Giá trị cốt tử của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Giá trị lớn lao của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải chỉ được nhìn dưới góc độ khoa học lịch sử, mà còn cần đắm chìm trong thế giới tâm linh của người Việt, với những yếu tố huyền ảo đậm chất dân gian. Giáo sư sử học Lê Văn Lan chia sẻ cùng chúng tôi câu chuyện ấy.
GS Lê Văn Lan.
PV: Thưa Giáo sư, ở góc độ khoa học lịch sử, cho đến bây giờ chúng ta hiểu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như thế nào?
GS Lê Văn Lan: Ở góc nhìn lịch sử chúng ta có một cái mốc, nó có ý nghĩa chốt lại 2 tiến trình thờ cúng Hùng Vương. Đó là vào năm Khải Định thứ 2, tức là năm dương lịch 1917, vua Khải Định đã ra sắc dụ chuẩn y lời tâu của Tuần phủ Phú Thọ. Sắc dụ có nội dung: Chuẩn theo lời tâu của Tuần phủ Phú Thọ, việc thờ cúng Hùng Vương trước đây thường tiến hành vào mùa thu, từ nay sẽ mở hội vào ngày 10/3 âm lịch.
Như vậy có thể thấy Lễ hội Đền Hùng trước đó là vào mùa thu, đó là lễ hội thuần túy phương Nam, vì khí hậu thời tiết và công việc làm ăn nông nghiệp vào thời Hùng Vương thì lúc mùa thu ấy đang là lúc nông nhàn, cũng là lúc trông đợi mùa màng bội thu. Đó là lý do không chỉ có lễ hội mùa thu mà vào thời Hùng Vương cả lịch pháp cũng không bắt đầu năm mới vào mùng 1 tháng Giêng mà vào mùa thu.
Sắc dụ của Vua Khải Định cho ta một thông tin thú vị. Năm 1917, Tuần phủ Phú Thọ tâu cho mở hội vào ngày 10/3 âm lịch, Vua Khải Định chuẩn y và điều đó có nghĩa là vào đời ông vua “nghe đồn Khải Định nịnh Tây” thì lại đã ra được một quyết định đánh dấu cả một kỷ nguyên thứ 2 của việc thờ cúng Tổ tiên được đi vào ổn định. Đó là lễ hội mùa xuân 10/3 âm lịch. Việc Thờ cúng tổ tiên ở Đền Hùng vào ngày 10/3 chỉ có từ năm 1917.
Về khảo cổ học, những phát hiện ở đây cho thấy điều gì, thưa ông?
- Bây giờ chúng ta đang có một ngọn núi Hùng với nhiều huyền thoại mang ý nghĩa triết học cực kỳ hay. Chứ lúc đầu nó không phải là tên là núi Nghĩa Lĩnh, cũng không có tên là Hy Cương (tên ngôi làng chân núi), mà lúc đầu có tên là núi Đầu Trâu, rất dân dã, rồi có tên là núi Cả, làng dưới chân núi là làng Cả, là chủ nhân của ngọn núi này, là chủ nhân của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Ở làng Cả vào thế kỷ 15 có đền thờ Kính Thiên Lĩnh điện - nghĩa là bây giờ chúng ta chỉ tìm thấy dấu vết từ thế kỷ 15, có ngôi đền chính thức thờ cúng Hùng Vương trên đỉnh núi. Khi chúng ta đào khảo cổ trên núi này thì vết tích xưa nhất về mặt kiến trúc là có toà miếu nguyên sơ ở trên đỉnh núi, gồm 4 cột đá, vết tích thờ Hùng Vương lúc đầu chỉ thô sơ thế. Buổi đầu có 1 toà miếu thô sơ gồm 4 cột đá, thời Lý Trần có thêm 1 cái chùa, đến thời Lê sơ mới bắt đầu có 1 hệ thống 3 ngôi đền và muộn nhất là mộ tổ được xây dựng vào thế kỷ 19.
Như vậy có thể thấy việc thờ cúng Hùng Vương để lại dấu tích mà chúng ta còn tìm thấy được vừa có niên đại muộn, vừa mang ý nghĩa tượng trưng.
Tuy nhiên, thưa ông, cho dù vậy, giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang một ý nghĩa khác, lớn hơn những con số sử học và dấu vết khảo cổ học?
- Đó chính là bởi vìTín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt được vào cái chủ đề cực kỳ quan trọng đối với nước Việt, với người dân Việt, với cõi tâm linh của người dân Việt. Chỉ có Việt Nam mới có hình thức tín ngưỡng thờ tổ tiên chung của cả dân tộc. Ta có tổ tiên của dòng họ, của cả một làng, nhưng không ở đâu có tổ tiên chung của cả một nước. Biểu tượng núi Hùng thỏa mãn cái văn hóa đặc sắc trong cõi tâm linh của người Việt cho nên nó cộng hưởng cùng nhau mà tạo ra được Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Đến thời đại của chúng ta, có một cái mốc cũng rất quan trọng ở Đền Hùng.
Thưa Giáo sư, đó là…?
- Vào tháng 9/1954, chuẩn bị Giải phóng Thủ đô, Cụ Hồ đã chọn thời điểm đó để tuyên ngôn một câu nói “khủng khiếp”, sử học phải bò ra mà phục Cụ ở chỗ lần đầu tiên Cụ tổng kết được quy luật của lịch sử, trước năm 1954 chưa ai nói điều đó. Ấy là dựng nước đi đôi với giữ nước, chỉ trong một câu thôi: “Các vua Hùng có công dựng nước / Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Câu ấy đáng khâm phục, còn đáng phục cả ở chỗ chọn thời điểm và địa điểm để ra tuyên ngôn ấy.
Một tuyên ngôn cực kỳ quan trọng, chính xác. Trước đó chưa ai nói được còn sau này chúng ta có viết gì cũng chỉ để minh họa cho câu nói ấy thôi: Dựng nước và giữ nước đi đôi với nhau.
Rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng.
Thưa Giáo sư, như vậy cho đến bây giờ chúng ta nhìn lại đối với quốc gia, dân tộc và trong tâm thức mỗi người dân thì giá trị lớn nhất mà hệ thống Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng mang lại là gì?
- Nó có ý nghĩa cốt tử, quan trọng. Tháng Giêng năm 1789, Vua Quang Trung làm nên Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Thì đến tháng 2, Nguyễn Huệ đã có một sắc chỉ gửi về làng Hy Cương dưới chân núi Hùng, nội dung đại ý là: Phải cẩn trọng thờ cúng tổ tiên để cho “mạch nước được vững bền”. Sắc chỉ ấy hiện giờ làng Hy Cương vẫn kính cẩn gìn giữ. Như vậy ta có thể thấy thế giới tâm thức folklore không cần bám vào những số liệu chính xác của khoa học lịch sử, mà chỉ cần ước nguyện, ý muốn, tấm lòng. Và thế là lịch sử đấy. Cái lịch sử Việt Nam nó có cái lạ như thế đấy. Bây giờ đừng đem tư duy lý tính, tư duy khoa học của thời nay mà áp vào đó, mà phải đắm mình vào cái thế giới tâm linh cổ truyền dân tộc ở cái thời trung cổ ấy. Đấy mới là vấn đề để bây giờ ta nhận hiểu về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Các vị nhân sĩ của cuối phong trào Cần Vương như Nguyễn Quang Bích (Ngô Quang Bích con nuôi họ Nguyễn) và đặc biệt con trai của Ngô Quang Bích là Ngô Quang Đoan, vận dụng khai thác chủ đề Tín ngưỡng Hùng Vương, với những câu thơ tôi không nhớ nguyên văn nhưng đại ý là nguyện xin tổ tiên phù hộ để cho đất nước này khỏi bị tan nát. Như vậy các bậc trí giả của phong trào yêu nước hậu Cần Vương đã nhận ra được và tìm thấy được ở Tín ngưỡng Hùng Vương một phương thức, một cơ sở để thực hiện chủ nghĩa yêu nước. Cho nên mới có một loạt thơ văn câu đối, khai thác chủ đề này. Tản Đà, với cái câu như “Nước nước non non/ Tổ tổ tông tông…” là trong khúc này. Đó là một lát cắt thời gian mà Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được khai thác và rất hữu hiệu cổ vũ cho phong trào yêu nước rất mạnh mẽ.
Đợt thứ 2 chính là từ Cụ Hồ, với cái câu chúng ta nói của Cụ Hồ chúng ta đã bàn tới ở trên. Cùng với 2 lần Cụ về đền Hùng, một lần năm 1954 và năm 1962 về lần nữa. Mà ở lần về thứ 2 đã để lại một giai thoại cực hay. Lúc ấy Cụ Hồ phăng phăng đi từ chân núi lên tận Đền Thượng. Các cận vệ can ngăn vì sợ Cụ mệt, Cụ có trả lời 1 câu, biên bản ghi lại vẫn còn ở Bảo tàng Đền Hùng: Việc đi lên núi này cũng như việc làm cách mạng không được bỏ dở nửa chừng, đã đi là phải tới đích.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương quan trọng ở chỗ cổ vũ cho phong trào cách mạng, thống nhất đất nước, củng cố tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước. Tất cả những cái đó vô cùng quan trọng.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!