Hy vọng vào tương lai
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2018 vừa được công bố cho thấy, hiện tượng lợi ích nhóm, thân quen, “chạy” để được vào làm việc tại các cơ quan trong khu vực Nhà nước vẫn là vấn đề gây nhiều bức xúc trong xã hội. Các chuyên gia cảnh báo, bộ máy nhà nước sẽ không thể thực sự hiệu lực, hiệu quả, nếu vị trí làm việc bị những kẻ cơ hội chiếm bằng mối quan hệ, bằng tiền.
Thi tuyển công chức nghiêm túc là một giải pháp chọn lựa cán bộ.
Kết quả PAPI 2018 cho thấy, chỉ số công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công dù đã tăng điểm so với các năm trước, song số điểm đạt được vẫn còn rất thấp. Điều này cho thấy người dân chưa cảm thấy hài lòng, thậm chí bức xúc với việc tuyển dụng nhân lực vào khu vực cơ quan nhà nước. Người ta không ngớt truyền tai, mách nhau rằng, muốn vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, nếu không phải thuộc hàng 4C thì cũng phải có “điều kiện kinh tế”. Ngay cả từ những vị trí làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước là ở cấp xã, phường, thị trấn cũng không ngoại lệ trên.
TS Đặng Hoàng Giang- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES) nhận định, việc tuyển dụng nhân lực vào khu vực công còn gây nhiều bức xúc trong công chúng, là vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Ông Giang cho rằng, bộ máy nhà nước sẽ bị méo mó khó có thể là kiến tạo, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả khi mà đội ngũ công chức được vào làm việc bằng con đường hối lộ, thân quen, chứ không phải là những người giỏi, có năng lực thực sự. Đó là một trong những nguyên nhân của vấn nạn công chức cắp ô, tồn đọng từ năm này sang năm khác.
Nhận định của TS Giang có cơ sở khi mà PAPI 2018 thể hiện kết quả khảo sát trong từng lĩnh vực cho thấy, việc tuyển dụng công chức bị ảnh hưởng bởi sự thân quen, “lót tay” còn khá phổ biến. Đơn cử việc tuyển dụng các chức danh công chức ở cấp phường, xã, thị trấn thể hiện mức độ hài lòng của người dân là rất thấp. Có đến trên 71% số người được hỏi cho rằng thân quen có vị trí rất quan trọng khi xin vào làm công chức địa chính; 69,45% đối với chức danh tư pháp; giáo viên tiểu học công lập 65% và nhân viên văn phòng xã, phường là 63%...
Tỷ lệ trên không đồng đều ở các địa phương mà tập trung ở những nơi mà lãnh đạo không làm tốt Quy chế dân chủ cơ sở, thiếu sự công khai, minh bạch thông tin trong công tác quy hoạch, tuyển dụng nhân sự. PAPI 2018 đã “chỉ mặt, đặt tên” cụ thể những địa phương nhận được mức độ hài lòng rất thấp của người dân, đó là Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng... Đây là những nơi được lượng người tham gia khảo sát chấm điểm thấp nhất về chỉ số công bằng trong tuyển dụng vào khu vực cơ quan nhà nước.
Theo các chuyên gia thì việc tuyển dụng vào khu vực công dựa trên các mối quan hệ gia đình, người thân, nhóm lợi ích, thậm chí là đưa - nhận hối lộ chính là hành vi tham nhũng. Ngay cả khi đưa con, em, cháu... của mình vào công chức trái quy định, đặt vào các vị trí làm việc không đúng với sở trường, dù không nhận tiền vẫn là hành vi tham nhũng. Tuyển dụng người thân quen, “giúp đỡ” sếp ở cơ quan khác cho con cháu họ vào làm việc trong khi năng lực yếu, sai quy trình thì dù không nhận “lót tay” cũng vẫn là tham nhũng. Song, đây là các loại tham nhũng quan hệ, kết bè đảng để trục lợi.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc thiếu công bằng trong tuyển dụng công chức thực sự là vấn nạn nhức nhối lâu nay chưa có “thuốc đặc trị”. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, để giảm thiểu tham nhũng quan hệ, tham nhũng vật chất, xây dựng nhóm lợi ích... bằng việc tuyển dụng người thân quen, bổ nhiệm những kẻ cơ hội dùng tiền chạy chọt... thì lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương cần công khai, minh bạch công tác nhân sự, thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ cơ sở, phát huy tinh thần làm chủ và sự giám sát của người dân, cơ quan báo chí, MTTQ các cấp...
Mặc dù niềm tin của người dân vào một số chỉ số còn thấp, song nhìn chung Báo cáo PAPI 2018 đã cho thấy sự khởi sắc đáng khích lệ. Chúng ta cũng nên nhìn vào mặt tích cực để mà nuôi hy vọng một tương lai không xa, chất lượng quản trị tại các cơ quan nhà nước sẽ tốt hơn, không còn chuyện tuyển dụng dựa trên cơ sở thân quen, tiền bạc... Hy vọng trong thời gian tới, chất lượng phục vụ hành chính công của các cơ quan quản lý nhà nước sẽ được cải thiện tốt lên theo hướng kiến tạo và phục vụ, loại bỏ hẳn cơ chế xin - cho. Hy vọng, lạc quan luôn là điểm tựa cho mọi người trong công cuộc đi tìm những điều tốt đẹp hơn, hoàn mỹ hơn, cũng là cơ sở để giảm thiểu, triệt tiêu cái xấu.