Nhân lực cho du lịch
Du lịch Việt Nam thời gian qua gặt hái nhiều thành công. Số khách du lịch quốc tế lẫn trong nước đều tăng theo từng năm. Tuy nhiên, với lợi thế là lĩnh vực giàu tiềm năng thì vẫn còn nhiều việc phải làm để vươn cao hơn, đặc biệt là nguồn nhân lực cho du lịch.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel nói nhu cầu nhân lực trong mảng lữ hành thực sự đang là vấn đề rất lớn đối với ngành du lịch. Con số lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo vào ngành du lịch hiện chỉ có 16% và dự báo không thay đổi đến năm 2020.
Trong khi đó mỗi năm cần 40.000 lao động tại Việt Nam, riêng dịch vụ lưu trú cần khoảng 10.000-15.000 lao động. Tuy vậy, lượng sinh viên được đào tạo ra lại thấp hơn rất nhiều.
Thực trạng này dẫn tới các doanh nghiệp lữ hành đang phải loay hoay tìm kiếm lao động. Vì nếu chỉ sử dụng khoảng 20.000 lao động, 40.000 hướng dẫn viên như hiện nay thì gần như không thể đảm nhiệm nổi việc phục vụ cho khách du lịch, đặc biệt là ít được đào tạo để phục vụ các du khách quốc tế nói ngoại ngữ.
Có chuyên gia còn dẫn chứng ngay thực tế ở các thành phố du lịch hiện nay như Nha Trang, Đà Nẵng... có nhiều du khách Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Thế nhưng, các công ty lữ hành khi tuyển dụng vào thì hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng và muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng.
GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cũng chỉ ra, mỗi năm toàn ngành cần thêm 40.000 lao động nhưng các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng có 15.000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, trong đó chỉ có 12% tốt nghiệp cấp cử nhân trở lên.
Theo GS Mai Hồng Quỳ, có 5 vấn đề rất lớn của đào tạo nhân lực ngành kinh tế không khói của cả nước, mà chính yếu là về vấn đề đào tạo kiến thức liên ngành. Bởi vì bản thân du lịch không thể phát triển đơn độc mà phải gắn với giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội, hiểu biết về kiến trúc, thẩm mỹ, nhân học... Do đó để đạt hiệu quả trong đào tạo chất lượng cao, chương trình phải cần chú trọng kiến thức liên ngành.
Lấy câu chuyện thực tế của TP HCM, ThS Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM nhìn nhận, đang có 4 điểm nghẽn lớn với ngành. Ông dẫn chứng từ các số liệu của cơ quan quản lý du lịch của Singapore từ đó nhìn vào Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đã thấy những nghịch lý rất rõ.
Cụ thể, có nhiều chỉ tiêu lẽ ra được coi là lợi thế của du lịch Việt Nam thì vẫn chưa được đánh giá cao, trong đó có các chỉ tiêu về nguồn nhân lực chưa phải là lợi thế so với các nước khác. Chẳng hạn, chỉ số chất lượng cạnh tranh về tài nguyên của Việt Nam đạt 4.0/7.0, trong khi chỉ số này đối với Singapore chỉ đạt 2.4 nhưng điểm số chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực của quốc gia này lại cao hơn hẳn chúng ta.
Hay như xếp hạng về đầu tư đào tạo mở rộng cho lao động của nước ta thấp hơn nhiều (69/136) so với các nước châu Á có nền du lịch phát triển như Singapore (3/126), Malaysia (9/136) hay Nhật (10/136). Ngay đối với TPHCM, ông Vũ chỉ ra dù thành phố là trung tâm đào tạo, nhưng hiện cũng chỉ có 10% người làm trực tiếp được đào tạo trường lớp, trong khi tỷ lệ lao động chất lượng cao còn hạn chế.
Những vấn đề của ngành “kinh tế không khói” được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gói gọn vào 3 vấn đề - 3 câu hỏi lớn cho ngành Giáo dục - Đào tạo và ngành Du lịch. Đó là ngành du lịch có đủ hấp dẫn thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam và quốc tế tham gia không? Các chính sách nghề nghiệp có đủ thu hút? Vì sao chúng ta chưa có nguồn nhân lực tốt ở trường mình, công ty mình? Làm gì để thu hút lao động chất lượng cao? Làm gì để tối ưu hóa nguồn lực sẵn có? Khi đặt ra những vấn đề như vậy, người đứng đầu Chính phủ đưa ra gợi mở, chúng ta đang có 346 cơ sở du lịch, mỗi năm nhu cầu du lịch đến 40.000 người nhưng chất lượng mới là vấn đề đặt ra, còn thấp, yếu, chưa học hành đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về văn hóa, ứng xử, thái độ. Đây là vấn đề mà cả cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp lữ hành cần suy nghĩ.
Thủ tướng dẫn chứng cách đây 30 năm, TP HCM có trường du lịch rất nổi tiếng, ai học ra thì làm nghề rất giỏi. Nhưng, học và hành, các trường hiện nay có đặt ra yêu cầu như vậy không? Địa phương và các trường phải giải quyết được vấn đề này. Mô hình công ty trường này là một hình thức rất cần thiết. Nếu làm trường học mà không có thực hành thì rất xa vời với cơ hội nghề nghiệp. Nhìn phong cách phục vụ, người hướng dẫn viên là biết việc có được đào tạo tốt hay không.
Bày tỏ sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với du lịch, Thủ tướng mong muốn mỗi cá nhân đều là một phần dẫn đến các thay đổi cho sự phát triển của du lịch Việt Nam. Đó chính là nguồn nhân lực quan trọng chứ không chỉ là nhân lực trong trường lớp đi ra. Đó là ngành du lịch, tính hiệu quả của nó phải gắn liền với giá trị của mỗi con người. Nói khác đi, mỗi người dân chính là một đại sứ du lịch của nước nhà, trên bước đường đưa ngành này trở thành mũi nhọn của kinh tế quốc gia.