Đừng để phải báo động mãi
Mới đây tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, từ những vụ trẻ em bị xâm hại tại nhà trường hay ngoài trường học, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra một kiến nghị từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đó là cần xử lý ở mức cao nhất có thể đối với giáo viên, những người làm việc trong nhà trường có hành vi xâm hại trẻ em.
Người quản lý cơ sở giáo dục, kể cả mầm non, nếu để xảy ra vi phạm, cũng phải chịu trách nhiệm. Bởi theo ông, “chúng ta cần xử lý nghiêm minh thì mới ngăn chặn được chuyện này".
Trên thực tế, chống xâm hại trẻ em không phải vấn đề riêng của một quốc gia nào, kể cả những quốc gia có kinh tế, dân trí, văn hóa phát triển, tiến bộ. Và Việt Nam không ngoại lệ trong số những câu chuyện như vậy. Nhưng tại nước ta có những con số đáng phải suy ngẫm. Đó là thống kê của cơ quan tư pháp cho thấy, trong khoảng 2.000 vụ bạo lực trẻ em mỗi năm thì riêng xâm hại tình dục trẻ em đã lên tới hơn 1.500 vụ. Nghĩa là số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm tới hơn 2/3 số những vụ xâm hại trẻ em, và những con số “như biết nói” cũng đang là một sự cảnh báo nhãn tiền. Nó cũng nêu lên một thực trạng nếu không có một hệ thống pháp luật đủ mạnh, nghiêm minh để điều chỉnh những hành vi thì những người “cầm cân nảy mực” là các cơ quan bảo vệ pháp luật dẫu biết bất cập song cũng không thể “phá rào”.
“Thiến hoá học với tội xâm hại tình dục trẻ em” là vấn đề đã từng đặt ra khi Quốc hội thảo luận về Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2018. Đã có rất nhiều ĐBQH đồng tình với quy định trên song vì “cần có thời gian nghiên cứu đánh giá thêm” nên đề xuất trên đã “tạm dừng” dẫu những con số “như biết nói” đề cập ở trên đã phản ánh phần nào thực tế từ đời sống. Thực tế những vụ xâm hại trẻ em trong thời gian qua, đặc biệt là xâm hại tình dục, đặt ra vấn đề cần nâng cao chế tài xử phạt hay sửa đồng bộ hệ thống pháp luật để ngăn chặn tình trạng vốn đã đươc coi là “báo động”.
Ông Nguyễn Trọng An- nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH), 1 trong 10 người được tổ chức HealthRight Quốc tế vinh danh vì đã có những cống hiến to lớn trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã nói thẳng băng rằng: “Phải sửa luật”. Bởi theo ông An, nếu sửa luật thì mới quy định rõ để những người cầm cân nảy mực là những cán bộ tư pháp xử lý nghiêm minh, và góp phần ngăn chặn chứ không phải tăng chế tài để “xây dựng thật nhiều nhà tù”.
Ông An cho rằng, trước hết cần sửa Luật Trẻ em năm 2016, qua đó luật phải quy định rõ vấn đề xâm hại và bạo lực trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục trẻ em. Khi có định nghĩa rồi, phải có những quy định cụ thể những điều khoản có liên quan và sau đó là Nghị định hướng dẫn thực hiện chi tiết Luật Trẻ em với quy định rõ những vấn đề đang tranh cãi hiện nay như thế nào là dâm ô trẻ em, cơ chế giám sát độc lập về quyền trẻ em để đảm bảo tính minh bạch, khách quan, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
“Thứ hai là sửa đổi Bộ luật Hình sự vì Luật Trẻ em chỉ là luật khung và chỉ viện dẫn từ các Luật Hình sự; Tố tụng hình sự; Phòng chống bạo lực gia đình, hay các nghị định xử phạt vi phạm hành chính. Và riêng Bộ luật Hình sự phải quy định rất rõ, chia khung hình phạt theo hướng “hẹp lại”, không để rộng “mênh mông” thì những người cầm cân nảy mực mới quyết định một cách chính xác khung hình phạt thay vì hiện này là theo cảm tính khiến cho luật bị nhờn và người dân không còn tin tưởng vào luật”- ông An bày tỏ.
Còn bà Trần Bích Loan- Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam nhìn nhận, sau những vụ việc xâm hại, dâm ô phụ nữ và trẻ em gái thời gian qua, với sự phản ứng dữ dội của dư luận, sẽ là kênh thông tin, để những người thực hiện pháp luật lưu tâm trong điều tra, truy tố, xét xử. Bởi bất kể hành vi nào xâm hại đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm của bất kỳ ai, đều phải bị lên án, đấu tranh để loại bỏ những hành vi sai trái ra khỏi xã hội. Lỗ hổng về pháp lý cũng là nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều phụ nữ, trẻ em gái bị xâm hại. Có nhiều kẻ lợi dụng kẽ hở này để gây bất lợi cho bên yếu thế. Những “lỗ hổng” đó cần sớm khắc phục để đảm bảo các điều kiện an toàn cho người dân.
“Pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay quy định có nhóm tội hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô và giao cấu, còn hành vi quấy rối tình dục chưa được đề cập rõ ràng. Hiện nay, mới chỉ có Bộ luật Lao động đề cập tới hành vi quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Song, Bộ luật này cũng chưa có khái niệm cụ thể thế nào là quấy rối tình dục. Trong khi hành vi quấy rối tình dục diễn ra ở mọi nơi như trường học, bệnh viện, công viên và các địa điểm công cộng khác, chứ không chỉ ở nơi làm việc và với các mối quan hệ xã hội đa dạng chứ không chỉ giới hạn trong quan hệ công việc”- bà Loan nói.
Hay như ông Triệu Thế Hùng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng đề cập: “Pháp luật cần bổ sung hoàn thiện so với thực tiễn, trừng phạt, chế tài cần mạnh để tính răn đe quyết liệt hơn. Trong vấn đề này cần đặt trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật; làm không tốt, không đúng cũng phải chịu xử lý của pháp luật”.
Thực tế cho thấy, nếu không có một chế tài đủ mạnh hay có một hệ thống pháp luật đủ mạnh để lấp những “lỗ hổng” thì e rằng xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục vẫn là hồi chuông đáng báo động.