Dự án thép Vạn Lợi (Hà Tĩnh): Ngân hàng nhận 'quả đắng'
Sau khi Dự án thép Vạn Lợi (Khu Kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) bị khai tử, 3 ngân hàng có chi nhánh tại Hà Tĩnh (VDB, BIDV, Vietcombank) cho chủ đầu tư vay phải chia nhau “đống sắt vụn”. Số nợ chủ đầu tư phải trả cho các ngân hàng hơn 1.500 tỷ đồng nhưng tài sản sau khi kê biên chỉ được định giá hơn 108 tỷ đồng.
Dự án thép nghìn tỷ nay chỉ còn đống sắt vụn.
Dự án Nhà máy gang thép Vạn Lợi do Cty CP gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư tọa lạc trên vùng đất rộng 25,8 ha tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng. Theo kế hoạch dự án khởi công vào tháng 8/2008 với công suất 250.000 tấn/năm (giai đoạn 1), sau đó nâng cấp lên 500.000 tấn/năm. Tháng 2/2010 lắp đặt dây chuyền thiêu kết – luyện gang giai đoạn 1; tháng 7/2008 đến tháng 8/2010 lắp đặt toàn bộ thiết bị, tháng 3/2010 sản xuất thử ra phôi gang và tháng 8 ra phôi thép thương phẩm.
Theo tìm hiểu, dự án này được triển khai theo hình thức các ngân hàng hùn vốn cho dự án với mức cho vay 85% (trên tổng mức đầu tư dự án) và chủ đầu tư chỉ là 15%. Chủ đầu tư lấy dự án ra thế chấp, nghĩa là tài sản hình thành sau khi dự án được triển khai. Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng thu hồi vốn bằng cách cân đống sắt vụn để bán đấu giá.
3 ngân hàng lớn vốn nhà nước có chi nhánh tại Hà Tĩnh hùn vốn đầu tư gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam – VDB, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – VCB.
Cuối năm 2015, ban Quản lý KKT Hà Tĩnh đã chính thức ra quyết định chấm dứt, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi. Tháng 7/2018, Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh đã đứng ra phân giải khoản nợ giữa chủ đầu tư với 3 ngân hàng.
Theo đó, tòa án công nhận Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh nợ VDB gần 1.300 tỷ đồng (nợ gốc gần 590 tỷ, nợ lãi quá hạn gần 500 tỷ, phạt lãi quá hạn gần 180 tỷ), nợ Vietcombank là hơn 150 tỷ đồng (trong đó nợ gốc hơn 74 tỷ, nợ lãi quá hạn 71 tỷ đồng, phạt lãi quá hạn hơn 5 tỷ đồng), nợ BIDV hơn 115 tỷ đồng (nợ gốc hơn 49 tỷ, lãi quá hạn hơn 27 tỷ, lãi phạt quá hạn hơn 38 tỷ đồng).
Sau khi tòa án công nhận số nợ “khủng” của chủ đầu tư đối với 3 ngân hàng nói trên, chủ đầu tư không có khả năng trả nợ. Từ ngày 27/11 đến 22/12/2018, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh phải phối hợp với các cơ quan chức năng khác tiến hành cưỡng chế, kê biên toàn bộ tài sản, công trình hiện có tại Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi để tiến hành phát mại.
Do hợp đồng thế chấp giữa công ty Gang thép Hà Tĩnh với 3 ngân hàng là thế chấp tài sản hình thành trong tương lai nên việc xác định tài sản để tiến hành cưỡng chế, kê biên là các tài sản đã hình thành gồm: Thiết bị, máy móc nhập khẩu phục vụ cho việc xây dựng nhà máy liên hợp Gang thép; tài sản công trình gắn liền với quyền sử dụng đất...
Theo Chứng thư thẩm định giá số 01921646/PD của Công ty CP giám định và thẩm định giá Phương Đông (Hà Nội) toàn bộ tài sản đã hình thành của Nhà máy thép Vạn Lợi bao gồm: tài sản xác định được qua cân điện tử, thiết bị các bãi ngoài trời của nhà máy, tủ và các thiết bị điện tại kho của nhà máy và kho thuê khu B, máy móc thiết bị tại nhà kho, nhà và vật kiến trúc cùng chi phí tháo dỡ công trình, thu hồi phần thiết bị đã lắp đặt.
Tổng toàn bộ số tài sản trên được định giá hơn 108 tỷ đồng. Tức là chỉ bằng 0,072% so với tổng số nợ 1.500 tỷ đồng mà Cty CP gang thép Hà Tĩnh nợ 3 ngân hàng. Số tài sản sau khi định giá đã được Chi cục thi hành án thị xã Kỳ Anh chuyển cho Công ty đấu giá Hợp Danh Hồng Lĩnh (TP. Hà Tĩnh) tiến hành bán đấu giá, bắt đầu từ ngày 2/4 đến 23/4/2019. Mặc dù những tài sản này được đưa ra bán đấu giá với bước giá tối thiểu là 300 triệu đồng nhưng những thiết bị, máy móc này sau khi đã phơi sương gần chục năm liệu còn có giá trị nữa không hay chỉ là phế liệu?
Như vậy, 3 ngân hàng VDB, BIDV, Vietcombank Hà Tĩnh chỉ có thể nhặt nhạnh được 1 phần nhỏ so với số tiền đã bỏ ra cho vay. Điều này đồng nghĩa với việc hàng nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước không cánh mà bay. Trong khi đó, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến việc thất thoát này chưa được xử lý.