài đã phải trả giá cho sự “hiển hách” cá nhân ấy bằng những nỗi đau trên thân thể: một chân bị dập nát, mất ba ngón trên bàn tay trái, một bên ngực bị “san phẳng”… Trong chiến tranh, sự mất mát như vậy không phải là bất thường. Nhưng điều đặc biệt là, qua cái cách tác giả để Lài tự kể về mình cũng như được kể từ người kể chuyện ở ngôi thứ ba số ít, người ta không hề thấy Lài đau, cả thể xác lẫn tinh thần. Không một chút nào. Tôi không cho rằng ở đây Bùi Việt Sỹ muốn biến nhân vật của mình thành một ví dụ ngời ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà nghĩ rằng có lẽ ông muốn khẳng định sự thành công của cuộc “quốc hữu hóa phụ nữ” – chữ của John C. Schafer trong công trình “Đọc Phạm Duy và Lê Vân” – một chiến lược “gom hết” và phát huy đến tận độ sức mạnh của nữ giới nhằm phục vụ cho chiến tranh lâu dài, với những slogan (khẩu hiệu) quen thuộc như “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “Ba sẵn sàng, ba đảm đang”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”… Lài khớp với mô hình người phụ nữ được kiến tạo trong thời chiến như thế: quên tất cả, cả đến ý thức về bản thân, để chỉ biết hoàn thành nhiệm vụ. Thế nên ngay sau khi “gần như ngất đi” vì thương cho con chó trung thành bị chết, Lài mới trả lời đồng chí chính trị viên đơn vị công binh: “Với tôi mọi thứ đã qua rồi. Trước mắt là sự sống của con đường, là mạch máu của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn” (tr 35). Một câu trả lời đầy cứng cỏi, thậm chí ùng oàng đanh thép như thể hô khẩu hiệu.
Cao trào thực sự trong tự sự về chiến tranh của Lài nằm ở đoạn sau, khi Lài được cấp trên giao nhiệm vụ áp tải một chiếc xe chở hàng đặc biệt vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến đây thì Lài mới biết đau. Không phải cái đau do bom đạn công phá gây thương tích trên thân thể, mà là cái đau của bị mất trinh, bị hiếp dâm bởi chính đồng đội của mình, người chiến sĩ lái xe đẹp trai và gan dạ tên Hùng. Giống như cô Tachiana trong tự sự về chiến tranh của Ivan, và giống như rất nhiều phụ nữ khác từng tham gia chiến tranh, Lài là đối tượng của sự ham muốn và cưỡng bức tình dục trong cái thế giới nam tính bạo tàn chết chóc. Nhưng ở đây, Lài bị/ được đặt vào những tình thế kép: vừa bị làm nhục, nhưng cũng vừa được khai mở thể xác; vừa phải sống trong mặc cảm có tội với người chồng hiền lành “chưa biết mùi đời” đang chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, lại vừa có niềm hạnh phúc được thành toàn cho khao khát đau đáu của người trai trẻ. “Vừa thiu thiu chợp mắt… hình ảnh mẹ đợi anh một cách vô vọng trước con đường đất đỏ dẫn vào nhà, dưới hàng trám trắng cao vút trầm mặc lại hiện ra cào xé tâm can anh” (tr 194). Đây là hình ảnh trong giấc mơ mà Hùng đã hơn một lần chia sẻ với Lài, nó có nền là cái mong muốn có con nối dõi của người đàn ông sinh ra trong một gia đình độc đinh. Nó làm “nhẹ hóa” hành vi hiếp dâm của Hùng, và nó cũng gây mầm cho một cái gì đó tạm gọi là hạnh phúc làm mẹ của Lài sau khi chiến tranh kết thúc. Có thể nói, nhìn về những sự kiện xảy ra trong chiến tranh như vậy là một cái nhìn đa chiều chỉ có ở thời hậu chiến: thấy sự khắc nghiệt, và thấy cả sự trớ trêu nực cười.
Bùi Việt Sỹ viết “Trăng không in bóng” với sự trải nghiệm trực tiếp của người đã có trên dưới chín năm làm công tác giao thông mặt trận, nên ở tiểu thuyết này có khá nhiều chi tiết hấp dẫn thuộc loại “lần đầu tiên được hé lộ” về những bí mật của chiến tranh (ví như những chuyến xe đặc biệt của quân đội miền Bắc: chở “than” mang bán ra nước ngoài để đổi lấy đô-la mua lương thực, thuốc men, vũ khí). Mặt khác, đặt trong dòng chảy của tự sự về chiến tranh trong văn chương Việt Nam đương đại, “Trăng không in bóng” của Bùi Việt Sỹ còn là nỗ lực góp thêm một cái nhìn sòng phẳng mà nhân bản về quá khứ, về những nỗi đau của con người Việt Nam, nhất là người phụ nữ, trong chiến tranh và sau chiến tranh. Cấu trúc tự sự theo kiểu để các nhân vật người Nga và người Việt “kể cho nhau nghe” ở tiểu thuyết này là một sáng tạo khá mới của nhà văn trong “viết chiến tranh”. Nó mở ra một đối chiếu, xin nhắc lại, không phải để thấy sự khác biệt, mà để thấy rằng dù ở đâu và với bất cứ lý do nào, chiến tranh cũng là một điều phi lý không nên có.