Yêu và ghét
Từ cô bé con xinh đẹp, nhí nhảnh như thiên thần đến bà cụ già trầm lặng, suy tư, cả ngày không nói một câu, đều có yêu, có ghét.
Từ nhà tỷ phú có hàng chục triệu đô, lúc nào cũng lo lắng lạm phát, khủng hoảng, suy thoái, đổ vỡ đến người bán vé số vất vả suốt ngày để kiếm từng đồng, đều có yêu, có ghét.
Như vậy yêu là gì?
Như vậy ghét là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt, trang 1077 thì: “Yêu là: có tình cảm dễ chịu khi tiếp xúc với một đối tượng nào đó, muốn gần gụi và thường sẵn sàng vì đối tượng đó mà hết lòng. Thí dụ: Mẹ yêu con, “Yêu nên tốt, ghét nên xấu” (Tục ngữ), yêu đời, yêu nghề, trông thật đáng yêu”.
Ở trang 336 thì: “Ghét là: cảm thấy khó chịu khi phải tiếp xúc với một đối tượng nào đó và thường thấy hài lòng khi đối tượng ấy gặp điều không hay. Thí dụ: Ghét kẻ xu nịnh, “Trâu buộc ghét trâu ăn” (Tục ngữ), “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” (Nguyễn Du – Truyện Kiều).
Vì cuộc đời quá ngắn ngủi (Life is too short) nên chúng ta cần hết sức phấn đấu, hết sức tu dưỡng để luôn luôn yêu thương người khác (To love) và được người khác yêu thương (To be love). Còn việc ghét bỏ người khác hay bị người khác ghét bỏ thì cần phấn đấu để càng ít càng tốt, không có là tốt nhất.
Đối với sự yêu chân chính, nghĩa là phải yêu theo cách văn minh, tiến bộ, hợp tình hợp lý, nghĩa là phải yêu những đạo đức, lẽ phải mà Thượng đế đã ban tặng. Tác giả Alexis Carrel (1873–1944) đã khái quát điều này cho dễ hiểu: “Đầu óc ta vừa là lý trí, vừa là tình cảm. Chúng ta phải biết yêu cái đẹp của khoa học cũng như phải biết yêu cái đẹp của Thượng đế” (L'esprit est ā la fois raison et sentiment. Il nous faut donc aimer la beauté de la science et aussi la beauté de Dieu).
Định nghĩa và nội dung về tình yêu thương đúng đắn của con người theo Alexis Carrel thật quá tài tình, vừa ngắn gọn, vừa súc tích, vừa đầy đủ nếu ta hiểu hết được ý nghĩa của nó. Định nghĩa đã khẳng định: Tình yêu chỉ lý trí không cũng không đủ, tình yêu chỉ đơn thuần tình cảm không cũng không đủ. Ở một người đã trưởng thành phải biết đắn đo, suy nghĩ trước sự yêu ghét, tức là phải cân nhắc trong mọi tình huống ở đời. Thêm vào nữa, cái lòng yêu ghét đó cũng cần phải dựa trên nền tảng đạo đức, luân lý của phép học làm người mới thực sự là đúng đắn và lâu bền. Hoan hô Alexis Carrel đã cho ta một công thức ngắn gọn, dễ hiểu và chuẩn xác về tình yêu thương chân chính của con người.
Cái tình yêu thương chân chính, giản dị, trong sạch mà con người có được nó giúp ta có một cuộc sống thanh bình, “hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ”, đúng như Thánh kinh (Holy Bible) đã viết: “Thà một đĩa rau với tình thương mến còn hơn một con bò béo với thù hận” (Mieux vant un plat de légumes avec de l'affection qu'un bœuf gras avec de la haine). Ở Việt Nam ta cũng có những câu văn, câu thơ mô tả cái hạnh phúc thuần khiết đó, như: “Một túp lều tranh với hai trái tim vàng”, hoặc “Một gian nhà nhỏ đi về có nhau”. Chao ôi, thèm nhớ đến nao lòng biết bao kỷ niệm về những sự yêu thương, những cảnh thanh bình của “Tình làng nghĩa xóm”, của những miền quê êm ả “Nhà không phải đóng cửa”, “Phơi thóc không phải trông”, những quán bán hàng tự giác ở miền núi không có người trông, ai mua gì thì cứ tự động cho tiền vào cái rổ. Không ai lấy của ai cái gì.
Bên trời Tây, tác giả Olivier Goldsmith (1728–1774) cũng hoài niệm những kỷ niệm cũ thanh bình, êm ái: “Tôi yêu những cái gì đã cũ: bạn cũ, thời cũ, văn hóa cũ, sách cũ, rượu cũ” (I love everything that's old: old friend, old times, old manners, old books, old wine).
Ở nước ta, trong nhiều năm qua, Nhà nước đã trùng tu nhiều di tích cũ, nhiều di sản cũ và đã phân loại những Di tích cấp Quốc gia, đã công nhận cùng với UNESCO các Danh lam Thắng cảnh của nước ta. Nhà nước làm điều này chính là muốn nhắc nhở mỗi cá nhân chúng ta không bao giờ được phép quên lãng những quá khứ tươi đẹp, những truyền thống hào hùng cứu nước và giữ nước của Tổ tiên chúng ta. Mỗi lần đến thăm các lăng, miếu tôn nghiêm ấy, ta càng tăng thêm lòng yêu nước, yêu truyền thống văn hóa ngàn năm của một dân tộc anh hùng.
Nói kỹ thêm về cái kỹ năng sống để được yêu thương, được nâng đỡ, mỗi con người phải tu tập từ khi còn nhỏ biết yêu thương ông bà, cha mẹ, họ hàng, hàng xóm thì lúc lớn lên mới biết yêu thương thầy cô giáo, yêu những người lao động vất vả cho ta miếng ăn hàng ngày, tấm áo quần để mặc, ngôi nhà để ở.
Đúng như thi sĩ thiên tài Pierre Corneille (1606–1684) đã hướng dẫn: “Anh sẽ không biết yêu nếu như anh không được yêu” (Vous n'aimeriez pas tant si vous n'étiez aimée). Mệnh đề triết học này rất quan trọng, vì nó là sự qua lại, vì nó là nhân quả (Feed Back) của hai quá trình Yêu (To love) và Được yêu (To be love). Từ nhỏ ta được ông bà, cha mẹ anh chị em, họ hàng yêu quý, nâng niu thì ta mới có cái thói quen, cái tập quán biết yêu thương người khác. Thói quen này cực kỳ quan trọng cho mỗi con người khi bước vào đời, tập làm người. Đối với những đứa trẻ từ bé đã phải sống trong một gia đình bất hạnh, cha mẹ lục đục, gia đạo suy đồi thì lớn lên rất khó có lòng yêu thương thánh thiện, nhân hậu. Cũng theo cái cơ chế yêu thương qua lại này, Thánh kinh đã viết: “Con hãy yêu người hàng xóm như yêu mình vậy” (Love your neighbour as yourself). Đáng quý thay cái tình thân mến “tối lửa tắt đèn có nhau”, cái tình thương yêu “tình làng nghĩa xóm” mà bất cứ dân tộc nào cũng đề cao và trân trọng, vì nó hợp lý, nó có ích trong cuộc sống đời thường hàng ngày khi mà anh em ruột thịt, họ hàng, bạn bè ở cách xa mãi tận đâu đâu. Vì thế có một người hàng xóm tốt là ta có một giấc ngủ bình an, có một ngày êm ả.
Đến đây, sau khi ca ngợi tình yêu thương, trìu mến của con người, ta cũng nên nhắc qua đến sự đối lập của nó là sự ghét bỏ (Hatred), sự oán giận mà đã là người ai cũng có lúc gặp phải. Cần biết tu tập để tránh xa nó, nếu có thì phải nhanh chóng từ bỏ nó ngay. Vì như đại văn hào Thackeray (1811-1863) đã viết: “Người đời yêu cũng như ghét đều vô lý cả” (People hate as they love, unreasonably). Đây là một triết lý sống rất cao siêu, nó nhìn thấy cả quá khứ lẫn tương lai. Vì có người hôm nay là bạn nhưng mai lại là thù, ngày kia lại là bạn thì sao? Vì có những Tập đoàn kinh doanh xuyên quốc gia hôm nay là thù, mai vì quyền lợi cả hai bên, lại trở thành bạn thì sao? Thành ra bạn hay thù là tùy theo thời điểm khác nhau, là tùy theo cách nhìn (Point of view) khác nhau. Thành ra yêu hay ghét cũng chỉ là thời vụ, là tương đối, là thời điểm mà thôi. Vả lại nếu phân tích sâu thì cảm giác ghét bỏ, hận thù, tức tối, ghen tỵ chỉ làm hại chính con người đang mang trong mình những mầm mống “độc hại” ấy mà thôi, chứ chả làm hại được ai.
Đúng như đại văn hào Pháp - Balzac (1799–1850) đã từng viết: “Sự ghen ghét ẩn núp ở đáy tim loài người giống như con rắn độc ở trong hang tối của nó” (Every lurks at the bottom of the human heart, like a viper in its hole). Đáng sợ thay sự ghét bỏ, con người phải loại trừ ngay con rắn độc này mới có được cuộc sống êm ả, thanh bình.
Tác giả George Eliot (1819-1980) còn phân tích sâu thêm tác hại của ghen ghét, thù hận khi ông viết: “Sự thù ghét giống như lửa đỏ. Nó làm cháy rụi đến cả tro tàn” (Hatred is like fire. It makes even light rubbísh deadly). Thật khủng khiếp thay cho cái hậu họa của sự tức giận, ghen ghét !
Khép lại trang viết, cần nhắc đến câu thơ nhân ái của nhà thơ Việt Nam Tố Hữu đã viết: “Người với người / Sống để yêu nhau”.
Xin chúc cho Tình yêu ngập tràn xuân mới.