Công bố Chỉ số PAPI 2018: Tham nhũng vẫn là quan ngại lớn
“Lót tay” để có việc làm trong khu vực Nhà nước, vòi vĩnh trong quá trình cấp giấy đỏ và việc lạm dụng công quỹ chưa giảm... Đó là một số nội dung được Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018 nêu lên. Báo cáo do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với một số đơn vị tổ chức, sáng 2/4 tại Hà Nội.
Các diễn giả tại Lễ công bố.
Bến Tre và Lạng Sơn giữ vị trí cao
Hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh/ thành phố đã được phỏng vấn trong nghiên cứu Chỉ số PAPI 2018, chia sẻ về trải nghiệm và cảm nhận về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Bên cạnh 6 chỉ số nội dung như những năm trước, năm 2018, PAPI có thêm 2 chỉ số là quản trị môi trường và quản trị điện tử.
Trong tổng hợp kết quả PAPI năm 2018 của 63 tỉnh, TP, Bến tre và Lạng Sơn là 2 địa phương có tổng điểm cao nhất đều là 47,05 điểm; thấp nhất là Bình Định với 41,04 điểm. Tổng số điểm chỉ số PAPI của Hà Nội đạt 42,32 điểm; trong đó chỉ số “tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 5,22 điểm; chỉ số “công khai minh bạch” đạt 5,09 điểm; chỉ số “trách nhiệm giải trình” đạt 4,61 điểm; chỉ số “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 6,08; chỉ số “thủ tục hành chính công” đạt 7,5 điểm; chỉ số “cung ứng dịch vụ công” đạt 6,93 điểm; chỉ số “quản trị môi trường” đạt 3,58 điểm; chỉ số “quản trị điện tử” đạt 3,32 điểm.
Tại Hội nghị, bà Caitlin Wiesen – Quyền đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: Sau 10 năm, Chỉ số PAPI tiếp tục đóng vai trò là công cụ hữu hiệu góp phần thúc đẩy quản trị tốt ở Việt Nam. Chỉ số PAPI lắng nghe tiếng nói của người dân, tìm hiểu kỳ vọng của người dân đối với cấp chính quyền, bằng cách đó tạo điều kiện để người dân tham gia quản trị đất nước…
Kết quả PAPI 2018 cho thấy, yếu tố tác động lớn nhất tới mức độ hài lòng với hiệu quả quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Mặc dù người dân có chung quan điểm rằng tham nhũng đã giảm so với 3 năm trước, song mỗi cấp chính quyền có mức độ thuyên giảm khác nhau. Gần 60% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp xã/ phường đã thuyên giảm trong 3 năm qua, song chỉ có 50% số người trả lời cho rằng tham nhũng ở cấp quốc gia có xu hướng giảm.
Ngoài ra, người dân hài lòng hơn với mức độ công khai, minh bạch của chính quyền trong việc tổ chức lập danh sách hộ nghèo và chia sẻ thông tin thu, chi ngân sách cấp xã/phường. Tuy nhiên, công khai, minh bạch quy hoạch/ kế hoạch sử dụng đất vẫn là khía cạnh chính quyền địa phương cần cải thiện.
Về trách nhiệm giải trình với người dân, năm 2018, số người gặp gỡ cán bộ, công chức chính quyền cấp thôn/tổ dân phố hoặc cấp xã/phường khi có bức xúc về chính quyền hoặc hàng xóm tăng lên, và số người cho rằng những cuộc tiếp xúc đó đem lại kết quả cũng tăng so với năm 2017.
Đói nghèo vẫn là mối quan tâm
Theo TS Đặng Hoàng Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất trong năm 2018 cần Nhà nước tập trung giải quyết, nghèo đói tiếp tục là vấn đề được nhiều người chọn nhất. Mặc dù nhiều người cho rằng điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình và của đất nước có cải thiện, vẫn có tới 25% số người được hỏi chọn nghèo đói là vấn đề hệ trọng nhất.
Nguyên nhân dẫn tới mối lo ngại này, theo bà Caitlin Wiesen là do sự bất bình đẳng về thu nhập. 90% người tham gia khảo sát có mức thu nhập là 20 triệu đồng/tháng trở xuống, 1,7% có thu nhập cao hơn 40 triệu đồng/tháng. Khoảng cách thu nhập giữa người Kinh với các nhóm dân tộc thiểu số là 3 triệu đồng. Từ lo ngại đó nên vấn đề việc làm được quan tâm nhiều nhất.
Đáng chú ý, năm 2018, một lĩnh vực được người dân quan tâm và cũng được bổ sung vào “bộ thước đo” PAPI chính là quản trị môi trường và quản trị điện tử. Khảo sát cho thấy, người dân vô cùng quan tâm tới các vấn đề về môi trường. Họ sẵn sàng trả cao hơn cho điện có nguồn từ nhà máy điện sử dụng nhiên liệu tái tạo, và trả thấp hơn cho điện có nguồn từ nhà máy điện chạy bằng than. Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS Đặng Hoàng Giang cho hay, phát hiện có ý nghĩa quan trọng nhất từ phương diện chính sách là, dù chọn năng lượng tái tạo song người dân vẫn đề cao nguồn cung điện ổn định.
PAPI 2018 cũng cho thấy, mỗi địa phương đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Không có địa phương nào thuộc về nhóm đạt điểm cao nhất ở cả 8 chỉ số nội dung. Hơn nữa, khoảng cách giữa điểm cao nhất cấp tỉnh (47.05 điểm) và mức điểm tối đa là 80 điểm (trên thang điểm từ 10 đến 80 điểm cho tất cả 8 chỉ số nội dung) còn rất xa. Khoảng cách này cho thấy còn nhiều cơ hội đổi mới chính sách và cách thức thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở hơn, minh bạch hơn, thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, hoạt động có mục đích và thực hành liêm chính tốt hơn.
Theo TS Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Chỉ số PAPI chính là một diễn đàn để người dân bày tỏ những mối quan tâm, băn khoăn, để các cấp chính quyền hiểu được kỳ vọng của người dân, để các cơ quan, ban ngành trung ương và địa phương và người dân cùng hành động nhằm hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Chỉ số PAPI là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam. Báo cáo PAPI 2018 được thực hiện dựa trên ý kiến chia sẻ của 14.304 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc trong năm 2018. Từ năm 2009 đến năm 2018, PAPI đã thu thập và phản ánh trải nghiệm của 117.363 lượt người dân thông qua phỏng vấn trực tiếp. |