Diễn biến dịch tả lợn châu Phi: Nhiều địa phương công bố hết dịch

Minh Phương 06/04/2019 07:30

Sức tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong quý I là cả một sự nỗ lực, do phải đối diện với quá nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi hoành hành suốt hơn 2 tháng qua. Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại 23 tỉnh thành, phố trên cả nước, số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy lên đến 73.000 con. Thông tin này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tại buổi họp báo quý I năm 2019, sáng 5/4, tại Hà Nội.

Diễn biến dịch tả lợn châu Phi: Nhiều địa phương công bố hết dịch

Tiêu độc khử trùng, giữ vệ sinh chuồng trại nhằm giảm nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh cho đàn lợn.

Tăng trưởng trong khó khăn

“Tinh thần chung phải coi năm nay là năm đặc biệt khó khăn và thử thách đối với ngành nông nghiệp” - đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định ngay từ đầu năm 2019 và tiếp tục nhấn mạnh tại cuộc họp giao ban tháng 3/2019 của Bộ trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đều dự báo tăng chậm lại, cùng những khó khăn trong nước về dịch tả lợn châu Phi, biến đổi khí hậu…

Đại diện Bộ NNPTNT cho biết, mặc dù trải qua nhiều biến cố, song 3 tháng đầu năm, toàn ngành đã vượt qua khó khăn thách thức, duy trì tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất của toàn ngành Quý I ước đạt 2,69% so với cùng kỳ 2018, trong đó nông nghiệp tăng 1,93%, lâm nghiệp tăng 4,32, ước đạt khoảng 2,68%.

Theo nhận định của lãnh đạo ngành NNPTNT, sức tăng trưởng của ngành trong quý I là cả một sự nỗ lực, do phải đối diện với quá nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi hoành hành, suốt hơn hai tháng qua. Dịch bắt đầu xuất hiện đầu tiên vào tháng 2/2019 và từ đó đến nay dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 23 tỉnh, thành phố trên cả nước, tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy lên tới 73.000 con. Diễn biến phức tạp của dịch đã ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi lợn nói riêng và toàn ngành chăn nuôi nói chung.

Tuy nhiên, theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, mặc dù dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, song đến nay có 3 ổ dịch đã qua hơn 30 ngày mà chưa phát sinh ổ mới, 3 ổ dịch đủ điều kiện để công bố hết dịch nằm tại xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội và xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Ông Tiến cho biết thêm, sắp tới sẽ có thêm một số ổ dịch tại tỉnh Hoà Bình cũng qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh mới. Như vậy, đối với các ổ dịch đã 30 ngày mà không phát sinh lợn mắc bệnh thì có đủ điều kiện để công bố hết dịch.

Với các địa phương công bố hết dịch, ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, các địa phương này được phép vận chuyển lợn sống và tiêu thụ sản phẩm từ lợn tự do. Tuy nhiên, trong nội tỉnh vốn không có quy định về kiểm dịch (từ huyện nọ sang huyện kia) còn từ tỉnh này sang tỉnh kia thì có kiểm dịch thú y. Trong thời gian công bố dịch, các ổ dịch đều có chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn tình trạng tiêu thụ lợn bệnh.

Diễn biến dịch tả lợn châu Phi: Nhiều địa phương công bố hết dịch - 1

Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học có thể bảo vệ được đàn lợn trước mọi loại dịch bệnh. Ảnh: TL.

Chăn nuôi sinh học sẽ bảo vệ được đàn lợn

Việc công bố hết dịch sẽ tạo điều kiện cho người dân có thể vận chuyển lợn đi nơi khác tiêu thụ, thúc đẩy giao thương, đồng thời có thể tái đàn theo quy định. Tuy nhiên, ông Thành cũng khuyến cáo, người chăn nuôi chỉ nên tái đàn 10% so với tổng đàn, nếu không phát sinh dịch thì mới tiếp tục tái đàn.

Nhiều câu hỏi của phóng viên đặt ra xoay quanh việc: Hiện chúng ta vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, bệnh dịch này chưa có phác đồ điều trị cũng như vắcxin phòng chống. Vậy cách nào để chúng ta có thể hạn chế thấp nhất những rủi ro cho ngành chăn nuôi cũng như cho toàn nền kinh tế?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, do chưa có vắcxin cũng như chưa có biện pháp hữu hiệu nào để xử lý triệt để dịch này, nên chúng ta cần xác định phải “sống chung với dịch”.

Ông Tiến nêu rõ, nước láng giềng Trung Quốc đã bùng phát dịch tả lợn châu Phi lây lan ra 28 tỉnh thành với số lợn bị tiêu hủy rất lớn. Nước ta có đường biên giới dài với Trung Quốc, có nhiều đường mòn lối mở, thế nhưng chúng ta đã kiểm soát dịch một cách khá hiệu quả. Số lợn tiêu hủy cũng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với tổng đàn.

“Các ổ dịch chủ yếu được phát hiện ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, thiếu phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Còn các trang trại lớn đều không xảy ra dịch. Như vậy, có thể thấy, chỉ cần áp dụng một cách nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học có thể sẽ bảo vệ được đàn lợn trước mọi loại dịch bệnh” - ông Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng đề nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cần tăng cường hơn nữa các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là bảo vệ nghiêm ngặt đối với đàn nái. Để sau khi hết dịch thì có đủ lợn giống phục vụ nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi.

“Đối với các hộ chăn nuôi nông hộ cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch như phun thuốc tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột. Đặc biệt, người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp trên từ khu chăn nuôi ra ngoài đường, tránh mầm bệnh xâm nhiễm vào khu vực chuồng trại nuôi” - ông Tiến khuyến cáo.

Liên quan đến việc người dân gặp khó khăn trong việc nhận tiền hỗ trợ đàn lợn bị tiêu huỷ, ông Đàm Xuân Thành cho rằng, việc này là trách nhiệm của UBND các tỉnh.

Theo lãnh đạo Bộ NNPTNT, do chưa có giải pháp nào một cách triệt để dập dịch hoàn toàn, nên thời gian tới, ban chỉ đạo vẫn tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch như đã và đang làm thời gian qua, không thể buông lọng nếu không hậu quả sẽ khó lường.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, mặc dù dịch tả lợn Châu Phi vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, song đến nay đã có 3 ổ dịch qua hơn 30 ngày mà chưa phát sinh ổ mới, 3 ổ dịch đủ điều kiện để công bố hết dịch nằm tại xã Đức Hợp, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên; phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội và xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.

Minh Phương