Trách nhiệm công dân

Dương Thanh Tùng 01/04/2019 09:00

Ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người dân sống tại các đô thị, trong đó có hàng chục triệu người sinh sống tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Từ đầu năm 2019, nhất là vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua; có thời điểm nồng độ bụi mịn đo được ở Hà Nội vượt mức 100 (cao gấp 2 lần quy chuẩn Quốc gia và hơn 4 lần quy chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới WHO). Bụi mịn dày đặc, lơ lửng trong không khí, có nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp từ trách nhiệm của mỗi cá nhân (trong tư cách công dân) đối với xã hội và cộng đồng.

Trách nhiệm công dân

Bụi mịn tại các đô thị lớn cần phải được kiểm soát.

Những ngày cuối tháng 3, các phương tiện truyền thông liên tục đưa ra các số liệu cảnh báo về ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội. Ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm bụi mịn nói riêng ở các đô thị lớn có nguyên nhân chủ yếu từ phát thải của phương tiện tham gia giao thông (ô tô, xe máy, xây dựng…).

Nghiên cứu khoa học và y học cho thấy, ô nhiễm không khí từ phát thải của phương tiện tham gia giao thông chứa hợp chất kim loại,cacbon, sunphua, nitơ cùng nhiều hoạt chất độc hại lơ lửng khác. Bụi mịn PM 2.5 siêu nhỏ phát tán trong không khí, là tác nhân gây nên các căn bệnh như tim mạch, ung thư - đặc biệt là các loại bệnh về đường hô hấp.

Giải pháp hàng đầu được các tổ chức quốc tế về sức khỏe và chuyên gia về môi trường đưa ra nhằm ngăn chặn ô nhiễm khói bụi nói chung và ô nhiễm từ bụi mịn PM 2.5 nói riêng, là giảm thiểu phương tiện tham gia giao thông. Cơ quan quản lý, hoạch định chính sách cũng từng đặt mục tiêu giảm thiểu phương tiện ô tô, xe máy tham gia giao thông ở các TP, đô thị - đặc biệt là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng sau nhiều năm, mục tiêu nói trên chưa đem lại kết quả như mong đợi.

Ngoài việc tăng dân số cơ học khó kiểm soát; năm 2018 Hà Nội tăng bình quân 27.000 ô tô, xe máy/tháng. Nhiều tuyến đường của Hà Nội (đơn cử là các tuyến đường Vành đai 3, Láng, Lê Văn Lương, Phạm Hùng) có mật độ ô tô, xe máy tham gia giao thông quá tải so với thiết kế mặt đường từ 3 đến 4 lần, thậm chí 22 lần vào giờ cao điểm!

Thống kê đầu năm 2018 của cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh cho thấy, TP này có xấp xỉ 7,3 triệu xe máy, gần 640.000 ô tô (chưa kể 1 triệu xe máy, ô tô của các tỉnh, TP khác lưu thông hàng ngày). Bình quân mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh có thêm 1.000 ô tô, xe máy đăng ký mới.

Thông tin được đưa ra tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng tháng 7/2018, cũng cho thấy, Đà Nẵng đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng và ô nhiễm không khí từ số lượng ô tô, xe máy tăng nhanh. Dân số Đà Nẵng năm 2018 là 1 triệu người nhưng có đến 945.000 ô tô, xe máy. Mỗi tháng, Đà Nẵng có trên 1.200 ô tô đăng ký mới và đến năm 2020 cả TP sẽ có 120.000 ô tô và 1,2 triệu phương tiện giao thông cá nhân (xe máy).

70% khói bụi ô nhiễm (trong đó có bụi mịn PM 2.5) ở Hà Nội là do phát thải của ô tô, xe máy tham gia giao thông. Số liệu quan trắc chỉ số chất lượng không khí (AQI) những ngày cuối tháng 3/2019 thể hiện nguy hiểm khói bụi đang đe dọa trực tiếp đến đời sống của trên 8 triệu dân cư các quận, huyện của TP này. Chỉ số AQI tại Hà Nội thường xuyên ở mức trên 100 trong khi ngưỡng an toàn là từ 0 đến 50; cũng đồng thời phản ánh thực tế đáng lo ngại về trách nhiệm cá nhân trong tư cách công dân đối với xã hội và cộng đồng.

Trách nhiệm cá nhân trong tư cách công dân có vai trò quan trọng; giúp hạn chế tối đa tác nhân gây ô nhiễm. Công chức, viên chức thực thi công vụ tại các trung tâm kiểm định, một khi ý thức cao về trách nhiệm công dân, sẽ ngăn chặn từ trứng nước những phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường. Mỗi người, trong số hàng chục triệu cư dân tại các TP, đô thị, nếu đề cao trách nhiệm công dân, sẽ cân nhắc khi mua sắm thêm phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy), góp phần cùng với chính quyền giảm thiểu ùn tắc, ô nhiễm.

Trách nhiệm công dân cũng đồng thời là cung cách phục vụ, ứng xử văn minh của nhân viên phục vụ vận tải công cộng như xe buýt, tàu hỏa trên cao của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Từ chỗ có thiện cảm với nhân viên vận tải công cộng, người dân đô thị (đặc biệt là các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng), sẽ chọn phương tiện công cộng để di chuyển, thay vì bỏ tiền mua sắm thêm ô tô, xe máy.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều TP lớn khác trên cả nước đang nỗ lực xây dựng lộ trình hạn chế ô tô, xe máy lưu thông tại các khu vực trung tâm thành phố. Chủ trương, quyết sách, lộ trình hạn chế ô tô, xe máy, giảm ô nhiễm khói bụi của chính quyền các đô thị lớn chắc chắn sẽ thành công, khi trách nhiệm công dân của mỗi cá nhân với xã hội, với cộng đồng được đề cao.

Dương Thanh Tùng