Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Giá trị lịch sử và hiện thực

H.Vũ 12/04/2019 19:43

Chiều ngày 12/4, Bộ Quốc phòng tổ chức buổi họp báo giới thiệu hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng "Chiến thắng Điện Biên Phủ-Giá trị lịch sử và hiện thực" (7-5-1954 - 7-5-2019). Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì buổi họp báo.

Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Giá trị lịch sử và hiện thực

Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức chủ trì buổi họp báo. Ảnh: TTXVN.

Tại buổi họp báo, Đại tá Trương Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 25/4. Mục đích của cuộc hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định và làm rõ vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch. Ý chí, tinh thần chiếu đấu mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam, vai trò đóng góp của lực lượng vũ trang và nhân dân trên các chiến trường phối hợp, trực tiếp là lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Điện Biên. Nguyên nhân ý nghĩa, tầm vóc thắng lợi, đúc rút những kinh nghiệm và bài học lịch sử về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược. Vận dụng, phát huy những bài học quý, kinh nghiệm hay vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Theo Đại tá Hương, hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng, thiết thực hướng tới Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua hội thảo, đúc kết những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, qua đó vận dụng phát huy vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Cũng theo Đại tá Hương, hội thảo tập trung vào 3 vấn đề lớn. Thứ nhất sẽ đánh giá phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước, âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp đối với cách mạng Việt Nam 1953-1954. Khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sắc bén, sáng suốt của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt chiến cục Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Vấn đề thứ hai theo Đại tá Hương là từ việc tái hiện toàn bộ diễn biến của chiến cục Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 qua đó nêu bật được những nét độc đáo, đặc sắc về nghệ thuật quân sự và sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam, về tinh thần ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời cũng làm rõ vai trò, đóng góp của lực lượng vũ trang, của quân và dân trên các chiến trường phối hợp, trực tiếp là lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Điện Biên.

Bên cạnh đó sẽ phân tích, đánh giá tầm vóc, vai trò, ảnh hưởng và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với cách mạng Việt Nam và nhân dân các dân tộc thuộc địa trên thế giới lúc đó, đồng thời tổng kết, rút ra những bài học lịch sử có giá trị lý luận, giá trị thực tiễn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn hiện nay.

Trước vấn đề những nội dung nào sẽ được “giải mật”, Đại tá Hương cho hay các tài liệu tuyệt mật và tối mật sẽ được giải mã, trong đó nói về sự mâu thuẫn trong nội bộ Pháp lúc bấy giờ. “Không thể chúng ta vừa chiến thắng xong có thể công bố được ngay cho nên bây giờ mới công bố và trong đó khoét sâu vào mâu thuẫn trong nội bộ Pháp tại các thời điểm trước, trong và sau chiến dịch. Hay như các hoạt động tình báo của ta và của Pháp thu thập được qua những hồi ký, hồi ức,và xuất bản”.

H.Vũ