Doanh nghiệp than khổ vì thủ tục nhập khẩu
Không chấp nhận giá doanh nghiệp (DN) nhập khẩu khai báo, lấy nhiều mẫu kiểm định, kiểm định lâu,... Đó là tất cả những khó khăn về thủ tục mà DN Nhật muốn chia sẻ, nhằm góp phần cảnh cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư hiện nay.
Đánh giá khá cao môi trường đầu tư của Việt Nam vì có nhiều chính sách tạo điều kiện tốt cho DN nước ngoài sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, khi đề cập đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhiều DN bày tỏ băn khoăn. Đặc biệt, mới đây cộng đồng DN Nhật than phiền khá nhiều về vấn đề này. Theo DN Nhật Bản, dù thủ tục xuất nhập khẩu đã được cải thiện nhiều, song vẫn còn nhiều điểm vướng chưa được tháo gỡ.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là do tại thời điểm thông quan, hải quan không chấp nhận giá DN nhập khẩu khai báo. Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (Jetro) thông tin, thời gian qua việc tham vấn giá đang vượt quá thời gian quy định.
Lý do, DN phải chờ lâu hơn 5 ngày mới nhận được thông báo tham vấn giá. Hải quan yêu cầu doanh nghiệp phải tham vấn giá để sửa đổi giá khai thuế. Trường hợp DN không chấp nhận mức giá cơ quan hải quan đưa ra, DN phải đợi rất lâu để có được ý kiến định giá của cơ quan hải quan. Cuối cùng, thông quan định giá này từ đó mới có thể kiến nghị lên cơ quan cấp cao. Trước khó khăn trên, DN bày tỏ mong muốn phía hải quan có thông báo bằng văn bản cụ thể việc không chấp nhận giá DN khai báo.
Ngoài ra, DN còn hy vọng được đem hàng về kho trong thời gian giải quyết việc tham vấn giá. Bởi vì để hàng lâu ở cảng sẽ phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Về phía Jetro, tổ chức này khuyến nghị, DN cần phân biệt và biết mình thuộc trường hợp nào để có kế hoạch xử lý cho phù hợp. Chậm thông quan ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh vì ngành thực phẩm, có nhiều mặt hàng dễ hư hỏng.
Trả lời về những vướng mắc liên quan đến giá DN nhập khẩu khai báo cho hải quan, ông Đào Duy Tám – đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định, sau 5 ngày tiếp nhận hồ sơ cơ quan hải quan sẽ ra thông báo cho DN về quyết định tham vấn giá và giải phóng hàng khỏi cảng. Trường hợp, sau 5 ngày cơ quan hải quan chưa có quyết định tham vấn, xem như cơ quan hải quan chấp nhận mức giá DN khai báo.
Không riêng về giá DN nhập khẩu khai báo, lấy mẫu nhiều lần trong thời gian dài cũng gây khó chịu cho DN. Theo các nhà đầu tư, dù không có quy định về số lượng mẫu nhưng cơ quan hải quan vẫn lấy ít nhất là 2 bộ mẫu. Thế nhưng có những trường hợp lấy mẫu với lượng nhiều hơn mức cần thiết và lấy mẫu ở bộ phận có giá trị lớn, tạo ra gánh nặng cho DN nhập khẩu.
Chưa hết, theo quy định trong vòng 120 ngày sau khi ban hành thông báo về kết quả phân loại mã HS, mẫu sẽ được trả lại. Song như phản ánh của một số DN Nhật Bản, có nhiều vụ việc không tuân thủ các quy định, DN không được trả lại mẫu.
Mặt khác, DN Nhật Bản cũng đặt ra giả thuyết về kết quả phân tích kiểm định chất lượng hàng hóa khi nhập khẩu vào thị trường. Nhà đầu tư Nhật Bản đang lo ngại về sự chênh lệch kết quả kiểm định giữa các cơ sở kiểm định thành phần. DN cho rằng, kết quả kiểm định là cơ sở để lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng hóa trên thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương cho biết, sự khác biệt giữa kết quả kiểm định phụ thuộc năng lực của cơ sở lấy mẫu kiểm định. Mỗi một cơ sở có điều kiện, trang thiết bị khác nhau. Vì vậy, cơ sở kiểm định chuẩn hoá tiêu chuẩn theo điều kiện năng lực riêng. Phải pháp tốt nhất hiện nay là đưa người đi đào tạo để nâng cao tay nghề. Tiến hành đầu tư các phòng thí nghiệm đặc biệt nằm trong đề án về khoa học công nghệ.