Thủ tướng Anh tuyên bố từ chức để cứu vãn thỏa thuận Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May hôm 28/3 tuyên bố sẵn sàng từ chức để thỏa thuận Brexit được thông qua. Tuy nhiên, đề nghị này cũng không thể làm lay chuyển những người phản đối bà tại Quốc hội và khiến chính trường Anh rơi vào tình trạng bế tắc chưa từng có.
Thủ tướng Anh Theresa May cam kết từ chức nếu thỏa thuận Brexit được thông qua. (Nguồn: Reuters).
Nỗ lực cuối cùng
Do lựa chọn quá ít ỏi trong khi có khả năng để mất tầm kiểm soát tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Theresa May đã đưa ra động thái đầy kịch tính là cam kết từ chức nếu như các nghị sỹ Quốc hội ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà. Tuyên bố được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Hạ viện Anh tổ chức hàng loạt cuộc bỏ phiếu nhằm tìm kiếm một kế hoạch thay thế, nhưng cuối cùng càng để lộ sự chia rẽ sâu sắc.
Cụ thể, Quốc hội Anh đã đưa ra 8 phương án, trong đó có phương án rút khỏi “thị trường đơn nhất” chỉ ở lại “liên minh thuế quan” của EU, trưng cầu dân ý, hoặc rút khỏi EU không thỏa thuận vào ngày 12/4. Tuy nhiên, không phương án nào trong 8 phương án đó giành được sự ủng hộ đa số ở Hạ viện Anh.
Sau cuộc bỏ phiếu này, Bộ trưởng phụ trách Brexit Stephen Barclay nói rằng, kết quả này cho thấy thỏa thuận theo quan điểm của Thủ tướng May là “phương án tốt nhất”. Theo thỏa thuận của bà May, Anh sẽ rời “liên minh thuế quan” và “thị trường đơn nhất EU” cũng như các cơ quan chính trị của EU.
Trước đó, các nghị sỹ tại Hạ viện Anh đã từng 2 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit của bà May, và cả 2 lần đó thỏa thuận này bị bác bỏ với đa số phiếu. Tuy nhiên, bà May vẫn đang cố gắng thuyết phục các nghị sỹ, và trong hôm thứ Năm vừa qua, dường như bà đã đưa ra nỗ lực cuối cùng của mình – từ chức.
“Tôi biết rằng, có nhiều người muốn có hướng tiếp cận mới – và người lãnh đạo mới – trong giai đoạn hai của các vòng đàm phán Brexit, và tôi sẽ không cản trở điều đó” – bà May nói trong một cuộc họp các đảng viên Bảo thủ - “Nhưng chúng ta cần phải để thỏa thuận thông qua và thực hiện Brexit. Tôi đã sẵn sàng rời vị trí này sớm hơn dự định để làm điều đúng đắn cho đất nước và đảng của chúng ta”.
Tuần trước, bà May đã đạt được một thỏa thuận với EU trong việc trì hoãn tiến trình Brexit, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về viễn cảnh Anh rời khỏi khối liên minh này mà không đạt thỏa thuận nào.
Nếu thỏa thuận của bà May được Hạ viện thông qua trong tuần này, Brexit sẽ diễn ra vào ngày 22/5. Nhưng nếu không được thông qua, bà May sẽ lại phải trở lại Brussels, Bỉ trước ngày 12/4 để tìm đường tiến lên phía trước.
Vẫn còn sự phản đối
Quốc hội Anh hiện đã chia rẽ cực kỳ sâu sắc về vấn đề Brexit, điều từng được phản ánh rõ qua cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này tổ chức năm 2016, trong đó 52% ủng hộ rời EU và 48% phản đối. Chỉ có một điểm duy nhất mà Quốc hội Anh đồng lòng là họ đều phản đối thỏa thuận Brexit của bà May, và không muốn Anh rời EU mà không có thỏa thuận.
Nhưng sau khi bà May hứa hẹn sẽ từ chức, một số bên phản đối kế hoạch Brexit của bà đã hạ giọng. Ông Boris Johnson – chính trị gia ủng hộ mạnh mẽ Brexit, và là người có khả năng thay thế bà May – nói rằng ông sẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit. Một số những người có quan điểm cứng rắn khác cũng có động thái tương tự.
Tuy nhiên, một nhóm những chính trị gia bảo thủ vẫn không thay đổi quan điểm phản đối kế hoạch Brexit – như đảng Liên minh Dân chủ (DUP), đảng Bắc Ireland. DUP nói rằng kế hoạch “chốt chặn” trong thỏa thuận Brexit là “một mối đe dọa không thể chấp nhận” đối với Liên hiệp Vương quốc Anh (UK). “Chúng tôi sẽ không ủng hộ Chính phủ nếu như họ tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới về thỏa thuận Brexit” – một người phát ngôn của DUP cho hay.
Hiện nay, Văn phòng Thủ tướng Anh vẫn hy vọng rằng Quốc hội sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu Brexit lần thứ ba trong tuần này. Đảng Lao động và đảng Quốc gia Scotland dự kiến sẽ vẫn bác bỏ thỏa thuận trên.
Trong khi đó, bối rối trước sự thay đổi chiến lược của bà May, các nghị sỹ trong Quốc hội Anh đã tổ chức nhiều cuộc bỏ phiếu để cố gắng đưa ra một kế hoạch thay thế Brexit. Tuy nhiên, các Bộ trưởng trong Nội các của bà May đã tẩy chay các cuộc bỏ phiếu này.