Khi người học thiếu thông tin
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri mới đây của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, chuyên đề về “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn hiện nay”, có những con số đã được đưa ra: Công tác hướng nghiệp và phân luồng trong học sinh trên địa bản vẫn còn những hạn chế, chỉ đạt 7-8%, trong khi mục tiêu chung là 30%.
Theo phân tích, khó khăn do xu hướng nhận thức của phụ huynh học sinh và trong xã hội vẫn cứ muốn học càng cao càng tốt. Nhưng thực tế cho thấy, không phải phụ huynh và học sinh nào cũng có thông tin về hướng nghiệp, về các cơ sở đào tạo nghề ngay tại Hà Nội. Thậm chí nhiều phụ huynh hiện cũng không có chút thông tin nào về mô hình đào tạo thí điểm 9+, tức là học sinh học xong THCS có thể vào học ngay hệ CĐ đã và đang được triển khai. Khi biết về mô hình này, không ít người đã bày tỏ tiếc nuối rằng, nếu biết sớm họ đã cho con theo học nghề chứ không ép con thi vào lớp 10 THPT năm học trước bằng mọi giá…
Trở lại với vấn đề hướng nghiệp trong nhà trường cho học sinh phổ thông, đứng trước nhiều ngã rẽ vào đời, với những cơ hội rộng mở, nhưng không phải học sinh nào cũng biết đến. Thậm chí có các thầy cô giáo nếu không theo sát việc hướng nghiệp cho các em thì cũng chưa chắc có thể biết hết để tư vấn cho học sinh của mình. Chính vì vậy, việc tổ chức các buổi tọa đàm, tư vấn hướng nghiệp trực tiếp cho học sinh cuối cấp, với sự tham gia tư vấn của các trường ĐH, CĐ, TC và các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp… là cần thiết để học sinh có những định hướng đúng đắn cho tương lai sau này.
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri vừa rồi, nhiều đại biểu kiến nghị cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền sâu rộng về giáo dục hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh cũng như đổi mới công tác giáo dục trong mỗi nhà trường, để tạo nội lực ngay từ bên trong. Trong đó, phải định hướng nghề nghiệp theo trình độ, năng lực của học sinh chứ không phải là hướng nghiệp chung chung.
Và tâm lý chung của những gia đình quyết tâm/ hoặc tình nguyện cho con theo học nghề, đó là học sinh phải được tạo điều kiện tốt nhất để học văn hóa. Cùng với đó là cam kết của cơ sở đào tạo sau khi học xong sẽ tạo điều kiện về đầu ra, tạo cơ hội về việc làm cho người học…