Tại sao tòa giao Trung Nguyên cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ?
Tòa đã tuyên giao toàn bộ cổ phần Trung Nguyên cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ và ông Vũ có trách nhiệm thanh toán cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo số tiền chênh lệch. Như vậy, theo bản án này, bà Thảo sẽ phải rút khỏi tập đoàn Trung Nguyên.
Đặng Lê Nguyên Vũ có đóng góp nhiều hơn cho Trung Nguyên.
Chiều 27/3, TAND TPHCM đã tuyên án vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (sinh năm 1971, chồng của bà Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Ông Vũ có đóng góp nhiều hơn
Theo HĐXX, về nguyên tắc, tài sản chung vợ chồng chia đôi, tuy nhiên có xét công sức đóng góp của vợ chồng trong quá trình tạo lập tài sản chung.
Ông Vũ và gia đình đã thành lập cà phê Trung Nguyên, nay là tập đoàn Trung Nguyên vào năm 1996, nhờ số tiền bán 2 căn nhà của bố mẹ và số tiền ông Vũ vay mượn của bạn bè, Trong giấy phép kinh doanh do ông Vũ xin và đứng tên. Giấy phép kinh doanh cấp cơ sở Trung Nguyên do Phòng kế hoạch đầu tư TP Buôn Mê Thuật cấp cho ông Vũ.
Như vậy, xét công sức đóng góp và quá trình hình thành, công ty hiện nay hình thành từ xí nghiệp cà phê Trung Nguyên do chính gia đình ông Vũ và ông trực tiếp tham gia thành lập từ số vốn 2 triệu đồng. Ông Vũ luôn giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty.
Sau khi Trung Nguyên hình thành và phát triển ổn định thì ông Vũ mới cưới bà Thảo về làm vợ, sau đó do nhu cầu phát triển của ông ty thì bà Thảo mới góp vốn và từng bước vào điều hành Trung Nguyên. Hiện nay Trung Nguyên đã có nhiều công ty con và số vốn đóng góp của ông Vũ luôn nhiều hơn bà Thảo. Đây cũng là căn cứ đánh giá công sức đóng góp của ai nhiều hơn trong việc tạo lập khối tài sản chung.
Tại phiên tòa, bà Thảo cho rằng suốt 5 năm qua ông Vũ lên núi thiền bỏ bê trong việc điều hành Trung Nguyên, còn ông Vũ cho rằng ông điều hành ở tầm vĩ mô, mọi hoạt động công ty ông nắm rất rõ. Tòa cho rằng, theo kết quả kiểm toán trong vòng 5 năm trở lại đây thì Trung Nguyên kinh doanh luôn có lãi, lợi nhuận sau thuế của Trung Nguyên từ năm 2012 đến năm 2016 đều đạt mức 650 tỉ đồng trở lên. Vì ông Vũ có công sức đóng góp nhiều hơn, cần phải chia cho ông Vũ nhiều hơn. Tuy nhiên, bà Thảo - ngoài việc nuôi con - còn có công sức trong việc phát triển Trung Nguyên ra thị trường quốc tế, đặc biệt là Singapore, do đó cần phải chia theo tỷ lệ 60-40%, trong đó chia cho ông Vũ 60% và bà Thảo 40%.
Các cổ đông muốn bà Thảo giao cổ phần cho ông Vũ
Các cổ đông của Trung Nguyên có nguyện vọng giao cho bị đơn cổ phần của nguyên đơn nhằm giúp Trung Nguyên sớm ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục phát triển doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, quyền lợi của người lao động.
Bà Thảo sẽ phải rút khỏi Trung Nguyên.
Theo HĐXX, bà Thảo có tham gia tuyên truyền cổ vũ cho King’s Coffe - thương hiệu cà phê riêng của bà Thảo sáng lập và điều hành. Điều này là cạnh tranh với G7 của Trung Nguyên, việc ông Vũ cho rằng bà Thảo vi phạm luật cạnh tranh là có căn cứ.
Theo Hội đồng xét xử, từ năm 2015 đến nay, bị đơn và nguyên đơn đã xảy ra nhiều vụ kiện, tranh chấp tại các tòa án ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, hình ảnh doanh nghiệp. Bị đơn đề nghị toà án giao tất cả cổ phần của các thành viên công ty cho bị đơn, bị đơn sẽ thanh toán giá trị cho nguyên đơn.
Nếu chia cổ phần cho cả 2 đương sự trong tập đoàn Trung Nguyên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, việc mâu thuẫn giữa ông Vũ bà Thảo sẽ chưa được giải quyết mà ngày càng trở nên trầm trọng nên chia cho ông Vũ toàn bộ cổ phần trong tập đoàn Trung Nguyên. Ông Vũ phải trả chênh lệch tài sản, như vậy mới giải quyết dứt điểm tranh chấp, để tập đoàn Trung Nguyên phát triển. Vì vậy, ông Vũ được sở hữu cổ phần tại các công ty trị giá 5.737 tỉ đồng.
Như vậy, theo bản án này, bà Thảo sẽ rút khỏi tập đoàn Trung Nguyên. Ngay sau khi Chủ toạ tuyên bố kết thúc phiên toà, bà Thảo khóc và thốt lên: "Công lý ở đâu, bản án quá bất công với mẹ con tôi".