Lòng dân Đất Mũi hướng về Quốc Tổ

Duy Khôi-Quốc Trung 13/04/2019 09:00

Nơi cuối trời của đất mẹ Việt Nam, có một ngôi đền thờ các Vua Hùng vẫn ngày ngày khói hương nghi ngút, như là tấm lòng của người dân Đất Mũi hướng về Quốc Tổ. Đó là Đền thờ Vua Hùng ở ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Lòng dân Đất Mũi hướng về Quốc Tổ

Đến thờ Vua Hùng ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Miếu Ông Vua bên dòng Bạch Ngưu

Theo tài liệu còn lưu giữ tại đền thờ và lời kể của các bậc cao niên trong vùng, ngôi đền này có lịch sử trên 150 tuổi, do ông Hội đồng Giảng, từ miền ngoài vào đây định cư, lập nghiệp xây cất nên. Vào vùng rừng Cà Mau lập nghiệp, mang theo nỗi nhớ quê cha đất tổ nên ông Hội đồng Giảng đốn tràm, lá dừa nước dựng ngôi miếu nhỏ bên bờ sông Bạch Ngưu để thờ phụng các Vua Hùng.

Người dân trong vùng quen gọi là “Miếu Ông Vua”. Ngôi miếu nhỏ ngày ngày được bà con đến thắp hương khấn nguyện, cầu mong cuộc sống bình yên ấm no giữa cảnh hoang vu, rừng thiêng nước độc. Đến ngày Giỗ Tổ, Hội đồng Giảng cho mở lễ hội linh đình, trước lễ dâng hương, ông mời gánh hát bội, múa lân, đấu võ, tổ chức trò chơi dân gian… thu hút hàng trăm bà con đến vui chơi và thắp nén hương cho Vua Hùng.

Về thăm Đền Hùng ở Giao Khẩu, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện xúc động về tấm lòng của người dân nơi đây dành cho Vua Hùng. Ông Châu Văn Tỷ, một bô lão địa phương, kể rằng: Thời chiến tranh, bom đạn giặc giã là vậy nhưng cứ đến ngày Giỗ Tổ, bà con lại rủ nhau hùn tiền mua heo, gà vịt cúng Vua. Những năm khó khăn, lễ vật dâng Vua là nải chuối, nồi cá kho, vài chén cơm trắng… Dù ít dù nhiều nhưng chưa có năm nào bà con quên ngày Giỗ Tổ. Thời kháng chiến chống Mỹ, vùng Tân Phú - Chợ Hội là căn cứ địa cách mạng, bom đạn tàn phá xóm làng liên miên. Năm 1966, giặc trút bom xuống xóm làng, cháy hàng trăm căn nhà, trong đó có Miếu Ông Vua. Khi giặc bỏ đi, việc đầu tiên bà con làm không phải là lo cất lại ngôi nhà mà là dựng lại ngôi miếu. Đó chẳng phải là lần đầu tiên.

Các vị cao niên trong vùng không nhớ hết bao nhiêu lần nhưng khẳng định ngôi miếu bị giặc bắn phá cháy không dưới 5 lần. Giặc đi, người dân dựng lại. Không còn tượng thờ, bà con viết bài vị: “Kính nhớ Hùng Vương” và đêm ngày nhang khói. Từ lâu, Miếu Ông Vua đã trở thành một tín ngưỡng tâm linh, hướng về nguồn cội không thể thiếu của người dân Tân Phú - dấu thiêng trên đất Thới Bình. Sau ngày hòa bình, một dịp tình cờ, người dân có được tấm ảnh chụp tượng Vua Hùng ở Đền Hùng Phú Thọ, vậy là ban quản lý cùng bà con bàn nhau đắp tượng Vua Hùng. Sau nhiều lần đắp, tượng Vua Hùng mặc áo mão biểu tượng chim Lạc, ngồi trên ngai vàng tay tựa ghế hình đầu rồng uy nghiêm, bệ vệ.

Tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Hiện nay, Đền thờ Vua Hùng ở Cà Mau là 1 trong 2 ngôi đền thờ Hùng Vương ở ĐBSCL (đền kia ở tỉnh Kiên Giang) và có lịch sử lâu đời nhất.

Năm 2006, nhờ một mạnh thường quân ở TP Cà Mau cùng sự góp sức của bà con, ngôi đền đã được xây dựng mới hoàn toàn với kiến trúc đình chùa Nam Bộ theo kiểu chữ “Quốc”, mặt chính quay ra Quốc lộ 63, mặt sau quay ra sông Bạch Ngưu. Các đầu đao trên mái đình được đắp nổi hình rồng rất công phu, kỹ xảo. Nóc đình có hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt” quen thuộc. Cũng năm đó, công trình nhà khách và nhà bếp của Đền thờ cũng được xây cất, đáp ứng nhu cầu tiếp đãi khách thập phương những ngày Giỗ Tổ.

Toàn bộ kiến trúc, nội thất bên trong ngôi đền đều do người dân tự thiết kế. Hình dáng ngôi đền được ban quản lý học tập từ Đền thờ Hùng Vương ở TP Hồ Chí Minh. Tượng Vua Hùng được lấy nguyên mẫu từ tượng cũ, đắp cho lớn ra để tương xứng với ngôi đền.

Trong đền, ngoài chính điện thờ Vua Hùng, còn có hai hương án thờ “Quốc Việt chư Văn quan chi vị” và “Quốc Việt chư Võ quan chi vị”. Hai câu đối trong đền cũng do các bô lão đặt ra: “Thập bát đại khai cơ sáng nghiệp - Tứ thiên niên kiến thiết bảo tồn” (tạm dịch: 18 đời Hùng Vương dựng nước/ 4 ngàn năm con cháu giữ gìn). Năm 2011, Đền thờ Hùng Vương được UBND tỉnh Cà Mau công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Niềm vui chung đó có ý nghĩa khích lệ, động viên nhân dân trong vùng sau hàng trăm năm gìn giữ, gắn bó với ngôi đền. Bà con trong vùng ai nấy đều xúc động: “Nhớ thuở hồi còn mái lá, cột tràm xập xệ mà bây giờ khang trang tường vôi mái ngói, lại là di tích cấp tỉnh. Niềm vui này dễ hồ có được!”.

Từ năm 2006 đến nay, lễ Giỗ được tổ chức rất quy mô với phần lễ và phần hội. Ngoài các trò chơi dân gian, phần lễ được tổ chức trang trọng. Trong 2 ngày mồng 9 và mồng 10 tháng 3 âm lịch mỗi năm có hàng ngàn lượt khách đến viếng, từ khắp nơi như: Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang… Ai ai cũng muốn tìm về nguồn cội, gần hơn với danh xưng đầy tự hào “con Lạc cháu Hồng”.

Dòng Bạch Ngưu trăm năm vẫn xuôi dòng. Lòng dân Tân Phú bao đời vẫn vậy, xem Đền thờ Hùng Vương như một chỗ dựa tâm linh vững chắc, như một quyển lịch sử sống về bài học dựng nước và giữ nước của ông cha. Những ngày gần Giỗ Tổ bà con trong xã tất bật chuẩn bị lễ vật dâng Giỗ Tổ. Ở xã Tân Phú này bao năm qua vẫn giữ thói quen, ai có gì cũng được: từ con gà, con vịt đến nải chuối, củ khoai… đều mang đến cúng Vua ngày Giỗ Tổ. Giỗ Tổ Hùng Vương nơi cuối trời đất mẹ Việt Nam không có bánh chưng, bánh dày như miền Bắc, thay vào đó là xôi, bánh tét, bánh ít. Các mâm xôi của người dân nơi đây cung tiến Vua Hùng cũng thật là đặc biệt, ngoài xôi trắng còn có xôi được nhuộm màu đỏ, vàng, tím với ý nghĩa nhắc lại những giống lúa tốt đã được trồng từ thời Hùng Vương mà con cháu chúng ta gìn giữ từ đời này sang đời khác.

Về Đền thờ Hùng Vương ở Giao Khẩu, mới cảm nhận hết tình cảm của người dân nơi đây dành cho các Vua Hùng. Tình dân tộc, nghĩa đồng bào càng thắt chặt hơn qua mỗi nén nhang thắp lên bàn thờ Quốc Tổ. Từ đó nâng cao tình yêu nước, tinh thần dân tộc trong mỗi người dân vùng châu thổ Cửu Long…

Duy Khôi-Quốc Trung