Kiện phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp ứng phó cách nào?
Hội nhập càng sâu rộng, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam càng đối diện với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại. Giới chuyên gia đánh giá, tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng, việc các quốc gia sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa trong nước là điều khó tránh.
Ngành thép hiện đang chịu nhiều nhất các cuộc điều tra PVTM.
Hơn 100 vụ kiện phòng vệ thương mại
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), tính đến thời điểm hiện tại, đã có 128 vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) được khởi xướng điều tra bởi 17 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, nước khởi xướng điều tra nhiều nhất phải kể đến Mỹ với 25 vụ, chiếm 20%; thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (19 vụ, chiếm 15%); thứ ba là Ấn Độ (15 vụ, chiếm 12%) và thứ tư là EU (14 vụ, chiếm 11%). Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (77 vụ việc, chiếm 60%); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (23 vụ, chiếm 18%); thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (17 vụ việc, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (11 vụ việc, chiếm 9%).
Nhận định về vấn đề này, lãnh đạo Cục PVTM cho hay, việc nền kinh tế mở, hội nhập sâu rộng sẽ dẫn đến nhiều sản phẩm hàng hóa xuất khẩu bị đưa vào diện “điều tra” bằng cách sử dụng các biện pháp PVTM. Đó là cách để thị trường nhập khẩu bảo vệ hàng hóa trong nước. Điều này cũng là quy luật chung của thị trường.
Theo ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục PVTM, hàng hoá là đối tượng bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM vô cùng đa dạng, từ các mặt hàng nông, thủy sản cho đến các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Nếu như trước đây, chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thuỷ sản, da giày mới bị kiện thì nay, thị trường quốc tế “soi” ngay cả những mặt hàng có kim ngạch nhỏ. Có thể nói, bất cứ hàng hoá xuất khẩu nào cũng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra áp dụng PVTM.
Đi tìm nguyên nhân dẫn đến việc hàng hóa Việt Nam luôn phải đối mặt với hàng loạt các vụ kiện PVTM, đại diện Cục PVTM cho hay: Tiến trình tự do hoá thương mại toàn cầu ngày càng sâu rộng, các hàng rào thương mại truyền thống như thuế quan dần dần được dỡ bỏ, các cam kết mở cửa thị trường được đẩy mạnh cùng với sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các biện pháp PVTM ngày càng được sử dụng nhiều. Các nước sử dụng những biện pháp đó như một công cụ hợp pháp để bảo hộ sản xuất trong nước.
Có thể thấy, lâu này hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa khi nào được “thuận buồm xuôi gió” bởi, khi bước chân vào thị trường thế giới, chắc chắn các sản phẩm xuất khẩu không thể tránh được sự bảo hộ của các quốc gia nhập khẩu. Bà Nguyễn Thị Thùy Dung – Trưởng phòng PVTM Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thực tế phần lớn các vụ kiện PVTM mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt đều xuất phát từ việc các nhà sản xuất ở thị trường nhập khẩu cảm thấy bị đe dọa khi phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. “Điều này cũng đồng nghĩa rằng, khi sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu càng lớn thì nguy cơ bị kiện càng cao. Không có một quốc gia nào có thể hoàn toàn loại bỏ nguy cơ bị kiện” – bà Dung cho hay.
Dệt may nằm trong nhóm những sản phẩm hàng hóa xuất khẩu bị kiện phòng vệ thương mại. (Ảnh: TTXVN).
Để doanh nghiệp có thể ứng phó
Trước những nguy cơ đối diện với các vụ kiện PVTM mà các quốc gia áp lên hàng hóa nhập khẩu, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương đã chính thức ký Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025” (Chương trình tổng thể về PVTM).
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là các biện pháp được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hiệp định thương mại tự do và pháp luật của các nước cho phép sử dụng nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước. Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thì các biện pháp PVTM đang trở thành công cụ chính sách quan trọng góp phần tăng cường hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước xu thế này, Chương trình tổng thể về PVTM được Bộ Công thương đưa ra nhằm giúp các DN có thể sử dụng như một tấm “bùa hộ mệnh” để có thể đối phó với những “cạm bẫy” PVTM mà thị trường quốc tế “giăng” ra bất cứ lúc nào. Chương trình này nêu rõ các cơ chế, chính sách về các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các ngành công nghiệp cần gắn liền với chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chương trình tổng thể về PVTM đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ về: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách và thể chế về PVTM; tăng cường thực thi các quy định pháp luật về PVTM; nâng cao năng lực sử dụng biện pháp PVTM cho ngành công nghiệp trong nước; nâng cao năng lực về PVTM của các cơ quan quản lý nhà nước; và tăng cường bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp để ứng phó với các vụ việc PVTM của nước ngoài.
Các nhóm nhiệm vụ trên được cụ thể hóa thành các chương trình, hoạt động cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu chính là hỗ trợ phát triển, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc gia; tận dụng tối đa điều kiện thuận lợi của các hiệp định thương mại tự do; nâng cao năng lực sử dụng biện pháp PVTM; ứng phó hiệu quả các vụ kiện PVTM nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước; nâng cao kiến thức về PCTM cho cán bộ, công chức, nhân viên ở cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Theo chương trình này, Cục PVTM, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ làm đơn vị đầu mối đôn đốc, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Chương trình tổng thể về PVTM.