Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về Chính phủ điện tử
Làm việc với Đoàn công tác của Bờ Biển Ngà về kinh nghiệm chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết là nước có kinh nghiệm đi trước, Việt Nam sẵn sàng chia sẻ và đón Bờ Biển Ngà sang thăm và học hỏi các lĩnh vực bạn quan tâm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm việc với Đoàn công tác đến từ Bờ Biển Ngà.
Chiều 12/4, trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, tại trụ sở Ngân hàng Thế giới (Washington, D.C), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng và Đoàn công tác của VPCP đã làm việc với Đoàn công tác đến từ Bờ Biển Ngà về kinh nghiệm chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Việt Nam.
Bờ Biển Ngà là quốc gia châu Phi nằm trong nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử mức Trung bình theo xếp hạng của Liên Hợp quốc. Chỉ số Chính phủ điện tử đạt 0,2776, đứng thứ 172/193 quốc gia, vùng lãnh thổ theo báo cáo năm 2018 của Liên Hợp quốc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, theo báo cáo Liên Hợp quốc năm 2018, Việt Nam đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, nằm trong nhóm các nước có mức độ phát triển cao về Chính phủ điện tử (High-level). Để xây dựng CPĐT tại Việt Nam, VPCP đã đến học hỏi kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển về CPĐT từ Malaysia, Hàn Quốc, Pháp, Estonia... Tuy đã có kết quả ban đầu nhưng Việt Nam nhận thấy vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chia sẻ những tồn tại, hạn chế là rào cản cho việc xây dựng CPĐT tại Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP mong muốn từ các thông tin này Bờ Biển Ngà có thể vận dụng vào bối cảnh, tình hình phù hợp thực tiễn trong nước.
Đối với kinh nghiệm về thể chế, cần thiết xây dựng các quy định cho phép thực hiện trao đổi văn bản điện tử, lưu trữ tài liệu điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước; định danh, xác thực điện tử; về giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Về hạ tầng công nghệ, cần thiết ban hành Khung kiến trúc CPĐT trong đó ưu tiên triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng như dân cư, đất đai; các hệ thống nền tảng dùng chung gồm Nền tảng hạ tầng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, Hệ thống xác thực tập trung (eID), Cổng dịch vụ công quốc gia. Xây dựng Cổng dịch vụ công, tích hợp dữ liệu, trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về nguồn lực, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ cần huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, bố trí nguồn lực phù hợp cho các dự án công nghệ thông tin; ưu tiên việc thuê dịch vụ CNTT nhằm tận dụng nguồn lực khu vực bên ngoài.
Trong đào tạo nguồn nhân lực, người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương là người chỉ đạo thực hiện các chương trình CPĐT và gương mẫu, đi đầu trong xử lý công việc trên môi trường điện tử. Sau khi Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương ngày 12/3/2019, văn bản Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi xuống Bộ, ngành, địa phương và ngược lại đều xử lý trên môi trường điện tử. Tại VPCP hiện nay các văn bản giấy tờ đều được xử lý trên môi trường điện tử và sử dụng chữ ký số.
Yếu tố thành công quan trọng nhất được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết là sự tham gia, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Thứ hai là phải triển khai đồng thời, kết hợp giữa cải cách hành chính, tái cấu trúc, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ (BPR) và ứng dụng công nghệ thông tin. Song song với đó là phải hoàn thiện hành lang pháp lý và các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quan trọng, đặc biệt là các hệ thống dùng chung ở quy mô quốc gia như Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống xác thực, định danh điện tử.
Bờ Biển Ngà cũng đang muốn xây dựng một Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, về lĩnh vực này cần đánh giá, lựa chọn những dịch vụ công cốt lõi, có số lượng người dùng lớn để tập trung triển khai trước, tránh đầu tư dàn trải.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP hy vọng sau buổi gặp gỡ, hai bên sẽ có những trao đổi cụ thể về khả năng hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên quan tâm như phát triển kinh tế, nông nghiệp, giảm nghèo, CPĐT.
Đoàn đại biểu Bờ Biển Ngà gửi lời cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã tổ chức cuộc làm việc và cảm ơn Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm. Hiện nay Bờ Biển Ngà đang xây dựng chiến lược phát triển, trong khuôn khổ này sẽ thiết lập dấu mốc, tiêu chí để giải quyết các thách thức đang đối diện. Đầu năm 2019, đoàn đại biểu Bờ Biển Ngà đã sang Việt Nam học hỏi những tiến bộ Việt Nam đạt được trong một số lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp...
Ở bước kế tiếp, Bờ Biển Ngà mong muốn sẽ có chuyến đi chính thức tới Việt Nam để cụ thể hóa các hợp tác và học hỏi những kinh nghiệm từ Việt Nam trong xây dựng CPĐT.
*Chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã làm việc với ông Jay Collins, Phó Chủ tịch Citigroup và các thành viên. Citigroup là một tập đoàn tài chính có lịch sử lâu dài (hơn 200 năm) và có công ty tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam (Citibank Việt Nam). Citigroup quan tâm về giải pháp công nghệ cho cải cách thủ tục hành chính, phát triển nền kinh tế số… tại Việt Nam.