Đo sự hài lòng của dân

Duy Phương 03/04/2019 08:30

Sau 10 năm, Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tiếp tục đóng vai trò là công cụ hữu hiệu góp phần cải thiện quản trị công ở Việt Nam. Đáng chú ý, trọng tâm nghiên cứu của Chỉ số PAPI đặt người dân là trung tâm của quá trình phát triển, do đó đây được coi là một công cụ lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với các cấp chính quyền, và qua đó tạo điều kiện để người dân tham gia quản trị đất nước.

Báo cáo Chỉ số PAPI được dư luận mong chờ hằng năm bởi nó phản ảnh đầy đủ và chân thực nhất những suy nghĩ, cảm nhận của người dân về cách điều hành, quản trị của cơ quan công quyền các địa phương. Năm 2018, hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh/thành phố đã được phỏng vấn trong nghiên cứu Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAP) năm 2018. Chỉ số PAPI đánh giá trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả của các cấp chính quyền trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật, cung ứng dịch vụ hành chính và dịch vụ công căn bản tới mọi người dân.

Trong 10 năm qua, hơn 117.000 lượt người dân Việt Nam từ khắp các tỉnh/thành phố của Việt Nam đã chia sẻ về trải nghiệm và cảm nhận của họ qua nghiên cứu PAPI, khiến PAPI trở thành một nguồn dữ liệu khách quan, cập nhật về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương vì lợi ích của mọi người dân Việt Nam.

Theo Báo cáo PAPI năm 2018 vừa được công bố, hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018 nhìn chung có cải thiện ở các lĩnh vực PAPI đo lường. Đặc biệt, qua Báo cáo, người dân cho biết nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiểu học công lập thuyên giảm; họ hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản; và các cấp chính quyền cơ sở tương tác với người dân nhiều hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân cho rằng có nhũng nhiễu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm; “‘lót tay” để có việc làm trong khu vực nhà nước...

Bên cạnh đó, mặc dù người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm đi so với 3 năm trước, tuy nhiên, ở mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau. Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã/phường đã thuyên giảm trong 3 năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng thuyên giảm. Kết quả khảo sát PAPI 2018 cũng cho thấy, tham nhũng vẫn là 1 trong 3 mối quan ngại hàng đầu của người dân.

Đáng chú ý, trong chỉ số PAPI năm nay, có hai lĩnh vực được bổ sung thêm ngoài 6 lĩnh vực đã được “đo lường” hằng năm, đó là Bảo vệ môi trường và Quản trị điện tử. Đây là hai lĩnh vực nằm trong những thách thức mới được PAPI đặc biệt quan tâm. Những thách thức mới sẽ cần giải pháp mới, song nhiều thách thức dài hơi như chống tham nhũng, cung cấp dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nỗ lực hướng tới sự minh bạch hơn… vẫn là những lĩnh vực đòi hỏi các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm giải quyết.

Có thể thấy, với sự tham gia của người dân vào việc đánh giá hoạt động của chính quyền các cấp, PAPI đã và đang đạt được những hiệu ứng quan trọng. Cho tới nay, tất cả 63 tỉnh thành phố trên toàn quốc đã chủ động hoặc tham gia tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo về kết quả Chỉ số PAPI, trong đó 59 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hành động, chỉ thị, nghị quyết hoặc công văn yêu cầu các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cải thiện hoặc chấn chỉnh hiệu quả công tác quản trị và hành chính công nhằm đáp ứng tốt hơn nữa những yêu cầu từ phía người dân. Trong năm 2018, đã có tới 38 tỉnh, thành phố ban hành mới hoặc bổ sung các văn bản nhằm củng cố cải thiện sự hài lòng của người dân thông qua chỉ số PAPI.

Trong mọi lĩnh vực, mọi thời điểm, sự hài lòng của người dân sẽ luôn là “thước đo” trung thực nhất, chính xác nhất cho mọi nỗ lực cố gắng cải cách hành chính của nhà quản lý. Điều này không những sẽ làm thay đổi căn bản tính chất của cải cách mà còn xác lập được chế độ trách nhiệm cao hơn đối với các công chức hành chính.

Cần nhớ là, cải cách hành chính trước hết là cải cách quy trình thủ tục sao cho mọi việc minh bạch; người dân được tiếp cận thông tin rõ ràng, thuận lợi, không có cảnh nhũng nhiễu, vòi vĩnh, bôi trơn. Người dân không cảm thấy e ngại mỗi khi có việc phải tiếp xúc với chính quyền. Xã hội đang chứng kiến một cơ chế chuyển đổi từ nền hành chính “xin - cho” sang phục vụ. Và PAPI chính là một công cụ giúp cơ quan quản lý soi rõ điều đó. Và chỉ khi chính quyền biết lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo thì cải cách hành chính mới thực sự thành công.

Duy Phương