Tết Chôl Chnăm Thmây
Hằng năm, cứ vào tháng Chét của lịch Phật giáo Khmer (khoảng giữa tháng 4 dương lịch), đồng bào Khmer Nam Bộ lại vui mừng đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây.
Tết Chôl Chnăm Thmây thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.
Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer vừa là ngày mở đầu năm mới, mở đầu thời vụ, cũng là ngày hạnh phúc, tươi vui nhất trong năm của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Cũng như các dân tộc anh em, đón năm mới, người Khmer ở Nam Bộ trang hoàng nhà cửa và thực hiện những nghi thức truyền thống, mừng mỗi người thêm tuổi mới, hy vọng một năm mới với nhiều may mắn, sung túc hơn. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quá trình nỗ lực của người dân, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào Khmer đã có nhiều khởi sắc. Do đó, Tết Chôl Chnăm Thmây ngày càng được tổ chức trang trọng, mang lại niềm vui cho cộng đồng người Khmer sinh sống ở các tỉnh Nam Bộ.
Tết Chôl Chnăm Thmây là Tết quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer. Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là “vào năm mới”, “lễ chịu tuổi”. Theo quan niệm của đồng bào Khmer, tháng 4 là lúc giao thời giữa mùa nắng và mùa mưa, khi đó, trời đất giao hòa, cỏ cây trở nên tươi tốt đầy sức sống. Và sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây được người Khmer quan niệm như là sự khởi đầu của một năm mới.
Tết Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra trong 3 ngày (thường là các ngày 14, 15, 16/4). Theo đó, ngày thứ nhất (Chol Sangkran) là lễ rước đại lịch. Mọi người tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang theo lễ vật như nhang đèn, hoa quả đến chùa làm lễ rước đại lịch. Lễ rước được tổ chức thành đoàn, dưới sự điều khiển của vị Acha hoặc vị sư cả, mọi người xếp hàng đi quanh chính điện 3 vòng, vừa đi vừa tụng kinh mừng năm mới. Sau khi đi đủ 3 vòng, đoàn rước vào chánh điện, tụng kinh đón chào vị thần năm mới và cầu an cho tất cả mọi người.
Ngày thứ hai (Wonbơf) là lễ dâng cơm và đắp núi cát. Buổi sáng các phật tử làm lễ cúng Phật và dâng cơm cúng dường các nhà sư. Trước khi thọ bát, các sư tụng kinh cầu phúc cho những người đã đem thức ăn cúng dường, đồng thời làm động tác ban thức ăn cho những oan hồn uổng tử. Buổi chiều, tiến hành lễ đắp núi cát xung quanh sân chùa.
Đây là một tập tục lưu truyền theo sự tích về một người làm nghề săn bắn đã giết rất nhiều muông thú. Về già, ông luôn bị ám ảnh bởi những loài thú mà ông đã săn bắn đến đòi mạng. Các nhà sư hướng dẫn ông cách đắp núi cát để tích phước. Ông bảo các loài chim muông nếu muốn đòi nợ thì hãy đem đi hết những hạt cát mà ông đã đắp, chúng đành kéo nhau đi. Từ đó người thợ săn cố gắng tích đức cho đến ngày về với cõi Phật.
Nghi thức tắm Phật trong Tết Chôl Chnăm Thmây. Ảnh: An Hiếu.
Theo sự hướng dẫn của các vị Acha, người ta lấy cát sạch đắp những ngọn núi cát nhỏ tỏa ra các hướng và một ngọn ở giữa chính điện.
Ngọn chính giữa tượng trưng cho trung tâm trái đất, các ngọn còn lại tượng trưng cho bốn phương, tám hướng của vũ trụ. Đắp núi xong, người ta dùng tre (hoặc vật liệu khác) rào quanh. Tiếp theo là đến phần lễ quy y cho núi, đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thể. Tục đắp núi cát có ý nghĩa ngăn trở ma quỷ và những điều xấu, đồng thời nhắc nhở mọi người nên tích phúc.
Ngày thứ ba (Lơm Săk), lễ tắm tượng Phật, tắm sư. Các nhà sư dùng nước tinh khiết có ướp cánh hoa thơm tắm cho Đức Phật, cùng với nghi thức đó, các nhà sư, chư tăng, phật tử thành tâm khấn nguyện cầu mong Đức Phật, chư thiên gia hộ cho mọi người được dồi dào sức khỏe, cuộc sống an lành, đạt được những điều ước nguyện. Đây là một nghi lễ rất quan trọng đối với đồng bào Khmer Nam Bộ, bởi theo quan niệm của đồng bào Khmer, tắm Phật là việc làm cao đẹp, với ý nghĩa tự nguyện làm tốt cho mình, gội rửa điều xấu, điều ác trong tâm và mong cầu sự mát mẻ, an lành, hạnh phúc cho mọi người.
Dưới sự điều hành của Acha, mọi người xếp hàng đi vòng quanh chính điện 3 lần để làm lễ mừng năm mới.
Sau lễ tắm Phật là lễ đặt bát cúng dường và dâng cúng tứ sự tới chư tăng tại sân sau chánh điện và Sa la. Phật tử dâng đặt bát các món ăn hoặc cúng dường tùy hỉ các vật dụng như: y cà sa, các đồ dùng thiết thực cho đời sống hàng ngày của sư, chư tăng... Cuối cùng, sư trụ trì cùng các vị sư thuyết pháp tại chánh điện, các phật tử tham dự và tham gia lễ cầu siêu cho linh hồn của những người quá cố, là thân bằng quyến thuộc của phật tử đã quá vãng, hồi hướng, hoàn mãn cho các linh hồn sớm siêu sinh, tịnh lạc.