Kỷ niệm Chiến thắng Bạch Đằng: Di tích bao bọc bởi những truyền thuyết
Bên dòng Bạch Đằng giang, dân tộc ta đã 3 lần chiến thắng oanh liệt giặc ngoại xâm, khẳng định độc lập, chủ quyền của đất nước.
Năm 938, Ngô Quyền chỉ huy quân và dân ta đánh tan quân xâm lược Nam Hán, kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc, Năm 981, dưới sự chỉ huy của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, quân và dân ta đã đánh bại quân xâm lược nhà Tống, bảo vệ vững chắc bờ cõi nước nhà; Mùa xuân năm 1288 quân và dân Đại Việt dưới sự chỉ huy của Quốc công Tiết chế Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, cùng Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông tiêu diệt, bắt sống toàn bộ đạo binh thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy…
Rước kiệu Rồng khai mạc Lễ hội truyền thống Bạch Đằng 2019.
Đó là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng, di tích chiếm một vị trí đáng kể trong quần thể các di tích lịch sử, văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Phần lớn trong số đó đã được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp quốc gia, như các đình, đền, miếu, bãi cọc v.v... Ngoài những giá trị đặc sắc về lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, thì yếu tố đáng kể làm nên giá trị của các di tích chính là những truyền thuyết bao quanh nó...
Câu chuyện đầu tiên chúng tôi muốn đề cập, đó là hai cây lim Giếng Rừng, đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Cho tới thời điểm này, các nhà nghiên cứu lịch sử đã xác lập được một số bãi cọc do Trần Hưng Đạo bố trí năm xưa, như bãi cọc Yên Giang (phường Yên Giang), bãi cọc Vạn Muối (phường Nam Hoà) v.v... Tuy nhiên, có thể câu chuyện về trận địa cọc lim Trần Hưng Đạo cho quân cắm xuống sông Bạch Đằng sẽ rất khó cho mọi người hình dung nếu như không còn sót lại hai cây lim này. Tận mắt nhìn hai cây lim, rồi thăm di tích bãi cọc, người xem sẽ thấy câu chuyện lịch sử cách đây 720 năm như gần gũi với thực tế hơn. Ngoài ra, một số địa danh cổ xung quanh phường Quảng Yên còn được bảo lưu đến ngày nay càng làm cho những giả thuyết rằng vào thời Trần, phường Quảng Yên bây giờ vốn là một rừng lim bạt ngàn ngày càng trở nên có sức thuyết phục hơn; đó là những cái tên Giếng Rừng, Chợ Rừng, Bến Rừng...
Với những di tích còn lại trong cụm di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, mà chủ yếu là đền, chùa, đình, miếu, một điều đáng chú ý là các truyền thuyết thường hết sức dân dã. Đền Trung Cốc, phường Nam Hoà còn lưu tích rằng: Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão trong một lần đi thị sát địa hình, chuẩn bị cho việc bố trí bãi cọc trên sông Bạch Đằng, tới đây chẳng may thuyền của hai ông bị mắc cạn, phải huy động dân chài và binh lính tới kéo ra. Về sau, tưởng nhớ tích xưa và ghi công ơn hai ông, dân làng đã lập đền thờ.
Vì vậy, tới nay trong đền vẫn thờ hai vị thần chủ là Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão. Gần giống như vậy, thần tích đình Trung Bản, xã Liên Hoà kể lại rằng: Trong khi đi thị sát địa hình để chuẩn bị chiến trường, Trần Hưng Đạo đã dừng lại ở một gò cao để ngắm địa thế, một cơn gió thổi qua khiến búi tóc của ông xổ ra. Ông bèn chống gươm xuống đất và búi lại tóc. Sau chiến thắng Bạch Đằng, để ghi nhớ công ơn của Trần Hưng Đạo, dân làng bèn lập miếu thờ. Về sau, ngôi miếu dần chuyển thành đình nhưng tượng thờ Trần Hưng Đạo thì không thay đổi, đó là mô phỏng ông trong tư thế ngồi, tay trái đặt lên đùi, tay phải đang cầm cây trâm, mái tóc phía sau dài xoã xuống ngang lưng. Theo đánh giá của nhiều nhà nhiên cứu mỹ thuật, thì đây là pho tượng về Trần Hưng Đạo đẹp nhất ở Việt Nam.
Cũng liên quan tới chiến thắng Bạch Đằng nhưng truyền thuyết ở đình Đền Công (nay thuộc TP Uông Bí) lại khác đôi chút. Chuyện rằng sau khi bố trí xong trận địa cọc, Trần Hưng Đạo chưa tìm ra được địa điểm để bố trí nơi phóng hoả công. Bỗng một đêm nọ ngài được 4 vị thần là Cao Sơn Quý Minh, Nam Hải tôn thần, Phi Bồng tướng quân và Bạch Thạch tướng quân báo mộng cho như thế, như thế... Sau khi thắng lợi, Trần Hưng Đạo bèn sửa soạn lễ vật tế tạ thần, cho lập miếu thờ và đổi tên đất ấy thành Đền Công (ý nói đền đáp công lao các vị thần). Lâu dần tên ấy đã bị gọi chệch đi nên khi thành lập xã, người ta đã gọi là xã Điền Công và miếu Đền Công cũng dần thay đổi, chuyển thành đình Đền Công.
Nghi lễ rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo trong lễ hội.
Bên cạnh đó, có di tích không nằm trong quần thể di tích chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 nhưng vẫn có truyền thuyết liên quan, đó là trường hợp của miếu thờ Phạm Nhan, trong khuôn viên chùa Hưng Học, phường Nam Hoà.
Theo truyền thuyết, Phạm Nhan vốn là một thầy phù thuỷ đi theo quân Nguyên. Y có tài “kêu gió, gọi mưa”, đặc biệt là khả năng “chém đầu này mọc đầu khác”. Quả nhiên, khi Trần Hưng Đạo bắt được y, chém đầu này y lại mọc đầu khác. Sau vì có thần báo mộng bày cho cách bôi phân gà sáp vào đao, nên Trần Hưng Đạo đã chém được đầu Phạm Nhan. Sau khi chết, thây và máu của Phạm Nhan hoá thành đỉa và những loài côn trùng chuyên hút máu người. Để được yên ổn làm ăn, dân làng đã lập cho y một ngôi miếu nhỏ. Hiện ngôi miếu này vẫn thờ chiếc ngai và mũ của Phạm Nhan và khi làng tổ chức Lễ hội đều có rước ngai và mũ của y theo sau.
Đã một thời có người hoài nghi tại sao làng Hưng Học lại thờ tướng giặc? Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu nhìn thoát lên thì mới thấy đó là một nét đẹp nhân văn, thể hiện sự bao dung của người Việt Nam. Thực tế hiện nay ở một số đình, đền trên địa bàn tỉnh như đình Quan Lạn, huyện đảoVân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) cũng có thờ người nước ngoài, đó là truyền thuyết về “Tứ vị Thánh nương” vốn là hoàng hậu và các công chúa nước Tống (Trung Quốc, thế kỷ XI), vì chạy loạn giặc Nguyên chẳng may chết đuối, dân làng thương xót bèn lập miếu thờ và tôn làm thành hoàng làng...
Trở lại vấn đề trên, một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đó là miếu Vua Bà và câu chuyện bà hàng nước. Chuyện rằng, khi Trần Hưng Đạo đi thị sát chuẩn bị cho trận địa mai phục trên sông Bạch Đằng, ông đã được bà hàng nước bên bến đò An Hưng mách cho lịch triều con nước, địa thế lòng sông và cách đánh hoả công. Sau khi thắng trận Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo trở lại bến đò tìm bà hàng nước để tạ ơn nhưng không thấy bà đâu nữa. Ông bèn xin vua Trần phong cho bà là Vua Bà và cho lập miếu thờ ngay tại bến đò xưa. Có một chi tiết rất hay trong truyền thuyết này, đó chính là nhân vật bà hàng nước, từ vị thế của người dân đã được triều đình thừa nhận, tôn lên làm vua - Vua Bà. Đây là một trường hợp khá hiếm trong tín ngưỡng thờ thần ở Việt Nam.