Loạt dự án chống ngập tại TP Hồ Chí Minh: Kỳ vọng nhưng vẫn chưa hết lo
Là một trong những nhiệm vụ quan trọng của TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, việc chống ngập là yêu cầu cấp bách đối với đô thị đông dân nhất nước. Vì vậy, các dự án chống ngập được triển khai nhận được sự kỳ vọng và đồng tình của người dân.
Việc thành phố triển khai đồng loạt hơn 200 dự án chống ngập trong năm 2019 với nguồn vốn khoảng 7.500 tỷ đồng đang khiến nhiều người trông đợi, thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều nỗi lo.
Người dân TP HCM trông chờ vấn nạn ngập nước được giải quyết cơ bản sau khi các dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Tin vui
Lãnh đạo UBND TP HCM vừa ban hành chương trình giảm ngập nước năm 2019 với việc sẽ khởi công 47 dự án chống ngập bên cạnh 77 dự án chống ngập đang được triển khai, cùng đó là chuẩn bị thực hiện 94 dự án chống ngập khác. Trong đó, nhiều dự án trọng điểm được ưu tiên đẩy nhanh tiến độ như dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Mai Thị Lựu (quận 1), dự án nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Quý (quận Tân Phú), cải tạo hệ thống thoát nước đường Bàu Cát (quận Tân Bình), cải tạo hệ thống thoát nước đường Trương Công Định (quận Tân Bình),…Ngoài ra, thành phố cũng quyết tâm hoàn thành dự án chống ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước do triều. Bên cạnh đó, thi công hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2, công suất 469.000 m3/ngày và khởi công nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công suất 480.000 m3/ngày. Cùng với đó, lãnh đạo TP HCM cũng chỉ đạo Sở GTVT khẩn trương hoàn các thủ tục pháp lý cũng như tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia xung quanh việc thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh – điểm ngập nhiều năm ở thành phố.
Mục tiêu của các dự án này ngoài việc giải quyết tình trạng ngập nước, còn có nhiệm vụ cải thiện môi trường nước, tăng không gian cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường sống cho khoảng 6,5 triệu dân với diện tích hơn 550 km2 từ khu vực trung tâm đến ngoại thành.
Theo một lãnh đạo của Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP HCM, nếu các dự án này được hoàn thành đúng theo lịch, hàng loạt điểm ngập nước ở TP HCM sẽ cơ bản được xóa bỏ. Như dự án ngăn triều chống ngập có tính tới biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), ngoài việc ngăn toàn bộ nước triều từ phía biển đổ về thì hệ thống máy bơm công suất lớn tại 6 cống ngăn triều cũng giúp tiêu thoát nước khi mưa lớn. Tuy nhiên, để tình trạng ngập nước được giải quyết hoàn toàn, thành phố cần thực hiện đồng bộ nhiều dự án. Theo đó, để các máy bơm ở cống ngăn triều hoạt động hiệu quả thì hệ thống kênh rạch, ống dẫn nước từ phía trung tâm ra các khu vực sông kênh lớn ở cống ngăn phải được đồng bộ.
Băn khoăn hiệu quả
Dù nhận được tín hiệu tích cực từ các dự án chống ngập, nhưng nhiều người lo lắng việc thực hiện đồng loạt quá nhiều dự án sẽ tạo ra không ít khó khăn, nhất là tính hiệu quả. Theo một số chuyên gia, thành phố nên dồn sức thực hiện các dự án trọng tâm, có tác động lớn đến nhiều quận huyện như dự án ngăn triều chống ngập, dự án chống ngập khu đường Nguyễn Hữu Cảnh, dự án chống ngập quanh sân bay Tân Sơn Nhất…chứ không nên thực hiện cùng một lúc quá nhiều dự án; nhất là khi nguồn vốn thực hiện các dự án chống ngập đang khá khó khăn, chủ yếu dựa vào ngân sách thay vì có thể kêu gọi nguồn vốn tư nhân như các dự án hạ tầng giao thông.
Hàng loạt công trình chống ngập ở TP HCM đang được thi công.
Từ việc thực hiện (khởi công) dự án cho tới khi hoàn thành dự án, cũng như để dự án chống ngập phát huy hiệu quả là một khoảng cách rất xa. Thực tế ở TP HCM, nhiều dự án cải tạo kênh mương, xây cống, bờ kè… cho mục đích chống ngập nước có thời gia thực hiện rất lâu, kéo dài tới gần chục năm vẫn chưa xong. Điển hình như dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát được triển khai thực hiện nhiều năm qua và đã tiến hành được một số hạng mục, giải phóng mặt bằng nhưng đến nay vẫn còn dang dở. Đặc biệt, do khó khăn về nguồn vốn vay ODA khiến dự án này đang bị dừng lại khá lâu. Hay như dự án chống ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, dù đã được lãnh đạo các cấp, kể cả Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ GTVT đốc thúc thực hiện nhưng thực tế đến nay, các dự án chống ngập quanh khu sân bay vẫn chỉ là cải tạo. Lý do cơ bản là việc thoát nước ở sân bay dựa chủ yếu vào tuyến kênh Tham Lương-Bên Cát nhưng dự án cải tạo tuyến kênh này lại chưa biết bao giờ sẽ khởi động lại.
Ngoài việc các dự án triển khai chậm trễ kéo dài như kể trên, một số dự án chống ngập ở TP HCM lại không phát huy hiệu quả khi hoàn thành. Điển hình như dự án đầu tư siêu máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh với hàng chục tỷ thuê máy bơm mỗi năm nhưng khi đưa vào vận hành đã không giải quyết được tình trạng ngập nơi đây. Và, hiện nay tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ được triển khai thêm 1 dự án chống ngập khác, là nâng cấp sửa chữa toàn bộ tuyến đường với số tiền hơn 400 tỷ đồng. Tất nhiên, vẫn chưa có ai biết chính xác dự án nâng cấp sửa chữa này có thể giải quyết triệt để được tình trạng ngập nước ở khu vực này hay không.
Ngoài ra, nhiều người dân ở khu vực quận Tân Phú cũng cho biết, khi khánh thành dự án cải tạo tuyến kênh Tân Hóa-Lò Gốm dài 7,5 km với nguồn vốn khoảng 2.000 tỷ đồng vào năm 2015, nhiều người hy vọng khu vực này sẽ không xuất hiện tình trạng ngập nước nhưng thực tế nhiều địa điểm ở quận vẫn ngập khi mưa lớn. Nguyên nhân chính, không phải dự án kênh Tân Hóa-Lò Gốm không phát huy hiệu quả mà thực tế, tuyến kênh này cũng tiêu thoát nước qua nhiều tuyến kênh khác, nhưng các tuyến kênh kia lại chưa được triển khai đồng loạt. Vì thế, dù dự án đã hoàn thành nhưng chỉ đơn lẻ một vào tuyến/đoạn kênh trên tổng số khoảng 1.000 km sông, kênh trên địa bàn TP HCM thì không thể giải quyết triệt để việc chống ngập được.