Nhớ Nguyễn Minh Châu
Nguyễn Minh Châu, nhà văn với nhiều tác phẩm xuất sắc về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính như: Dấu chân người lính, Cửa sông, Cỏ lau, Lửa từ những ngôi nhà, Mảnh trăng cuối rừng đã đạt đến những chuẩn mực trong sáng tạo hình tượng dưới nhiều góc độ.
Ở các tác phẩm của ông, có thể là niềm kiêu hãnh về chiến thắng, có thể là sự thăng hoa lãng mạn vượt cả những biên độ bình thường, có khi là nỗi đau chiến tranh, nỗi đau nhân thế và cả những dự báo khắc nghiệt. Nhưng dù thế nào trong sáng tác văn xuôi của Nguyễn Minh Châu, tính nhân văn vẫn là một sợi chỉ xanh (nói theo cách của ông) xuyên suốt và lấp lánh.Bình minh đầu xuân nơi cửa sông làng Thơi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) mặt nước thẫm bạc. Nơi đây gần chín mươi năm về trước một người con nhỏ bé của làng đã chào đời, người con ấy là nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Những nhà văn mặc áo lính ở bức ảnh đen trắng lớn trong phòng khách Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã vắng nhiều người. Ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế như một ngôi đền thiêng của những người cầm bút. Ở đó có Thanh Tịnh, Vũ Cao, Chính Hữu, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu... những cá tính, những tài năng văn chương từng góp phần tạo nên diện mạo một nền văn học cách mạng.
Căn phòng ông từng ở mọi thứ như còn nguyên vẹn. Khung cửa sổ có tán cây xanh, nơi ông thường nhìn xuống, nhìn rất lâu, rất lâu như chờ đợi một cái gì xảy đến. Bây giờ tất cả vẫn còn nguyên.
Bạn văn của Nguyễn Minh Châu vẫn còn, thế hệ sau tiếp vào thế hệ trước. Văn chương và cuộc đời có một sức hút kỳ lạ, nó thầm thì, lặng lẽ, ngấm sâu vào bè bạn, vào cuộc đời.
Nguyễn Minh Châu có một khối lượng tác phẩm khá đồ sộ. Sách của ông giản dị, trần trụi, mộc mạc đến đôi lúc xuề xòa, nhưng dẫn dụ, mê hoặc người đọc các thế hệ nhờ một tấm lòng trắc ẩn kiêu hãnh của nhà văn, một nhà văn trung thực.
Chiến trường là nơi vẫy gọi ngòi bút và trái tim của các nhà văn mặc áo lính. Nguyễn Minh Châu học khóa 6 Võ bị Trần Quốc Tuấn. Ông từng là cán bộ tham mưu cấp tiểu đoàn của đại đoàn 320. Trong điệp trùng những dấu chân chiến sĩ đại đoàn 320 những năm 1950 ngược xuôi mấy tỉnh đồng bằng, lên chiến khu, tham gia các chiến dịch lớn nhỏ trong kháng chiến chín năm biết bao gian khổ, có dấu chân của người con làng Thơi, con của chợ Ngò, chợ Giát. Thời gian đó đã góp phần làm nên một Dấu chân người lính đặc sắc. Khi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông tiếp tục bôn ba chiến dịch, các nẻo đường đông tây mấy ngả Trường Sơn để có một Miền cháy, Lửa từ những ngôi nhà, Cỏ lau dữ dội hay một Mảnh trăng cuối rừng lung linh, huyền ảo như một bài thơ.
Ông hóa ra lại là người sớm có mặt ở Trường Sơn. Thậm chí chỉ bằng vào truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng đã đủ thấy tài năng và tâm huyết của Nguyễn Minh Châu với con đường huyền thoại. Trong tâm hồn lứa tuổi học trò, các sinh viên nhiều thế hệ hẳn luôn thấm đẫm một mảnh trăng cuối rừng ngân nga như một sợi chỉ xanh đọng lại. Cái cách đi thực tế, cái cách đến với bộ đội Trường Sơn của Nguyễn Minh Châu cũng rất lạ lùng. Và cuối cùng là tác phẩm, cái căn cốt làm nên một nhà văn ở Nguyễn Minh Châu cũng không giống bất cứ ai. Ông là một nhà văn Trường Sơn đặc biệt với những Dấu chân người lính, Những người đi từ trong rừng ra, Những cánh rừng đầy giấy bay... Chỉ có Nguyễn Minh Châu mới có những ứng xử vẻ ngoài lặng lẽ đến ngu ngơ nhưng vô cùng sắc sảo trong văn chương và cũng ông, với mẫn cảm nghề nghiệp đặc biệt của mình, đã có những dòng viết đầy tâm trạng về những người lính, trong đó có những người lính Trường Sơn: “Những người đồng đội từ trong các cánh rừng chiến tranh gần trong gang tấc bước ra và đến ngồi bên tôi kia bao giờ cũng mang một dáng vẻ vừa hư vừa thực... Nhưng đời sống trong những khu rừng mà cả nhân dân ta đến làm tổ, từ đó trong hàng chục năm làm chỗ đi và về cho việc đánh giặc, lại có những người lính chỉ biết im lặng, cứ lùi lụi phát rẫy, đào hầm làm lán và đánh giặc, không hay nói, không thạo nói, chỉ biết đỏ mặt và ngượng, họ quen im lặng như đất cát, họ là số đông các anh em bộ đội mình ra đi từ các làng quê bình dị và khiêm tốn. Họ từ đồng ruộng quê hương đến với rừng như một kẻ xa lạ và ra đi như một người thân thuộc, sau khi để lại cả một thời trai trẻ”.
Ngòi bút Nguyễn Minh Châu là ngòi bút hiện thực. Ông chưa bao giờ khoan nhượng trước cái xấu, cái ác và ngòi bút ông, ở một phía nào đó, đã tuyên chiến, xung phong đương đầu trực diện với nó, phơi nó ra một cách đầy ý thức. Ông bảo vệ cái thiện vốn đôi khi ngu ngơ, yếu ớt và đầy sơ hở trước cái ác, cái xấu mưu mô quỷ quyệt quá chừng. Những sáng tác đặc sắc của ông phải là ở thời kỳ những năm tám mươi với Khách ở quê ra, Phiên chợ Giát, Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành mới biểu hiện rõ ràng nhất tài năng văn chương ông. Phiên chợ Giát hôm nay đâu đó vẫn còn lão Khúng, vẫn những ông bà nông dân khu IV với bản tính lương thiện của mình. Họ bè bạn với con trâu, con bò, bè bạn với cái cày, lưỡi cuốc trên đồng đất của mình, vật lộn, mưu sinh với đói nghèo truyền kiếp và lương thiện. Chao ôi, các nhân vật nông dân của Nguyễn Minh Châu lương thiện lắm - sự lương thiện nguyên sinh - không bao giờ cái xấu, các ác vùi dập được. Chợ Giát hôm nay vẫn họp phiên, vẫn vá víu những rách lành, vẫn lam lũ những trâu bò, những thân phận mà ông đã nhìn thấy từ trước đó, chỉ ông là đã đi xa.
Cái đặc sắc của Nguyễn Minh Châu là khả năng đọc đời sống đến tận tầng bản chất cuối cùng. Cửa sông, một cuốn tiểu thuyết đặc sắc của Nguyễn Minh Châu mà không khí của nó là không khí của biển. Cửa sông làng Thơi quê ông là cửa biển thật. Những con thuyền ra với biển khơi đọ cùng bão tố. Len lỏi ở đó là những chiếc thuyền thúng với vài đứa trẻ bập bềnh. Bao nhiêu năm vẫn y nguyên như thế. Ở đâu cũng bắt gặp những người lính trở về làng từ chiến tranh, họ lại đói nghèo, lam lũ... Làng Thơi cũng thế. Họ lại ra với biển, và kỳ lạ, họ nhớ đến ông.
Con người thật nhỏ bé trước thiên thiên và một đời người so với toàn bộ thời gian thật vô cùng ngắn ngủi. Ngôi nhà nơi xóm nhỏ lưu giữ tuổi thơ im lặng của cậu bé Nguyễn Minh Châu đã hơn hai trăm năm tuổi. Ngôi nhà trầm mặc nhớ cậu bé Châu nghịch ngợm thuở nào. Ông đã ra đi. Ngôi nhà vẫn còn đó như một đợi chờ, một chứng minh về tổ tiên ông, về ông và các thế hệ con cháu. Ngôi nhà của ông sao quá giống một ngôi chùa. Lại khi về nhà số 4 Tạp chí Văn nghệ Quân đội vẫn hơi hướng của đình chùa. Dạo đã lâm vào trọng bệnh, Nguyễn Minh Châu từng ở chùa mấy năm để chữa cũng là một sự kỳ lạ.
Văn chương Nguyễn Minh Châu được đưa vào giảng dạy nhiều ở nhà trường, những Mảnh trăng cuối rừng, Bức tranh, Cỏ lau... sau độ lùi thời gian đã chứng tỏ sức sống độc lập và kiêu hãnh. Bây giờ, vẫn còn rất nhiều, rất nhiều cô cậu sinh viên mê văn chương Nguyễn Minh Châu. Trong số những gương mặt trẻ trung trên giảng đường đại học hôm nay, ai là Nguyệt, là Lãm, là Hằng của hôm qua? Ánh trăng xanh của ông đã rọi xuống bao nhiêu năm và sẽ tỏa sáng bao nhiêu năm nữa trên các trang sách trong những mái đầu xanh mát. Nghệ thuật văn xuôi Nguyễn Minh Châu là thứ nghệ thuật cần thiết của đời sống.
Gần ba mươi năm công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nguyễn Minh Châu cùng với các bậc đàn anh Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Thi... luôn luôn là tấm gương trong sáng tác và công tác. Những chồng bản thảo ố vàng nước thời gian minh chứng những nhọc nhằn, ghềnh thác của nghề viết. Viết với Nguyễn Minh Châu là tối cần thiết, tối quan trọng, là thể hiện quan điểm sống, nhân cách sống của nhà văn. Viết, dẫu chỉ một câu, một chữ, là nhu cầu tự thân sâu thẳm và mãnh liệt của trái tim ông. Ông rất cẩn trọng với nghề và luôn luôn tự răn mình: “Viết ngắn! Nhưng cuộc sống phải dài”. Đó là phương châm sáng tác của Nguyễn Minh Châu.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Người con làng Thơi đã đi trọn con đường đời của mình với những ngẫm ngợi riêng, đóng góp riêng vào ngôi đền văn học. Cuộc đời cầm súng, cầm bút của ông, của thế hệ ông thật nhiều gian nan, thử thách. Máu và mồ hôi thế hệ ấy đã đổ xuống cho tươi xanh hôm nay, cho nụ và hoa, và trái ngọt của buổi bình minh mới.