Nặng như… câu chữ

Từ Khôi 13/04/2019 13:00

Câu chữ tuy nhẹ, một mảnh giấy có thể chứa tới vài ba trăm chữ. Nhưng viết chơi thì được, chứ đem câu chữ để sáng tạo nghệ thuật thì ai dám bảo nó nhẹ? Mức độ đo “nặng” hay “nhẹ” của câu chữ không cân nặng mà đo bằng chiều dài của thời gian, của những xúc cảm trong lòng người.

Câu chữ có thể đem lại tên tuổi cho người sáng tạo, nhưng chưa chắc câu chữ ấy lại khiến người đời sau tán đồng. Trường hợp kịch bản và vở chèo “Lý Nhân Tông kế nghiệp” của nhà văn NSND Tào Mạt là một ví dụ.

Nặng như… câu chữ

Lăng mộ Thái sư Lê Văn Thịnh ở Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Lê Văn Thịnh trong vở chèo

“Lý Nhân Tông kế nghiệp” là tác phẩm thứ ba trong bộ chèo “Bài ca giữ nước” của cố tác giả Tào Mạt. Hai vở chèo trước là: “Lý Thánh Tông tuyển hiền” và “Nhiếp chính Ỷ Lan”. Bộ ba tác phẩm này được viết, dàn dựng trong khoảng thời gian từ năm 1979 đến 1985. Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần đã dàn dựng cả ba vở diễn này. Với vở “Lý Nhân Tông kế nghiệp” đích thân Tào Mạt là đạo diễn. Vì vậy, nhân vật Thái sư Lê Văn Thịnh trong kịch bản văn học và hình tượng trên sân khấu có sự đồng nhất.

“Lý Nhân Tông kế nghiệp” được Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần dàn dựng lần đầu năm 1983. Đây là thời điểm không khí đất nước vẫn còn “ám ảnh” bởi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Thậm chí đến mười năm sau, năm 1993, khi vở chèo được dàn dựng và phát sóng trên kênh truyền hình thì cũng là lúc tâm thế người dân chưa nguôi ngoai sau sự kiện đảo Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa bị cưỡng chiếm năm 1988. Người xem đa phần hỷ hả khi xem một nhân vật đại thần trong triều là hình tượng điển hình cho những kẻ tham lam, cấu kết với người nước ngoài, phá hoại đất nước, thâu tóm quyền lực và định cướp ngôi vua.

Vở diễn “Lý Nhân Tông kế nghiệp” gồm 2 hồi, 9 cảnh. Nội dung phản ánh một giai đoạn dài trong lịch sử triều Lý từ khi Lý Nhân Tông lên ngôi năm 1072 đến năm 1096, khi xảy ra vụ án Hồ Dâm Đàm.

Nội dung có thể tóm tắt như sau: Cảnh 1: Thái sư Lê Văn Thịnh xuất hiện là một kẻ nịnh thần. Bộ dạng hiểm ác và xảo ngôn. Nào dâng tôn hiệu, nào sai người lên rừng xuống biển tìm kiếm báu vật dâng vua. Trong khi đó, Thái úy Lý Thường Kiệt biểu hiện là người rất khiêm tốn.

Cảnh 2: Thái sư Lê Văn Thịnh cho người mặc cả với Hề già hát lời ca ngợi mình. Và chê Thái úy Lý Thường Kiệt. Hề già mạt sát Thái sư Lê Văn Thịnh với tên đày tớ.

Cảnh 3: Lê Văn Thịnh nghe lời kỹ nữ hát ngợi ca mình thì lấy làm thích thú, ban thưởng tiền bạc. Lại cùng tên gia nô người Đại Lý bày mưu giết vua Lý Nhân Tông để cướp ngôi. Tên Đại Lý thông báo tình hình công việc đã theo lệnh Lê Văn Thịnh đi phao lời đồng dao xuyên tạc từ câu sấm trước đây khi nhà Lý lên ngôi là “Hòa đao mộc lạc; Thập bát tử thành” ý nghĩa là: Cây nhà Lê đổ, nhà Lý mọc lên. Nay tên gia nô đổi lại thành: “Bát tứ niên lai, hòa đao mộc vinh” tức là 84 năm sau thì nhà Lý lại mất, nhà Lê lại lên ngôi. Ngụ ý là vua Lý Nhân Tông sẽ mất ngôi và nhà Lê ý chỉ Thái sư sẽ lên ngôi. Cuối cảnh là Lê Văn Thịnh sai tay chân (Khuyển) đi giết Hề già để bịt đầu mối.

Cảnh 4: Bốn tay chân của Lê Văn Thịnh giết Hề già. Cảnh 5: Thái úy Lý Thường Kiệt và vị trưởng lão mạn đàm. Qua câu chuyện của cháu Diệu Tính, Lý Thường Kiệt biết Hề già bị giết, sau đó 4 tên tay chân của Lê Văn Thịnh cũng bị thủ tiêu nên nghi ngờ âm mưu của Thái sư Lê Văn Thịnh. Thái úy Lý Thường Kiệt bèn từ Thanh Hóa về triều. Hồi thứ hai.

Cảnh 6: Lê Văn Thịnh và tên gia nô người Đại Lý quyết định làm phản. Trước khi kế hoạch được thực hiện, tên gia nô lại bị Lê Văn Thịnh giết.

Cảnh 7: Vua Lý Nhân Tông dạo chơi trên Dâm Đàm (hồ Tây) xem chú cháu Mục Thận đánh cá. Lê Văn Thịnh định giết vua nhưng bị bắt khi chưa kịp hành động. Ở chi tiết này, trong kịch bản, Tào Mạt viết Lê Văn Thịnh đội lốt cọp toan giết vua thì bị bắt. Lột da cọp ra thì lộ nguyên hình Thái sư Lê Văn Thịnh. Còn trong vở diễn thì Lê Văn Thịnh nhảy lên thuyền dùng tay làm động tác chém vào cổ vua thì bị bắt.

Cảnh 8: Hề con và Hề nhỡ vạch tội Lê Văn Thịnh, đặc biệt là tội tham mà định giết vua cướp ngôi.

Cảnh 9: Vua Lý Nhân Tông và mẹ là Hoàng Thái hậu Ỷ Lan cùng quần thần xét tội và kết án Lê Văn Thịnh đi đày ở Thao Giang. Thái úy Lý Thường Kiệt được phong đệ nhất công thần và được giao đi dẹp giặc Lý Giác.

Như vậy, hình tượng Thái sư Lê Văn Thịnh trong vở chèo “Lý Nhân Tông kế nghiệp” hiện lên thật gớm ghiếc. Từ ngoại hình gian giảo, đến tính cách gian ngoan, xảo quyện, độc ác (trong vở diễn mà giết tới 6 mạng người) và âm mưu giết vua để cướp ngôi.

Lê Văn Thịnh trong sách sử và dân gian

Vụ án hồ Dâm Đàm (hồ Tây) xảy ra năm 1096. Viết về vụ án này, sách “Việt điện u linh” của Lý Tế Xuyên đời Trần là chép sớm nhất nhưng cũng cách sự việc tới hơn 200 năm. Truyện “Thái úy Trung tuệ vũ lượng công” trong sách viết về Mục Thận có công bắt Lê Văn Thịnh. Nhưng truyện không đề cập đến thời điểm diễn ra vụ án trong khoảng thời gian nào. Sách “Đại Việt sử lược” ra đời vào thời Trần viết sự việc diễn ra vào tháng 11 năm 1096. Thế nhưng sách “Đại Việt sử ký toàn thư” thời Lê lại viết sự việc xảy ra vào tháng 3 năm 1096. Đến thời Nguyễn, các sách đều chép dựa theo các sách trên.

Vụ việc xảy ra năm 1096 loại bỏ khỏi vũ đài chính trị vị Thái sư Lê Văn Thịnh đầu triều là có thật. Thế nhưng, qua những nghiên cứu sau này và qua tâm thức dân gian, cuộc đời của ông thật vừa hùng vừa bi tráng.

Năm 1075 là năm sử sách ghi danh Lê Văn Thịnh. Đó là sự kiện triều đình nhà Lý tổ chức kỳ thi Minh kinh bác học và Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh đỗ đầu và được đời sau vinh danh là Ông tổ khai khoa, Trạng nguyên đầu tiên. Ngay sau khi đỗ, Lê Văn Thịnh đã được giao phó giúp vua học. Rồi lại được thăng Thị lang Bộ binh (tương đương Thứ trưởng Bộ Quốc phòng như ngày nay) trong cuộc kháng chiến chống Tống. Năm 1084, Binh bộ Thị lang Lê Văn Thịnh được phong làm Chánh sứ, Nguyễn Bồi làm Phó sứ sang trại Vĩnh Bình để tiếp tục đòi lại cương thổ sau khi phái bộ Đào Tông Nguyên đàm phán không thành công.

Sử nhà Tống là “Tục Tư trị thông giám trường biên” của Lý Đào chép, có thể chưa thể tường tận hết cuộc hội đàm nhưng cũng đủ để hình dung một phần nào cuộc thương thuyết ấy. Kết quả, nhà Tống buộc phải trả lại ba động sáu huyện là những đất đã chiếm trước chiến tranh cho nhà Lý. Với công trạng đó, về triều, Lê Văn Thịnh được thăng chức Thái sư, là chức quan đầu triều (trên cả Thái úy Lý Thường Kiệt). Trong khoảng thời gian làm Thái sư, Lê Văn Thịnh đã thực hiện nhiều cuộc cải cách lớn: cải cách hành chính, điền địa, về quy hoạch chùa chiền… Những việc lớn như vậy đem lại ích nước lợi dân nhưng mặt khác tạo mâu thuẫn lớn với tầng lớp tăng lữ, quan lại. Và đó có thể là nguyên nhân sâu xa dẫn tới vụ án hồ Dâm Đàm sau đó.

Tuy Lê Văn Thịnh bị kết án và đi đày, nhưng tại quê hương ông và nhiều vùng xung quanh, nhân dân từ nhiều đời trước đã lập đền thờ ông. Có nơi ông được thờ làm thành hoàng làng. Các triều đại Lê, Nguyễn đều có sắc phong thần. Hàng năm nhân dân đều tổ chức lễ hội để vinh danh. Đặc biệt 4 năm một lần vào các năm có hàng chi Thân, Tý, Thìn lại tổ chức lễ hội thập đình quy mô lớn.

Như vậy, cuộc đời Lê Văn Thịnh là cuộc đời đẹp đẽ và có nhiều cống hiến cho dân tộc. Vụ án Dâm Đàm thực ra rất mơ hồ, huyền hoặc và nếu phân tích theo góc độ pháp lý ngày nay thì không thể kết tội ông được.

Năm 1993, trước tình thế vở chèo “Lý Nhân Tông kế nghiệp” được trình diễn rộng rãi, gây chú ý và hoang mang dư luận, ít nhất là trên quê hương Hà Bắc (khi đó chưa tách tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh), Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao tỉnh Hà Bắc đã chủ trì một hội thảo về Thái sư Lê Văn Thịnh. Với nhiều tham luận của các nhà trí thức uy tín, hội thảo đã có thống nhất chung nghi án cần được kết luận là Lê Văn Thịnh là người có công chứ không có tội.

Thay mặt những người tham gia hội thảo, ông Nguyễn Đình Bưu - Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin và Thể thao tỉnh Hà Bắc khi đó đã làm công văn gửi: Bộ Văn hóa - Thông tin; Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia; Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Cục Nghệ thuật sân khấu; Đoàn nghệ thuật chèo Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam ngừng công diễn vở chèo “Lý Nhân Tông kế nghiệp”. Văn bản có đoạn viết: “Nhìn lại vở chèo “Lý Nhân Tông kế nghiệp”, Hội thảo thấy rằng nếu tiếp tục công diễn vở này sẽ là việc làm tiếp tục không đúng về một danh nhân thời Lý – ông trạng khai khoa của đất nước; sẽ làm phương hại nhiều tới tư tưởng và tình cảm trong nhân dân”.

Từ hình tượng đặc sắc trên sân khấu đến thực tế lịch sử, đôi khi có những trớ trêu như vậy đấy. Thế nên ai dám bảo câu chữ là nhẹ?

Từ Khôi