Du lịch Triều Tiên lần đầu ‘xuất ngoại’ xúc tiến quảng bá tại Việt Nam
Lần đầu tiên doanh nghiệp du lịch Triều Tiên “xuất ngoại” xúc tiến du lịch và chọn Việt Nam là điểm đến. Đặc biệt, đoàn đại diện các đơn vị của quốc gia "bí ẩn" đã có buổi gặp gỡ truyền thông Việt.
Thực tế việc đi du lịch Triều Tiên khá đơn giản và an toàn. (Nguồn: thebohemianblog.com).
Triều Tiên trong mắt thế giới vẫn là một quốc gia đầy “bí ẩn” và khép kín. Tuy nhiên, tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam- VITM Hà Nội 2019, gian hàng của các doanh nghiệp du lịch Triều Tiên lại có không khí rất cởi mở trong việc xúc tiến du lịch với các đối tác Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên các công ty lữ hành của Triều Tiên “xuất ngoại” xúc tiến du lịch.
Đặc biệt, chiều nay (ngày 28/3), đoàn đại diện cho các doanh nghiệp du lịch Triều Tiên đã có buổi Giới thiệu du lịch Triều Tiên với truyền thông Việt Nam.
Ham Jin, Tổng Giám đốc Công ty du lịch quốc tế Triều Tiên (công ty du lịch quốc doanh lớn nhất đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Tổng cục Du lịch Triều Tiên) chia sẻ: “Quan điểm phát triển du lịch của Triều Tiên là coi du lịch là phương tiện để thúc đẩy giao lưu và tình hữu nghị giữa các nước, duy trì độc lập chủ quyền của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên”.
Theo ông Ham Jin, những năm qua Triều Tiên cũng đã khai thác nhiều điểm du lịch và mở cửa trao đổi du lịch với nhiều quốc gia. Từ tháng 3/2013, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã đề ra chương trình phát triển du lịch bằng cách đưa ra các kế hoạch phát triển cũng như đã đầu tư vào các khu du lịch nghỉ dưỡng quan trọng trên lãnh thổ Triều Tiên.
Ông Ham Jin giới thiệu về du lịch Triều Tiên với truyền thông Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+).
Chính phủ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng đã kêu gọi các nguồn lực nhằm phát triển hạ tầng du lịch, trở thành thành viên của Tổ chức du lịch thế giới, Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) từ 2015.
Thời gian gần đây, được biết lượng khách đến Triều Tiên cũng tăng lên, trong đó có khách từ các nước châu Á, Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ… Các doanh nghiệp du lịch nước này mong muốn những năm tới sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động thu hút khách tới với Triều Tiên.
“Thời gian qua chúng tôi đã có những chuyến bay đến các thành phố của Trung Quốc và thời gian tới hy vọng sẽ có những chuyến bay thẳng từ Hà Nội tới Bình Nhưỡng. Chúng tôi tin tưởng rằng những chuyến bay này sẽ thúc đẩy lượng khách du lịch giữa hai quốc gia. Chiến lược quản lý của công ty chúng tôi là tập trung vào các dịch vụ du lịch cá nhân, đảm bảo được sự chuẩn xác và chất lượng,” ông Ham Jin bày tỏ.
Từ 2018, nhận thấy lượng khách có nhu cầu đi du lịch Triều Tiên tăng lên đáng kể, đặc biệt khách Việt Nam thường hay chọn những điểm thăm quan phổ biến như Bình Nhưỡng, Khai Thành, và 1 số điểm khu vực miền Bắc, Đông, Tây cũng khá phổ biến nên các doanh nghiệp lữ hành Triều Tiên đánh giá Việt Nam là thị trường du lịch tiềm năng.
Được biết trong năm 2018 (tính đến tháng Mười) đã có 300 khách Việt Nam du lịch Triều Tiên, và đại diện cho Công ty du lịch quốc doanh của Triều Tiên kỳ vọng con số này có thể tăng lên 3.000 trong năm nay, 2019.
Khu vực núi Baekdu của Triều Tiên có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. (Nguồn: AFP).
“Chúng tôi sẽ đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách Việt Nam để mức tăng trưởng khách từ đất nước các bạn sẽ đạt tốt nhất,” ông Ham Jin khẳng định.
Ông Kim Myong Song, Giám đốc công ty KITC của Triều Tiên cho hay, số lượng công ty lữ hành ở thành phố Bình Nhưỡng có khoảng 10 công ty, ngoài ra mỗi tỉnh trên cả nước có từ 1-2 công ty lữ hành, hãng tour. Ở Triều Tiên, KITC là công ty du lịch quốc doanh và cũng là lớn nhất ra đời vào năm 1953. KITC có khoảng 100 hướng dẫn viên, chỉ có 1 vài hướng dẫn viên nói được tiếng Việt. Ngoài ra, các hướng dẫn viên nói được các thứ tiếng như Trung Quốc, Nga, Nhật, Đức, Tây Ban Nha…
Mặc dù thủ tục xin visa đi du lịch Triều Tiên khá đơn giản và khách chỉ phải đợi từ 3-5 ngày, song ông Kim Myong Song vẫn đặc biệt lưu ý du khách không nên mang theo các chất cấm, tranh ảnh đồi trụy.