Nghệ thuật tạo hình hay lôi thôi... tạo chất?

Vũ Lâm 29/03/2019 14:12

Tình hình mỹ thuật trong cả hai năm 2017- 2018 vừa qua có nhiều sự đột biến. Dấu hiệu đầu tiên của việc này là số lượng triển lãm tăng gấp so với những năm trước, cả từ Nam chí Bắc. Ở ta hiện tại chưa có đơn vị nào lập ra được mỗi năm một quyển niên giám thống kê sự kiện mỹ thuật và triển lãm trong một quốc gia - một việc rất cần cho thưởng thức, sưu tập, buôn bán lẫn “chụp” lại lịch sử mỹ thuật đương đại một cách lần lượt giản dị, để thấy được sự đường bệ...

Nghệ thuật tạo hình hay lôi thôi... tạo chất?

Triển lãm Nghệ thuật đương đại Rừng, 2018.

Bài viết này chỉ dựa theo sự thống kê của cá nhân, những sự kiện tôi được tham gia hỗ trợ hoặc làm khán giả trực tiếp, chủ yếu ở thủ đô thời gian trong vòng hai năm vừa qua. Rất tiếc là tôi không có nhiều điều kiện để khảo sát hiện trạng chi tiết, liên tục ở miền Trung và miền Nam, cũng sôi động không kém. Điểm mừng thứ nhất mà tôi được biết thực sự hay nghe lời thuật lại là nhiều triển lãm xong bán tác phẩm khá tốt (cả Bắc lẫn Trung, Nam). Điểm mừng thứ hai, khán giả thưởng lãm là người Việt chúng ta đông đảo dần tăng lên, cả ở những tác phẩm sưu tập giá cao cũng như mua tranh thuần túy trang hoàng nhà cửa không ít tốn kém, hoặc sự “buôn ngầm” ít được nhiều giới khác cùng hay biết. Hoạt động kinh doanh nghệ thuật thường thức có chút nâng cấp như các nhà đấu giá, hoặc “chợ tranh” giá phải chăng và một số các “trung tâm nghệ thuật” có không gian tương đối mọc ra liên tiếp, phát huy trong 2017- 2018.

Một lần ngồi đàm luận với nhóm họa sĩ trẻ - già thân quen, tôi chợt nảy ra một ý vui vui bèn khai mở lời tự nhiên với đồng nghiệp thân hữu rằng: “Có nên lập riêng ra một Hội Nghệ sĩ Tạo Chất không nhỉ? Bởi sao mà đi theo hướng này, nay thấy đông phát sợ”. Công việc bình mỹ thuật với nhiệm vụ “giời ban dưới bảo” quá ít người tham gia, một phần với từng triển lãm riêng lẻ, ở sự va chạm ngắn này, việc nên lập tức là cổ xúy cho người sáng tác và diễn dịch đôi chút cho tác phẩm khi ra mắt với cộng đồng.

Nghệ thuật tạo hình, bắt đầu căn bản là việc tạo hình - chất, rồi cao nhất, đích cuối là tụ được “sinh khí” dồi dào. Tạo hình - chất thuộc về những công đoạn xây dựng và nắm bắt một không gian để hình tồn tại. Đó là việc tạo ra lần lượt bố cục hình - nét/ bố cục khối/ bố cục đậm nhạt - ánh sáng/ bố cục mầu - sắc. Là từng lớp “ngữ pháp” của mặt phẳng hai chiều trên một bức họa, hoặc trong không gian ba chiều cho điêu khắc, sắp đặt (điêu khắc không gian tĩnh lặng)... Trong đó một “sinh thể hình” được tạo nên và có không gian để nó lớn lên và hít thở chứ chưa cần “phát âm”. Điều này đã được tổng kết bằng khoa học về nghệ thuật tạo hình được các chuyên gia tài tử trong lịch sử nghiên cứu kỹ càng qua nhiều trăm năm, tôi chỉ nói qua. Nếu so sánh cho dễ hình dung, việc này giống như việc nặn ra một sinh vật - đồ vật, phải có cốt, xương, nội tạng rồi mới đắp thịt da tuần tự, rồi đào cái hang, xây căn nhà cho sinh vật - đồ vật ấy ở. Cũng như từ đâu đâu, được bậc nào nào đó trên cõi cao vời thích thú, nên truyền, rót “khí” cho sinh vật - đồ vật ấy thở, từ nhỏ li ti đến lớn tì tì…

Việc nặn người có lẽ cũng tương tự thế (tất nhiên, Bà Mẹ Tự Nhiên “nặn” ra chúng ta với sinh - lý - khí học hiện thể, vừa phức hợp, vừa kỳ vĩ mênh mông. Nên cái sự này thật phức tạp và diệu kỳ khó có thể bàn kỹ ở đây).

Các sinh thể hình và không gian đa chiều trong mỹ thuật này vốn không chỉ là sự phát hiện ra cách tạo ảo giác chiều sâu như con mắt nhìn kiểu luật viễn cận phương Tây trên mặt phẳng là bậc chuẩn duy nhất. Các loại tranh phương Đông, hay các loại nghệ thuật thổ dân bậc cao không tạo hình - không gian theo luật xa gần của con mắt hay cái máy ảnh thủ công nghiệp. Sự nối dài ra hiện thực của con mắt ở đa chủng tộc thường vừa có cả “con mắt bên ngoài” trộn với “con mắt bên trong”. Và bất kể hình được tạo ra với kích cỡ, chiều hướng đa dạng ra sao thì vẫn cần có đủ hình - chất - khí mới có được sự tồn tại hợp thức, dài lâu.

Việc tạo hình riêng của một tác giả là một điều rất khó, giống như bạn là con người, xung quanh bạn ai cũng là con người cả, nhưng bạn có một chân dung khó quên so với người khác. Các phương pháp đo đạc giả định của khoa học ảnh viễn - cận có thể giả định một chân dung năm 40 tuổi - cho một người mới hai mươi. Có thể có những chân dung sẽ như thế, không khác, nhưng có những chân dung khác hẳn. Việc này đã được chứng nghiệm khoa học hẳn hoi (loại trừ việc bị tai nạn gây “méo ảnh” chân dung).

Chính do việc “tạo hình riêng” của mình khó nên trong đời sống, người ta hay “mượn hình” của người khác. Người lớn thì bắt chước cử chỉ, chân dung, điệu bộ, ứng xử, cách nói của “sếp” hay của người ta hâm mộ nào đó. Trẻ nhỏ thì thường là bắt chước hành động - cử chỉ của người hơn tuổi. Ở người lớn, cứ bắt chước lâu dần, cái mặt ta hay điệu bộ của ta cũng hao hao giống người ta “theo đuổi”, nhưng rõ ra là những điệu bộ - hành động dạng đó của ta sẽ bị liệt vào là dòng “phái sinh”. Còn nếu, cái “hình” của con người chúng ta đủ trưởng thành - độc lập và lớn mạnh riêng biệt từ trong tính tình, quan niệm, cách sống, làm việc tận tâm, thì giống như một loài cây đã luyện thân gỗ có đường kính cứng cáp. Ở dưới rễ chùm hay rễ cọc bám sâu, ở trên thì trổ cành xanh lá. Lúc đó thì “ta chỉ giống ta” thôi, và bộ dạng - hành động của ta sẽ thoát khỏi đã từng là dòng “phái sinh”. Nếu bộ dạng - hành động này cá biệt, vững chãi, hay ho thì lại khiến cho nhiều người yếu đuối hơn, xung quanh vân vi… theo đuổi và “phái sinh”!

Từ góc độ này chiếu ra cuộc sống, sẽ có những công việc đam mê hoặc nghề nghiệp kiếm sống chiếm đa số người, thì dạng hình của những nghề đông đảo sẽ được ghi lại cụ thể bằng lời thuật tả. Ví dụ như “hình cửu vạn - xe ôm”; có “hình chính khách - doanh nghiệp”, có “hình sỹ quan - lính tráng”. Ngoài ra thì có “hình riêng” của từng giới - loại như: hình nghệ sĩ, trí thức, nông dân, công nhân, binh lính… Có dạng hình phân cấp độ sang - hèn, trên dưới như “hình ca-ve”; “hình quý bà”. Còn mô tả lại bằng chữ nghĩa vần vè hay trực họa hình thể thì sẽ có từng cách thức như “hình châm biếm”, “hình cổ động”, “hình trào lộng”, vân vân và vân vân...

Với người theo đường điêu khắc - hội họa, nhất là vẽ “chụp” lại chân dung hình tướng rõ rệt, cần nắm chắc những đường nét đặc trưng để làm nghề kiếm sống (giống như nhà văn giỏi nắm chắc ngôn ngữ tả thuật của nhiều giới, chỉ gợi ra vài câu bâng quơ đã dựng được một “chân dung” có tính văn - thể, ngữ - ngôn về bất kỳ một loại người - con nào). Trong cuộc sống diễn ra, có không nhiều các chân dung hình thể có cá tính, và quy tập được sự riêng biệt, độc đáo, đại diện một cá thể duy nhất trọn vẹn đầy đủ. Số đông còn lại, hình tướng không đủ riêng biệt cá tính sẽ lẫn vào… số đông của giới mà họ theo đuổi. Vì đều thiếu một cái gì đó để thành bản lĩnh tự lập “điển hình” cái “hình hài” của bản thân cá nhân đó.

Căn bản của mỹ thuật tạo hình - khối - chất - mầu, được xác định là việc tạo hình khởi sự của quá trình “nhân tạo”. Nó khác với những hình “thiên tạo” bởi sự chắt lọc, sự ước lệ, sự biến đổi phóng chiếu qua tâm lý người (rồi dân tộc cá thể, thời đại “đỉnh sin” hay… “tụt sin”) tạo ra nó. Những nhánh tỏa các chiều khác nhau của mỹ thuật tạo hình là kiến trúc, điêu khắc, trang trí, design, đồ họa, biếm hoạ - mạn họa, hay cổ hoạ. Để đi theo quá trình này, bất cứ theo thế - cách nào cũng bắt đầu từ việc tạo hình, dù là mặt phẳng hai chiều hay mặt phẳng có ảo giác ba chiều, hay trong không gian ba chiều thực xuất khẩu được thành các khối chất cụ thể.

(Kỳ sau xem tiếp)

Vũ Lâm