Khan hiếm nhà giá rẻ
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh khẳng định, thiếu chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội phát triển nên phân khúc này rơi vào tình trạng khan hiếm hàng trầm trọng. Một dự án chỉ có hơn 100 căn nhà ở chào hàng nhưng có tới mấy trăm đơn đề xuất mua, dự án mấy ngàn căn có hơn 10.000 đơn xin mua nhà.
Nguồn cung căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội khan hiếm, trong khi căn hộ chung cư cao cấp lại nở rộ.
Cung không đủ cầu
Số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng cho hay, nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc trong giai đoạn năm 2011- 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP HCM khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn...Nhưng trên thực tế nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa cũng chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở xã hội của cả nước, nhất là tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh công nghiệp hóa cao.
Theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay nhà ở xã hội chỉ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đã đề ra. Đơn cử, tại TP HCM giai đoạn năm 2016 – 2020 có đến 81.000 hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu nhà ở xã hội, trong đó cán bộ công chức 10.000; hộ thu nhập nghèo, cận nghèo 39.000; lao động trong khu công nghiệp 17.000. Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội của người dân trên địa bàn, TP HCM triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020, hoàn thành xây dựng 20.000 căn. Nhiều ý kiến cho rằng, thành phố nỗ lực phát triển nhà ở xã hội song vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu thực thế vì nguồn cung quá ít trong khi nhu cầu rất lớn.
Ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho hay: “Sở đánh giá cao cố gắng của doanh nghiệp nhưng số lượng nhà ở vẫn không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Dự án có 125 căn chào hàng có đến 700 đơn đề xuất được mua, dự án có 7.000 căn nhưng phải tiếp nhận hơn 10.000 đơn. Cung cầu chênh nhau quá lớn”.
“Giờ nhà ở xã hội hay nhà ở giá thấp khan hiếm trầm trọng, trong khi đó nhà đầu tư lại không mặn mà và chật vật. Điển hình, Khang Gia đầy tai tiếng, Đất Lành nghỉ dưỡng cho an lành, Lê Thành vất vả, Hoàng Quân không ổn,… Nhiều đại gia từng khẳng định sẽ phát triển nhà ở xã hội giờ đã chuyển hướng. Vincity từng tuyên bố làm nhà giá thấp nhưng giờ đã chuyển sang Vinhomes” - ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Đất Lành phân trần.
Giới chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp chỉ tập trung phát triển nhà ở thương mại, bỏ quên nhà ở xã hội. Lý do, chủ đầu tư không mặn mà vì sản phẩm nhà ở này tỷ lệ lợi nhuận thấp. Chưa hết, ngay sau khi gói 30.000 tỷ đồng ngừng cho vay, nhà ở cho người thu nhập thấp còn rơi vào tình trạng đói vốn trầm trọng. Băn khoăn về nguồn cung cho nhà ở giá thấp, giới đầu tư nhà ở cho rằng, nhà giá thấp lời rất ít, khoảng 1 - 2 triệu đồng/m2, tuy nhiên doanh nghiệp lại gặp khó cả về nguồn vốn lẫn thủ tục. Chính quyền cần có chiến lược xây dựng nhà ở giá thấp giúp người lao động thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận nhà ở hơn.
Nguồn cung nhà ở xã hội của TP Hồ Chí Minh không nhiều.
Gỡ nút thắt hỗ trợ
“Nên có chính sách phát triển nhà ở xã hội vì thủ tục hành chính chưa hấp dẫn chủ đầu tư. Đồng thời, cần điều chỉnh, bổ sung, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xây dựng phân khúc nhà ở này” – ông Trần Trọng Tuấn nêu quan điểm.
Để giải quyết bài toán nhà ở cho TP HCM, mới đây tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn thành phố, ông Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, ngoài nguồn nhà ở từ kế hoạch trước đó, thành phố sẽ đưa nhà ở tái định cư đang còn dư dôi của thành phố đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân.
Lo ngại nhà ở giá thấp không đáp ứng được nhu cầu thực tế, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) kiến nghị tháo vài điểm nghẽn của phân khúc này. Về nguồn vốn, theo HoREA, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở xã hội đang bị trở ngại do chưa bố trí được đủ nguồn vốn từ ngân sách cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay.
Do vậy, HoREA mong Quốc hội bổ sung chương trình thực hiện chính sách nhà ở xã hội vào các chương trình mục tiêu. Chương trình này bao gồm 21 danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm. Khuyến khích cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp.
Song song với chính sách vốn, HoREA kiến nghị, phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa và nhỏ. Trong đó, có khoảng 25% là loại căn hộ nhỏ, diện tích từ 25 - 45m2 ở một số quận - huyện ngoại thành.
“Mặc dù Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản đã có văn bản trả lời, không đồng ý cho phép doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2. Thế nhưng, một lần nữa, Hiệp hội kiến nghị xin cho phép thí điểm cho doanh nghiệp cũng được đầu tư phát triển phòng trọ cho thuê có diện tích dưới 25m2/phòng, để đáp ứng nhu cầu của người dân” - ông Châu nhấn mạnh.
Riêng về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội. Theo HoREA, trước hết là sử dụng hiệu quả quỹ đất công, sử dụng hiệu quả quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại của doanh nghiệp tư nhân để làm nhà ở xã hội gắn liền với các khu công nghiệp. TP HCM cần phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện thiết chế nhà ở công đoàn để giải quyết nhà ở cho công nhân, lao động trước hết là tại các khu công nghiệp.