Hệ lụy dịch vụ thu hồi nợ
Sự việc 3 nhân viên Công ty Hưng Thịnh (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) khi đến thu hồi nợ tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh bị các con nợ đánh bầm dập vừa xảy ra được coi là “giọt nước tràn ly”. Bởi, từ nhiều năm nay, thu hồi nợ xấu ngày càng trở nên phổ biến, tuy nhiên do thiếu các quy định ràng buộc khiến hoạt động này trở thành dịch vụ có rủi ro rất cao, từ đó cũng phát sinh nhiều hệ lụy.
Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh vừa ra lệnh bắt khẩn cấp các con nợ tham gia vụ ẩu đả, gây thương tích đối với các nhân viên Công ty Hưng Thịnh, trong đó có hành vi bắt các nhân viên này quỳ lạy và liên tục nhục mạ họ xảy ra tại thôn Yên Hợp, xã Yên Thọ thuộc thị xã Đông Triều vào ngày 6/4 vừa qua. Theo các nạn nhân, sau khi bị đánh bầm dập, họ còn bị bắt phải nằm sấp dưới nền nhà xưởng để quay video, sau đó tung lên mạng xã hội.
Ngoài ra, các nhân viên đòi nợ cũng cho biết, dù kế hoạch thu hồi nợ, cũng như các văn bản pháp lý đều đúng theo quy định của pháp luật, thế nhưng chính họ cũng không ngờ gặp phải phản ứng thái quá, coi thường tính mạng và quy định pháp luật của các con nợ. Rất may là nhờ làm việc từ trước với Công an địa phương mà lực lượng chức năng đã kịp thời cử lực lượng xuống hiện trường, phối hợp với Công an thị xã Đông Triều giải cứu 3 nhân viên này và đưa họ đi cấp cứu.
Vụ ẩu đả xảy ra ở thị xã Đông Triều không phải là cá biệt. Nhiều vụ việc tương tự liên quan đến thu hồi nợ xấu lấy pháp nhân là cá nhân, tổ chức, hay ngay cả các Ngân hàng Nhà nước cũng gặp phải những tình huống nguy hiểm đến tính mạng. Dù chính danh hay không chính danh thì chính các công ty có chức năng dịch vụ thu hồi nợ đều gặp phải các rủi ro về pháp lý.
Cách đây chưa lâu, các nhân viên của Công ty CP đòi nợ An Khang (cũng có địa chỉ tại TP HCM) thực hiện theo nội dung hợp đồng đòi số tiền trên 5,5 tỷ đồng mà một công ty ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã nợ Công ty CP Lọc hóa dầu Việt Nam. Thế nhưng, qua tin báo cũng như xác minh từ phía cơ quan chức năng địa phương thì chính các nhân viên này lại có hành vi không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an ninh, trật tự đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vậy nên, thay vì được các chế tài về thu hồi nợ bảo vệ, họ lại gặp phải rắc rối khi bị Công an TP xử phạt hành chính trên lĩnh vực này.
Ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh phía Nam thời gian qua cũng xảy ra các tình huống tương tự nên nhân viên kinh doanh dịch vụ đòi nợ “hổ báo” phải đi thành từng đoàn lớn. Họ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục mang màu sắc “xã hội đen, đầu gấu” để đi thu nợ. Đây là vấn đề không chỉ liên quan đến các khía cạnh luật định mà còn có tác động đến văn hóa và đạo đức xã hội, rất dễ xảy ra các tranh chấp. Chính vì vậy, vấn đề thu hồi nợ sẽ còn là vấn đề nóng bỏng của xã hội hiện đại trong những năm tới đây.
Thời gian qua đã diễn ra nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề để đề xuất về việc phải bổ sung quy định trách nhiệm đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ, qua đó tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ của ngành công an đối với hoạt động này. Thế nhưng, dù luật có quy định rõ ràng hơn thì nhiều trường hợp “phép vua vẫn thua lệ làng”.
Đó là ở nhiều địa phương, dịch vụ thu hồi nợ vẫn được coi là loại hình nghề nghiệp nhạy cảm và không nhận được sự thiện cảm từ xã hội. Khi không am hiểu về pháp luật, dù trong tư thế là người sai trước (vay nợ không trả tiền) thì chính những con nợ vô hình trung được cộng đồng bao che cho cái sai của mình.
Lúc này, những người thực hiện chức năng chế định được pháp luật cho phép, có đăng ký kinh doanh, lại phải đối mặt với những rủi ro dở khóc dở cười, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Như vậy không phải là dừng việc bổ sung, sửa đổi các quy định của hoạt động dịch vụ kinh doanh này, mà vẫn phải hướng tới chế tài hiệu quả hơn đối với một nhu cầu ngày càng gia tăng này của xã hội.
Có thể nói, việc xảy ra những vụ việc đáng tiếc, gây bức xúc ở Quảng Ninh và Cần Thơ thời gian qua chính là những cảnh báo thực sự cần sự nghiêm túc nhìn nhận của các bên liên quan. Từ vụ việc này cho thấy nhiều bất cập liên quan đến loại hình dịch vụ thu hồi nợ. Cùng với đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước còn rất mờ nhạt. Nếu chỉ khi nào xảy ra hậu quả, lực lượng công an mới tham gia xử lý để ổn định an ninh trật tự xã hội thì đã quá muộn. Các bên đều có thể đã bị đe dọa trực tiếp đến tính mạng hoặc bị chiếm đoạt tài sản một cách bất hợp pháp. Về phía bản thân người dân khi gặp vào tình huống “con nợ” chây ỳ không trả tiền cũng phải nhận thức đúng về dịch vụ thu hồi nợ mà mình chọn lựa có khả thi hay không.